Thiếu an toàn lao động tại các mỏ đá ở Quảng Bình: Ai chịu trách nhiệm ?
12/04/2011 09:21
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Lèn Cờ, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thiếu an toàn trong khai thác đá. Tại các điểm khai thác đá trên địa bàn Quảng Bình, tình trạng mất an toàn lao động cũng đang ở mức báo động.
Nguy hiểm rình rập
Theo Sở Xây dựng Quảng Bình, trữ lượng đá vôi trên địa bàn là 1.741 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng trong tỉnh. Nhiều năm qua, khai thác đá đã trở thành một nghề thu hút hàng nghìn lao động vào làm việc.
Toàn tỉnh hiện có 29 mỏ đá (có sử dụng vật liệu nổ) được cấp phép khai thác đang hoạt động. Trong đó, huyện Tuyên Hóa có khoảng 10 mỏ, Minh Hóa năm mỏ và Quảng Ninh năm mỏ. Các mỏ đá này được cấp phép hoạt động trong thời hạn tối đa 30 năm. Chủ mỏ sau khi được cấp phép đã chia ra thành nhiều khu vực cho nhiều doanh nghiệp khai thác hoặc một doanh nghiệp nhưng được cấp phép khai thác nhiều mỏ đá nên rất khó quản lý.
Để được cấp giấy phép khai thác đá, doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật an toàn có phương án nổ, phương án sử dụng vật liệu nổ (trong đó quy định khối lượng mìn sử dụng trong một lần nổ), đồng thời phải thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành. Việc cấp phép khai thác, chế biến đá do ba cơ quan là Sở Công Thương, Sở TN và MT và Sở LĐTB- XH cùng thực hiện nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm mọi quy định, thậm chí xảy ra tai nạn chết người chỉ thỏa thuận đền bù với gia đình người bị nạn, không báo cáo cơ quan chức năng.
Chúng tôi đến khu vực khai thác đá của Công ty Công ty CP Cosevco 1.5 ở lèn Cây Trổ ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa. Trong khi máy xay đá đang chạy ầm ầm, xe ra vào “ăn” đá bụi bốc mù mịt thì trên lưng chừng lèn một nhóm công nhân vẫn hì hục đặt mìn phá đá. Phía trên họ là vách núi dựng đứng với những phiến đá lồi lõm, cảm giác có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Ở các mỏ đá xã Tiến Hóa, chúng tôi thấy nhiều công nhân khai thác đá thủ công. Họ hì hục đập đá ngay phía dưới những tảng đá lớn “treo” lơ lửng trên đầu. Anh Sơn ở thôn Cương Trung B, xã Tiến Hóa nói: “Biết là nguy hiểm nhưng vì miếng cơm, manh áo chúng tôi vẫn phải gò lưng mà làm, cầu cho tai ương không đến với mình”. Anh Hùng, làm việc ở mỏ lèn Bảng, xã Tiến Hóa cho biết, thu nhập của anh khoảng 2,5-2,7 triệu đồng/tháng. Gia đình chỉ có hai sào ruộng một vụ thì ăn uống cho cả nhà, tiền học cho con… tất tần tật đều trông vào khoản thu nhập này. Mất nó, gia đình anh sẽ lâm vào cảnh túng thiếu. Vợ anh – chị Hoa – làm nghề nhặt đá thời vụ ở mỏ nói thêm: “Anh làm nghề nổ mìn phá đá, nguy hiểm rình rập. Sáu rưỡi chiều chưa về là mẹ con tui lo ngay ngáy, sợ có việc chi. Muốn chuyển nghề nhưng ở xứ đá lèn này, biết làm việc chi để sống, vẫn phải bám vào mỏ đá thôi”.
…và những cái chết thương tâm
Từ năm 2010 đến quý I năm 2011, Quảng Bình đã xảy ra 58 vụ tai nạn lao động, làm 14 người chết, 48 người bị thương, trong đó tai nạn chủ yếu xảy ra ở mỏ khai thác đá xây dựng.
Công nhân Công ty TNHH Huy Hoàng (có trụ sở ở thị trấn Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện thương tâm về cái chết của anh Từ Công Tuấn (42 tuổi, công nhân khai thác đá) gần một năm trước. Hôm đó, Công ty vừa nhận về 6.000 kíp nổ cháy chậm để đặt mìn phá đá. Tối hôm đó anh Tuấn được giao nhiệm vụ giữ kho. Tuy nhiên tối hôm đó kho kíp nổ đã phát nổ khiến thi thể anh Tuấn bị xé nát thành nhiều mảnh. Sau đó ít lâu, tại mỏ đá của Xí nghiệp Cosevco 64 ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, anh Phan Khắc Hái (38 tuổi, quê xã Lộc Thủy, Lệ Thủy) cũng tử nạn trong khi khai thác đá.
Tiếp đó, ngày 19-1-2011 tại mỏ đá Lèn Hung Cày xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến một công nhân khai thác đá thiệt mạng. Nạn nhân là anh Trần Văn Thuận (22 tuổi, quê ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Trong khi leo lên lèn đá cao hơn 100m để khai thác nhưng anh Thuận không đeo dây bảo hiểm nên khi bị trượt chân đã rơi từ vách đá xuống tử vong. Mỏ đá mà nạn nhân khai thác là của Công ty TNHH Việt Hà có trụ sở tại huyện Bố Trạch. Công ty này hợp đồng với hai đội khai thác đá gồm tám công nhân ở tỉnh Hà Nam vào làm việc. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, doanh nghiệp không trình báo cơ quan chức năng.
Chiều ngày 26-2, tại khu vực lèn Cây Trổ đã xảy ra một vụ nổ mìn khai thác đá sai quy trình gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng rất may không xảy ra tai nạn về người. Lèn Cây Trổ có ba mỏ đá nhưng mới chỉ có hai đơn vị là Công ty CP Cosevco 1.5 và Công ty TNHH Mai Thanh khai thác. Vào thời điểm trên, Công ty CP Cosevco 1.5 đã cho nổ một quả mìn để phá đá ngay trên đỉnh lèn. Một lượng lớn đất đá văng tung tóe, gây thiệt hại cho khu vực xung quanh, đặc biệt là Công ty TNHH Mai Thanh. Các khối đá lớn lăn xuống gây hư hỏng hoàn toàn hệ thống búa đập, một số băng tải của máy xay đá, gãy đổ một số đường dây điện phục vụ khai thác đá. Thiệt hại ước tính ban đầu khoảng một tỉ đồng. Các tảng đá lớn vỡ lăn xuống con đường người dân thường qua lại để sản xuất, một số diện tích lúa cũng bị đá đè nát. Rất may là lúc đó công nhân của Công ty TNHH Mai Thanh không làm việc và người có người qua lại khu vực này, nếu không thương vong xảy ra rất lớn. Được biết, thời gian nổ mìn quy định là từ 11 giờ – 11 giờ 30 phút và từ 17 giờ-17 giờ 30 phút. Tuy nhiên, Công ty CP Cosevco 1.5 đã cho nổ mìn vào khoảng 13 giờ, khối lượng mìn được xác định là 34,8kg.
Theo một cán bộ Thanh tra lao động Sở LĐTB- XH Quảng Bình, phần lớn các doanh nghiệp, HTX khai thác đá đều có phương án thi công và hộ chiếu nổ mìn nhưng trong quá trình thực hiện thường chọn cách làm “ăn xổi”: Thay vì khai thác từ trên cao xuống theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta luy và bóc lớp đất phủ bì, họ khai thác từ dưới chân núi đá lên. Khoan lỗ, đặt nổ mìn tạo ra các “hàm ếch” và thuê lao động thủ công cạy đá đưa đi bán. Trong quá trình nổ mìn đá bị rạn nứt hoặc trước đó bị mưa gió bào mòn chỉ cần động nhẹ là đá rơi ngay. Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra đều do nguyên nhân này.
Mặt khác, quy định là nơi đặt máy xay đá phải cách chân núi từ 30-50 m nhưng thực tế, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, bốc dỡ nên chủ doanh nghiệp đặt máy xay đá ngay sát chân núi, có nơi chỉ cách 5 m, do vậy, nếu đá rơi rất dễ dẫn đến tai nạn lao động.
An toàn lao động : Ai chịu trách nhiệm ?
Nghề khai thác đá tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao, nếu chủ quan hoặc vô ý thức trong quá trình lao động có thể xảy ra hậu quả khó lường. Sự chủ quan của người lao động biểu hiện trong những trường hợp như không thường xuyên kiểm tra độ an toàn của dây leo, không đi theo đường công vụ phục vụ khai thác mà đi tắt nên bị đá lăn gây thương tích, thậm chí tử vong. Đã từng xảy ra tai nạn chết người do leo núi đá bị trượt ngã.
Theo Thanh tra lao động, Sở LĐTB – XH Quảng Bình, đã có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có trang bị thiết bị bảo hộ như mủ, ủng, khẩu trang…và chế độ bồi dưỡng cho công nhân khai thác đá. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp (chủ yếu doanh nghiệp tư nhân) chưa quan tâm đến vấn đề bảo hộ và kiểm tra sức khoẻ cho công nhân, nhất là số lao động phổ thông thuê mướn bốc xếp đá hàng ngày. Và hiện các cơ quan chức năng cũng không thể nắm được số lao động làm việc tại các mỏ đá do doanh nghiệp thuê lao động làm công, không có hợp đồng lao động và số lao động làm việc tại các mỏ đá cũng tăng giảm tuỳ theo thời điểm, theo mùa xây dựng.
Quảng Bình hiện có 28 doanh nghiệp khai thác đá, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp vừa là nhà đầu tư, đồng thời “kiêm” luôn nhà sản xuất, kinh doanh, quan hệ đối tác, và đương nhiên kiêm luôn cả chức năng “bảo hộ lao động” của doanh nghiệp nên chưa quan tâm đến vấn đề này. Tất nhiên trước đó, để được cấp phép khai thác đá, họ không khó để “dựng” lên một hồ sơ thỏa mãn yêu cầu của các cơ quan chức năng. Còn sau khi được cấp phép, chủ doanh nghiệp có thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật khai thác hay không lại là chuyện khác.
Như vậy, có thể thấy không chỉ buông lỏng công tác an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực khai thác sản xuất đá mà ngay cả việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các chủ doanh nghiệp khai thác đá cũng chưa nghiêm. Vi phạm quy trình khai thác, an toàn vệ sinh lao động tại các mỏ đá là thế nhưng từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng tỉnh Quảng Bình chỉ đình chỉ duy nhất một trường hợp do kho vật liệu nổ thiếu bảo đảm an toàn, cảnh cáo, nhắc nhở năm doanh nghiệp khai thác đá hoạt động chưa bảo đảm quy trình. Một cán bộ Thanh tra lao động thừa nhận: “Kiểm tra các mỏ đá chủ yếu nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính đối với vi phạm chứ chưa đưa ra quyết định đình chỉ hoạt động của mỏ đá nào. Ngay cả việc xử phạt hành chính cũng đã khó do doanh nghiệp chây ì, dây dưa không nộp phạt. Theo quy định, không nộp phạt thì phải cưỡng chế nhưng chúng tôi thấy khó lắm”.
Theo Giám đốc Sở LĐTB- XH Quảng Bình Trần Đình Vân, cần tổ chức đợt thanh tra đột xuất để “bóc tách” các doanh nghiệp làm tốt, chưa tốt về an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực khai thác đá. Doanh nghiệp khai thác đá nào phát hiện có nguy cơ để xảy ra tai nạn lao động phải buộc dừng khai thác nhằm hoàn thiện, củng cố quy trình, kỹ thuật khai thác và bảo đảm an toàn mới cho sản xuất trở lại. Về lâu dài, cần khắc phục tình trạng buông lỏng khâu thẩm định phương án “bảo đảm an toàn” trong hồ sơ cấp phép mở doanh nghiệp khai thác đá; yêu cầu doanh nghiệp tuyển lao động phải có tay nghề và được đào tạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn lao động ở doanh nghiệp.