Thứ ba,  21/03/2023

Vòng quanh vùng đất huyền thoại

LSO-Vùng núi Mẫu Sơn nằm trên địa phận của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và Mẫu Sơn huyện Lộc Bình có tổng diện tích tự nhiên 1.740 ha. Ở độ cao trên 1.500 mét so với mặt biển, Mẫu Sơn được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên đa dạng sinh học và những giá trị về bản sắc văn hoá dân tộc thuần khiết của người dân sinh sống nơi đây. Hội trại thanh niên tổ chức trên đỉnh Mẫu Sơn - Ảnh: Phan CầuCon đường từ trung tâm cụm xã Ba Sơn lên xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) không còn gập ghềnh khúc khuỷu như những năm về trước. Thi thoảng những cơn gió nhè nhẹ thổi mang theo hơi ấm của mùa xuân, vừa đi chúng tôi vừa được nghe chuyện về núi Mẫu Sơn, khiến mọi người như trở lại miền ký ức của tuổi thơ. Chuyện kể rằng: “Ngày xửa, ngày xưa, núi cũng biết đi lại, biết làm việc, có vợ, có chồng con cái và biết đánh lại kẻ ác. Một hôm...

LSO-Vùng núi Mẫu Sơn nằm trên địa phận của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và Mẫu Sơn huyện Lộc Bình có tổng diện tích tự nhiên 1.740 ha. Ở độ cao trên 1.500 mét so với mặt biển, Mẫu Sơn được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên đa dạng sinh học và những giá trị về bản sắc văn hoá dân tộc thuần khiết của người dân sinh sống nơi đây.

Hội trại thanh niên tổ chức trên đỉnh Mẫu Sơn – Ảnh: Phan Cầu
Con đường từ trung tâm cụm xã Ba Sơn lên xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) không còn gập ghềnh khúc khuỷu như những năm về trước. Thi thoảng những cơn gió nhè nhẹ thổi mang theo hơi ấm của mùa xuân, vừa đi chúng tôi vừa được nghe chuyện về núi Mẫu Sơn, khiến mọi người như trở lại miền ký ức của tuổi thơ. Chuyện kể rằng: “Ngày xửa, ngày xưa, núi cũng biết đi lại, biết làm việc, có vợ, có chồng con cái và biết đánh lại kẻ ác. Một hôm núi Cha đi tìm giếng nước mật, ở nhà chờ lâu không thấy núi Cha về, núi Mẹ nóng ruột lo lắng quyết tâm đi tìm núi Cha. Một tay cầm thỏi vàng, một tay cầm thỏi bạc, lưng cõng núi con. Dọc đường núi Mẹ gặp một tên núi lạ, chúng sán đến gần tán tỉnh, dỗ dành muốn chiếm núi Mẹ làm vợ. Nhìn thấy núi Mẹ cõng con, lại thấy một tên núi lạ theo sau, núi Cha hồi hộp theo dõi. Để che kín mình không cho tên núi lạ nhìn thấy, núi Cha liền kéo mây xuống xung quanh. Khi núi Mẹ tới gần, thấy hai hàng nước mắt cứ trào ra trên khuôn mặt rất lo lắng, sợ hãi của núi Mẹ, núi Cha hiểu được sự tình, bèn vén mây lên. Thấy núi Cha xuất hiện ngay trước mặt, núi Mẹ xúc động, vội dang tay ra đón núi Cha. Tên núi lạ thấy thế cũng vội vàng quay đầu bỏ chạy…”. Ngày nay, ở dưới chân dãy núi Mẫu Sơn thuộc hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình có làng gọi là Bản Vàng (Bản Kim), Bản Bạc… Đó chính là nơi núi Mẹ đã để thỏi vàng, thỏi bạc rơi xuống. Câu chuyện huyền thoại về mối tình của núi Mẫu Sơn còn được bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao sống dưới chân núi Mẫu Sơn thêu dệt mang nhiều mầu sắc huyền thoại như một bài học cảnh tỉnh, bà con các dân tộc phải giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Băng tuyết trên núi Mẫu Sơn
Đứng ở phía xã Ba Sơn (Cao Lộc) nhìn về dãy núi Mẫu Sơn vào ngày nắng trông thấy rõ hai ngọn núi gọi là núi Cha và núi Mẹ, núi Mẹ thấp hơn trên lưng cõng núi con sát gần núi Cha. Cùng với những huyền thoại đi vào lòng người, khu vực Mẫu Sơn còn có những di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa xã hội. Trong đó có di tích đền cổ Mẫu Sơn thuộc thôn Lập Pịa xã Mẫu Sơn, nằm trong khu vực rừng nguyên sinh và đất trống đồi trọc đặc trưng của hệ sinh thái khí hậu cận nhiệt đới. Từ ngày phát hiện và khai quật đền cổ, các nhà khoa học lịch sử bước đầu đã có những nhận định về giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng dân cư, dân tộc của di tích. Khẳng định vị thế của di tích và vùng đất chứa đựng di tích ghi dấu vào bản đồ các di sản văn hóa của đất nước. Bên cạnh khu đền cổ Mẫu Sơn, phía dưới dãy núi Cha là suối Long Đầu chảy quanh co qua các dải núi Mẫu Sơn dài khoảng 10 km. Phía thượng nguồn có những thác nước cao 3 mét, rộng từ 5 đến 7 mét. Phía trung lưu thuộc thôn Long Đầu là một điểm nghỉ mát tắm suối lý tưởng với các vũng, thác nước ẩn mình trong rừng hoa đỗ quyên. Từ vẻ đẹp của tự nhiên, dòng suối, của núi rừng, suối Long Đầu là điểm sáng trên bản đồ du lịch sinh thái Lạng Sơn. Suối Long Đầu gắn liền với danh thắng Mẫu Sơn, khu linh địa cổ tạo thành một tuyến du lịch lý tưởng mang đến nhiều ý nghĩa cho du khách đến vùng đất Mẫu Sơn.
Săn ảnh tuyết – Ảnh: N.N
Thêm một điều thú vị nữa, đứng trên đỉnh Mẫu Sơn nhìn về phía Đông Bắc, nơi ấy bên dòng Kỳ Cùng thuộc xã Tú Đoạn có ngôi chùa cổ tên gọi là chùa Trung Thiên hay còn gọi là Dinh Chùa, được xây dựng vào năm 1680 do quận công Vi Đức Thắng hưng công. Đến chùa Trung Thiên và khu di tích nhà họ Vi ở Bản Chu, ta có thể cảm nhận được sự bình yên của một vùng dân cư dân tộc đặc sắc với những bản làng, nhà chình tường dọc theo hai bờ thượng nguồn dòng Kỳ Cùng chảy ngược… Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho khu vực Mẫu Sơn một cảnh quan tươi đẹp của núi rừng, thác nước, sông suối, khí hậu gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa cùng với bản sắc dân tộc độc đáo. Hiện nay khu vực này đang được tỉnh quan tâm bảo tồn, gìn giữ và là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch.
Đường lên núi Mẫu Sơn

Để khai thác tiềm năng của khu du lịch Mẫu Sơn và các giá trị lịch sử, văn hóa xã hội, trong các hội thảo, Trung tâm Xúc tiến du lịch Lạng Sơn đã đề ra một số giải pháp nhằm xúc tiến khai thác khu linh địa cổ Mẫu Sơn. Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có những giải pháp khoa học, đồng bộ và thực tiễn; trong đó cần phục dựng kiến trúc và nội dung nghi lễ sinh hoạt tâm linh ngôi đền cổ là những cơ sở thực tiễn phục vụ khách du lịch; khoanh vùng quản lý xây dựng tuyến tham quan trong khu du lịch tạo điều kiện cho du khách tận hưởng không khí môi trường của những cánh rừng nguyên sinh Mẫu Sơn.

Thúy Đội