Hưởng ứng ngày quốc tế bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng 15/3: Thói quen và hành vi tiêu dùng với quyền lợi của các " thượng đế"
14/03/2011 14:53
LSO- Trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi bước phát triển của KHKT trong sản xuất hàng hóa không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, mà còn góp phần làm thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân. Qua các đợt mang hàng Việt về nông thôn, nhiều nhà sản xuất và phân phối đã rút ra được những bài học về sự cần thiết phải tìm hiểu thói quen và hành vi tiêu dùng của những người dân thuộc khu vực nông thôn miền núi.Tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh cũng đồng nghĩa với việc hằng năm một bộ phận người dân có khả năng mua sắm nhiều hơn và thay đổi tư duy mua sắm, từ quan niệm “ ăn chắc mặc bền” đến “ bền đẹp” và tiến tới “ hợp thời trang”. Do sự đan xen giữa cuộc sống khu vực thành thị và nông thôn; do nhiều khu vực nông thôn đã được “ đô thị hóa”, nên hành vi tiêu dùng của người dân khu vực thành phố thay đổi cũng có tác dụng tích cực đến hành vi tiêu dùng của người dân nông thôn. Ví...
LSO- Trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi bước phát triển của KHKT trong sản xuất hàng hóa không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, mà còn góp phần làm thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân. Qua các đợt mang hàng Việt về nông thôn, nhiều nhà sản xuất và phân phối đã rút ra được những bài học về sự cần thiết phải tìm hiểu thói quen và hành vi tiêu dùng của những người dân thuộc khu vực nông thôn miền núi.
Tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh cũng đồng nghĩa với việc hằng năm một bộ phận người dân có khả năng mua sắm nhiều hơn và thay đổi tư duy mua sắm, từ quan niệm “ ăn chắc mặc bền” đến “ bền đẹp” và tiến tới “ hợp thời trang”. Do sự đan xen giữa cuộc sống khu vực thành thị và nông thôn; do nhiều khu vực nông thôn đã được “ đô thị hóa”, nên hành vi tiêu dùng của người dân khu vực thành phố thay đổi cũng có tác dụng tích cực đến hành vi tiêu dùng của người dân nông thôn. Ví như từ chỗ thiếu thứ gì, thì ra …quán cóc, đến mua sắm những mặt hàng thiết yếu với khối lượng lớn dùng cho cả phiên chợ. Giá trị mua sắm cũng vì vậy mà gia tăng cùng với tư duy mua sắm và hành vi tiêu dùng.
Tuy vậy, hàng giả, hàng nhái với công nghệ tiên tiến và trình độ sản xuất ngày càng hiện đại, trong khi nhận thức của người tiêu dùng còn thấp, nên họ dễ bị lừa. Từ những sản phẩm nhỏ như mớ rau, con cá, túi kẹo hộp bánh, đến những mặt hàng công nghiệp mà điển hình là hàng điện tử, cao hơn là xe máy, phụ tùng xe máy…đều có thể là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Không chỉ bị lừa về chất lượng, mà các “ thượng đế” còn bị “ qua mặt” bằng những thủ đoạn tinh vi từ khâu sản xuất, đến vận chuyển, tiêu thụ như sữa nhiễm melamine; phân bón giả… Trong khi nước ta ngày càng hội nhập sâu vào sân chơi thương mại toàn cầu, mở cửa thị trường bán lẻ, người dân chưa được trang bị những kiến thức cần thiết trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, thì những vi phạm sẽ theo xu hướng ngày càng rộng và ở mức nghiêm trọng hơn.
Tuy đã có những quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, song phần lớn người tiêu dùng thường bị thiệt thòi. Những sản phẩm nhỏ như mớ rau con cá giá cả chẳng đáng là bao, không ăn được thì vứt đi; những sản phẩm có đóng chai đóng gói, bao bì…nếu thấy “ khác” thì mang đến đại lý, quầy hàng để “xin” đổi. Những mặt hàng có giá trị hơn thì chủ yếu là đến phàn nàn, thương lượng, nếu không được thì cũng đành…cam chịu. Trong những năm đổi mới, người tiêu dùng Lạng Sơn đã và đang tiếp cận dần với sự hiện đại và tâm lý mua “ hàng hiệu” hàng tốt chiếm ưu thế. Từ khi siêu thị Thành Đô, nay lại thêm nhiều siêu thị như Bắc Sơn, Lat – vi – la… đi vào hoạt động, các bà nội trợ đã phần nào yên tâm về những món hàng tiêu dùng mà mình bỏ tiền ra mua; tuy có đắt hơn “ hàng chợ” từ 10-15%, song khá yên tâm về chất lượng.
Tuy nhiên khu vực nông thôn lại khác. Khi các chợ xã, chợ cụm xã được mở ra, mạng lưới tư thương hoạt động nhộn nhịp thay thế cho những cửa hàng quốc doanh, HTX mua bán thời bao cấp, hàng hoá rất phong phú và từ nhiều nguồn thì người tiêu dùng nông thôn lại rất dễ bị tổn thương. Và khi ấy, họ chẳng biết kêu ai.
Được giao chức năng quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, với đội ngũ cán bộ quản lý thị trường ngày càng được trang bị những kiến thức sâu hơn về quản lý hàng hoá; trong những năm qua, ngành công thương đã chỉ đạo tốt công tác kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả…Vừa đảm bảo cho sự lành mạnh của thị trường, vừa gián tiếp bảo vệ quyền lợi NTD. Tại một số chợ, những cái cân của ban quản lý phần nào mang lại niềm tin cho NTD, song việc công bố những quầy hàng vi phạm chất lượng vệ sinh ATTP, vi phạm về đo lường, quầy hàng có hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…sẽ mang tính răn đe cao hơn. Trong các đợt đưa hàng Việt về nông thôn, các nhà sản xuất, kinh doanh phân phối không chỉ tiếp thị, quảng cáo cho chất lượng của hàng Việt, mà còn tư vấn, nâng cao khả năng lựa chọn và sử dụng sản phẩm. Đó cũng là một trong những “ kênh” quan trọng bồi dưỡng thói quen và hành vi tiêu dùng cho người tiêu dùng khu vực nông thôn. Đã đến lúc, người tiêu dùng Lạng Sơn cần nâng cao hành vi tiêu dùng theo hướng hiện đại; đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nghiên cứu sâu hơn thói quen và hành vi tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn miền núi đế có sự đáp ứng kịp thời; tránh tình trạng thị trường bán lẻ Việt Nam “ thua ngay trên sân nhà”
Trần Kim