Sức sống mới nơi vùng lũ
08/02/2011 10:25
29 Tết, chúng tôi ngược lên Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn. Đây là những huyện được coi là rốn lũ của Hà Tĩnh trong trận lũ lịch sử tháng 10-2010. Khác với cảnh hoang tàn, đổ nát trong những ngày lũ chồng lên lũ ấy, dọc theo tuyến quốc lộ 8, quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh hay tỏa sâu vào từng xóm làng, đâu đâu cũng ngút ngàn mầu xanh của ngô, rau và lúa. Vào những ngày áp Tết này, chắc nhiều người dân đất Việt trên mọi miền đất nước đang lo mua sắm, để đón một cái Tết hoành tráng, hay sum vầy quanh nồi bánh chưng thơm. Thế nhưng ở rốn lũ này, trong khí trời lạnh lẽo, vẫn còn nhiều người dân (kể cả các em nhỏ) đang chăm chỉ trên đồng ruộng. Họ đang tất bật cho những gánh rau đầy đem bán ngày Tết hay chặt cây ngô làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Trên cánh đồng xóm 4, xã Ân Phú (Vũ Quang), chúng tôi tình cờ gặp vợ chồng anh Thái Sơn (mà cách đây ba tháng, chúng tôi đã phát quà cứu trợ cho họ) đang thu hoạch nốt sào rau cải cuối cùng. Vợ con thu hoạch đến đâu, anh Sơn tranh thủ cày ngay đến đấy để sau Tết trồng lạc xuân. Anh Thái Sơn cho hay: Rau được mùa, được giá, nên cũng đủ tiền sắm Tết. Ngoài ra, gia đình anh có bốn khẩu được nhận 80 kg gạo hỗ trợ đón Tết, nên Tết này cũng khá tươm tất, bù cho những ngày lao đao vì lũ. Trên cánh đồng xóm 4 này và những cánh đồng chung quanh mọi người đang hối hả làm việc. Phó Bí thư Đảng ủy xã Ân Phú Phạm Quang Tùng cho biết, trận lũ kép lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề cho rốn lũ Ân Phú hơn 15 tỷ đồng. Ngay sau lũ, ngoài các khoản cứu trợ của Nhà nước và tỉnh Hà Tĩnh, Ân Phú đã có 35 đoàn cứu trợ của các nhà hảo tâm với hàng tỷ đồng (tiền mặt, gạo, nhu yếu phẩm) giúp bà con vượt qua khó khăn. Vừa qua, chúng tôi lại tiếp nhận bảy tấn gạo và đã cấp phát đầy đủ cho 100% số gia đình khó khăn (mỗi khẩu 20 kg) đón Tết. Các gia đình chính sách được nhận tiền của Nhà nước và tỉnh hỗ trợ đón Tết.
Phải khá vất vả vượt qua đoạn đường dài lầy lội, chúng tôi mới ghé thăm ngôi nhà còn thơm mùi vôi của mẹ con chị Phạm Thị Huyến ở xóm Thanh Uyên, xã Sơn Bằng (Hương Sơn). Chị Huyến tâm sự trong nước mắt: Nhờ có các nhà hảo tâm, bà con chòm xóm, mà mẹ con em có ngôi nhà trị giá hơn 50 triệu đồng. Đây là khoản tiền mà Công ty CP Đầu tư nhà ở số 6 Hà Nội hỗ trợ cùng khoản vay theo Quyết định 167/CP và sự tiếp sức của bà con trong xóm. Chị Huyến cho biết: 'Nếu không có Nhà nước và các đoàn thể, nhà hảo tâm giúp đỡ, mẹ con em chưa biết ngày nào mới xây dựng lại được như hôm nay'. Ngôi nhà được khánh thành vào ngày 25 tháng Chạp vừa qua giúp mẹ con chị Huyến thêm ấm lòng.
Cạnh nhà chị Huyến, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hạnh (bị bệnh tâm thần) và chị Phạm Thị Hạnh thuộc diện hộ nghèo cũng vui vẻ trong ngôi nhà mới cùng hai con. Ngôi nhà tình nghĩa thêm phần ấm cúng với tạ ngô vàng vừa mới thu hoạch xong và nồi thịt đang dậy mùi trong bếp. Trên bàn thờ có bốn chiếc bánh chưng xanh nhỏ bên cạnh mâm quả và mấy gói kẹo, bánh, gia chủ muốn thể hiện một cái Tết sau lũ chu đáo, báo cáo với gia tiên và cho lũ trẻ đỡ tủi thân trong những ngày Tết. Chị Hạnh khoe, ngoài khẩu phần gạo hỗ trợ, gia đình còn được Hội Chữ thập đỏ giúp 700 nghìn đồng để đón Tết.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng (Hương Sơn) Phạm Kinh Tuyến, cho biết: Toàn xã có 663/954 nhà bị ngập sâu trong lũ. Thiệt hại do lũ gây ra hơn năm tỷ đồng. Sau lũ đã có 33 đoàn về cứu trợ tiền, gạo, hàng hóa với tổng giá trị 1,5 tỷ đồng. Ngoài việc tổ chức sản xuất gần 100 ha ngô, rau sau lũ, xã còn tập trung làm 21 nhà cho các hộ nghèo bị hư hỏng do lũ nhờ sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng, Tổng công ty viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Vincom, Công ty nhà ở số 6, Hà Nội… Đến nay, đã cơ bản hoàn thành và có 10 nhà đã khánh thành, đưa vào sử dụng trước Tết.
Cơn lũ kép lịch sử tàn phá trong những ngày tháng 10-2010 thật sự là cơn ác mộng đối với hàng vạn người dân nông thôn Hà Tĩnh. Nhưng trong mất mát đau thương, nhân dân và đồng bào trong cả nước và kiều bào đều hướng về Hà Tĩnh với tấm lòng sẻ chia. Từ khi lũ rút đến tận những ngày áp Tết, những dòng xe cứu trợ vẫn nối đuôi nhau về vùng lũ. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết: Hơn 2.500 đoàn cứu trợ với giá trị tiền, hàng 250 tỷ đồng đến với Hà Tĩnh trong thời gian qua. Chính phủ hỗ trợ hơn 10 nghìn tấn gạo (trong dịp Tết 5.000 tấn) và tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị thêm 5.000 tấn gạo để chuẩn bị khi giáp hạt. Đến ngày 25 Tết, Hà Tĩnh đã cấp phát xuống tận các gia đình khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh 2.000 tấn gạo. Sau Tết sẽ tiếp tục phát tiếp 3.000 tấn gạo. Ngoài ra, tỉnh trích 18 tỷ đồng để mua gạo, quà cho bà con đón Tết; hỗ trợ lãi suất bốn tỷ đồng cho các doanh nghiệp bình ổn giá trong dịp Tết; nguồn an sinh của Chính phủ và các nguồn khác khoảng 11 tỷ đồng để phát quà cho bà con vùng lũ. Tập đoàn Vincom ủng hộ năm tỷ đồng tiền quà, hỗ trợ làm 300 ngôi nhà (30 triệu đồng/nhà); các tổ chức và cá nhân đã đăng ký ủng hộ bà con vùng lũ bảy tỷ đồng thông qua chương trình giao lưu nghệ thuật 'Tết ấm lòng-Mùa Xuân lại về' do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND tỉnh phối hợp thực hiện tại Hương Đô (Hương Khê) tối 15-1-2011. Mới đây, trong buổi gặp mặt thân mật với lãnh đạo tỉnh, các kiều bào quê ở Hà Tĩnh về quê vui Tết đã góp 3.500 ơ-rô để chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ. Ngoài ra, hơn 66 nghìn đối tượng chính sách cùng 26 nghìn đối tượng nghèo đã được nhận quà Tết. Có thể nói, người dân vùng lũ Hà Tĩnh đón Tết mà không lo thiếu ăn, thiếu mặc. Đây cũng chính là nguồn động viên tiếp thêm sức mạnh để người dân vùng lũ Hà Tĩnh gượng dậy.
Như một quy luật của tự nhiên, vùng đất lũ đã thật sự hồi sinh từ sức sống tiềm tàng của con người nơi đây và sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội. Sau lũ, được sự hỗ trợ về cây và con giống, người dân vùng lũ ở dọc các triền sông đã biến khó khăn thành thuận lợi, đã không để hoang đất phù sa, trồng các loại rau, ngô, đậu cứu đói mà điển hình là huyện Hương Sơn và Đức Thọ. Theo Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Duy Trinh, mặc dù là một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ kép vừa qua, nhưng ngay sau khi lũ rút, huyện đã tập trung quyết liệt cho việc sản xuất nên đã trồng được 2.300 ha ngô, 800 ha rau màu các loại. Đến nay số ngô trỉa sớm đã bắt đầu cho thu hoạch. Còn số khoai, rau, đậu các loại cùng trỉa ngô dày (dùng cho chăn nuôi) phục hồi sau lũ cũng đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ kinh nghiệm trỉa ngô dày sau lũ mà đàn trâu bò, hươu có đủ thức ăn, nên trong các đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, Hương Sơn không chết một con gia súc nào. Từ những cây trồng ngắn ngày và 230 tấn hàng cứu trợ trong dịp Tết, người dân vùng lũ đón một cái Tết khá tươm tất nhờ bán những sản phẩm từ cây vụ đông…