Thứ ba,  28/03/2023

Giúp trẻ vùng cao Hà Quảng tới trường Là huyện địa đầu

Tổ quốc, núi non, sông suối cách trở, đời sống người dân còn khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp khác nhau, những năm qua, công tác huy động trẻ đến lớp của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng luôn đạt kết quả cao, góp phần nâng cao dân trí, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) trên địa bàn.Huyện Hà Quảng gồm hai vùng là các thung lũng và vùng các xã đặc biệt khó khăn với 9/19 xã biên giới. Theo Phó Trưởng phòng GD và ĐT Hà Quảng Nông Thị Huệ, cái khó lớn nhất trong GD và ĐT của huyện là đặc thù vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế, một số tập tục lạc hậu tồn tại; tình trạng yếu kém về tiếng Việt, nhất là ở bậc học mầm non và tiểu học ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động trẻ ra lớp. Phần lớn các trường học và cơ sở giáo dục của Hà Quảng ở xa trung tâm, nhiều học sinh, kể cả học sinh tiểu học phải vượt đường núi, rừng cheo leo tới trường. Mặt khác, do đặc thù dân...

Tổ quốc, núi non, sông suối cách trở, đời sống người dân còn khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp khác nhau, những năm qua, công tác huy động trẻ đến lớp của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng luôn đạt kết quả cao, góp phần nâng cao dân trí, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) trên địa bàn.

Huyện Hà Quảng gồm hai vùng là các thung lũng và vùng các xã đặc biệt khó khăn với 9/19 xã biên giới. Theo Phó Trưởng phòng GD và ĐT Hà Quảng Nông Thị Huệ, cái khó lớn nhất trong GD và ĐT của huyện là đặc thù vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế, một số tập tục lạc hậu tồn tại; tình trạng yếu kém về tiếng Việt, nhất là ở bậc học mầm non và tiểu học ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động trẻ ra lớp. Phần lớn các trường học và cơ sở giáo dục của Hà Quảng ở xa trung tâm, nhiều học sinh, kể cả học sinh tiểu học phải vượt đường núi, rừng cheo leo tới trường. Mặt khác, do đặc thù dân trí, nhiều học sinh dù cố gắng cũng không thể theo được chương trình, không tiếp thu nổi kiến thức, từ đó chán nản không muốn đến lớp, đến trường.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học ở huyện Hà Quảng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Riêng cấp học mầm non mới chỉ có ba trường và 54 phân trường mẫu giáo rải rác khắp các địa bàn. Trong tổng số 577 phòng học của các bậc học từ mầm non đến THPT trên địa bàn huyện, vẫn còn 257 phòng cấp bốn hoặc phòng học tạm; một số lớp mẫu giáo vẫn phải học nhờ phòng học của khối tiểu học; trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện vẫn phải học nhờ, chưa có cơ sở vật chất riêng. Điển hình như điểm bản Nặm Lìn, xã Pác Bó nằm trên đỉnh Pò Chướng giữa một bên là ngọn Khuổi Kim, Khuổi Nhùng và một bên là vực thẳm và rừng rậm. Theo thầy Đàm Văn Tọc, giáo viên điểm trường, năm 2003, bản Nặm Lìn mới được thành lập, đến năm 2005, điểm trường của bản cũng ra đời. Tuy nhiên, điểm trường chỉ có ba phòng học đơn sơ, tạm bợ bằng những mảnh gỗ ghép tạm trống huếch trống hoác, trong đó có một phòng học lớp mầm non mượn tạm của nhà dân. Theo thống kê, toàn huyện Hà Quảng vẫn còn 106 lớp ghép của bậc học mầm non và tiểu học.

Trước những khó khăn cố hữu tạo nên rào cản nâng cao chất lượng dạy chữ, dạy người, huyện Hà Quảng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm vận động học sinh trong độ tuổi đến trường, bảo đảm ổn định sĩ số, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó, các trường có nhiều biện pháp vận động, giúp đỡ, tạo điều kiện để học sinh đến trường. Ngoài thời gian soạn giáo án, lên lớp giảng bài, các thầy giáo, cô giáo còn dành nhiều thời gian đến từng nhà vận động học sinh đến lớp với phương châm &#39đi từng ngõ, gõ từng nhà' gắn bó với địa bàn, trở thành người thân trong các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Giáo viên trong huyện cũng học tập để thông hiểu lời ăn, tiếng nói và không ngừng học hỏi phong tục tập quán để không những hòa mình với bà con mà còn có cách soạn bài, giảng bài phù hợp làm cho các em hiểu được ý nghĩa bài học, nâng cao kiến thức, khơi dậy sự ham thích đến trường. Chính quyền địa phương, gia đình học sinh cùng tập trung giúp sức vận động các em học sinh bỏ học trở lại lớp, nhất là các trường học tổ chức giúp đỡ, phụ đạo với những học sinh có sức học yếu, khắc phục hiện tượng chán học, tạo hứng thú cho học sinh, góp phần giảm tình trạng học sinh bỏ học. Việc phối hợp thực hiện &#39ba đủ&#39, quyên góp giúp học sinh và giáo viên của ngành giáo dục cần được triển khai thường xuyên. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục còn tích cực phối hợp các ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh tạo thành một khối thống nhất để tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh đưa trẻ tới trường.

Trong nỗ lực huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GD và ĐT huyện đã triển khai đồng bộ đổi mới phương pháp nhằm tạo hứng thú giảng dạy và học tập cho cả thầy và trò. Theo Phó Trưởng phòng GD và ĐT Hà Quảng Nông Thị Huệ, mỗi bậc học đều có những giải pháp riêng nhằm phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học trò. Trong đó, bậc học mầm non được các trường tích cực phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ bằng vật liệu sẵn có và tổ chức thi đồ dùng, đồ chơi tự làm từ cấp trường đến cấp huyện, nhằm kích thích tính sáng tạo của cô và trò. Đối với giáo dục phổ thông, toàn huyện tích cực tổ chức phụ đạo hai buổi mỗi tuần cho học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh khá giỏi, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Những nỗ lực khắc phục khó khăn, huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao của Hà Quảng từng bước tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển GD và ĐT. Trong số 813 cán bộ, giáo viên của Hà Quảng, số đạt chuẩn trở lên đạt từ 92% đến 100% theo từng cấp học. Tỷ lệ trẻ ra lớp và đi học đồng đều ở các bậc học luôn đạt tỷ lệ cao. Kết thúc năm học 2009-2010, số trẻ mẫu giáo năm tuổi ra lớp đạt 99,4%, trẻ tiểu học đạt 100%. Toàn huyện đạt phổ cập giáo dục THCS và có 6/19 xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Nhiều trường học mặc dù là vùng biên giới đi lại khó khăn, địa hình chia cắt nhưng số học sinh trong độ tuổi đi học luôn đạt cao. Tại Trường tiểu học Nà Sác, mặc dù có tới ba điểm trường ở các bản làng vùng cao khác nhau, nhưng theo Hiệu trưởng Lương Thị Hòa, những năm học gần đây số học sinh đi học chuyên cần đạt cao với 100% số trẻ mầm non năm tuổi và tiểu học trong độ tuổi đến trường; kết thúc năm học 2009-2010, cả trường chỉ có một học sinh bỏ học. Còn tại xã Pác Bó, theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nông Thái Học, dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn xã đang có 11 sinh viên (bốn đại học, bảy cao đẳng) theo học tại các trường trên toàn quốc, tạo nên những bước ngoặt kích thích phong trào học tập của địa phương vươn lên.

Theo Nhandan