Tăng viện phí trong khả năng chi trả của người dân, gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
15/09/2011 09:32
Việc điều chỉnh khung giá viện phí là cấp thiết, nhưng đi liền với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu của người dân; có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách; không gây ảnh hưởng an sinh xã hội. Riêng giá 350 dịch vụ y tế mà Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh cần sớm trình Chính phủ điều chỉnh để áp dụng từ đầu năm 2012.
Bộ Y tế cho biết, giá 350 dịch vụ đã ban hành từ năm 1995, đến nay đã 16 năm chưa được điều chỉnh và một số dịch vụ ban hành năm 2006 nhưng mức thu đã quá lạc hậu, không thể không điều chỉnh. Đến giai đoạn 2013, 2014, khi điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân sẽ thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí theo các quan điểm của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình này là hợp lý, có ý nghĩa lớn.
Thứ nhất là, thúc đẩy xã hội hóa y tế, tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để triển khai các dịch vụ, nhất là các dịch mới, kỹ thuật cao, đưa dịch vụ y tế về gần dân; phát huy được tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện trong việc huy động các nguồn lực, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư trong thời gian qua.
Thứ hai là, khi bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán với mức cao hơn, sẽ giảm bớt sự đóng góp của người bệnh có thẻ BHYT. Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu sẽ được triển khai nhiều hơn, người bệnh BHYT sẽ được hưởng do chi phí phần lớn do BHXH thanh toán.
Thứ ba là, do được điều chỉnh mức thu, các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế.
Thứ tư là, việc điều chỉnh mức thu viện phí cũng sẽ giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn, phát huy được tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện trong việc phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế.
Thứ năm là, tạo điều kiện để dành ngân sách cho y tế dự phòng, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng cận nghèo, nông dân…
Theo đánh giá của Bộ Y tế, cũng như các đại biểu Bộ Tài chính, Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc điều chỉnh này là giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám, chữa bệnh. Nếu tiếp tục thu theo giá thấp như hiện nay thì sẽ có tình trạng bao cấp ngược, Nhà nước tiếp tục phải bao cấp cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ chi phí, trong khi phần lớn các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo đã và đang được Nhà nước bảo đảm thông qua chính sách BHYT. Người bệnh có khả năng chi trả viện phí cần trả đủ viện phí cho bệnh viện nên huy động được sự đóng góp hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong khám, chữa bệnh, dành ngân sách Nhà nước để mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi, hỗ trợ người cận nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT với mức hỗ trợ cao hơn. Các bệnh viện có thêm kinh phí để triển khai các hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, người bệnh được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn.
Theo Phó Vụ trưởng Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên, việc điều chỉnh viện phí lần này không làm ảnh hưởng đến việc chi trả tiền thuốc và vật tư thay thế trong gói chi phí mà người bệnh và cơ quan BHYT phải chi trả. Không làm ảnh hưởng đến 54 triệu người có thẻ BHYT (hơn 60% số dân). Vì chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản được BHYT chi trả. Đối với người thuộc hộ cận nghèo và nông dân, theo lộ trình thực hiện Luật BHYT, từ 1-1-2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT (đang đề nghị nâng mức hỗ trợ lên 50 – 60%). Nếu tham gia BHYT, về cơ bản các đối tượng này không bị ảnh hưởng nhiều. Còn với đối tượng có thu nhập trung bình khá trở lên, tuy giá dịch vụ y tế được điều chỉnh nhưng giá dịch vụ này so với các nước trong khu vực còn rất thấp, do vậy các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả.
Cùng với việc điều chỉnh giá viện phí, Bộ Y tế và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Trước mắt, yêu cầu các bệnh viện sắp xếp lại cơ sở hiện có, giảm diện tích sử dụng cho khu vực hành chính, tăng diện tích sử dụng cho các buồng bệnh để tăng số giường bệnh thực kê. Chỉ đạo các bệnh viện nâng cao chất lượng điều trị để giảm ngày điều trị bình quân, tăng công suất sử dụng giường; tăng cường công tác đào tạo cử tuyển, đào tạo có địa chỉ, đào tạo liên tục về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cán bộ y tế. Thực hiện đề án 1816 đưa cán bộ y tế về tuyến dưới để nâng cao chất lượng điều trị, giảm vượt tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên; tăng cường giáo dục y đức, tiếp tục thực hiện chỉ thị, chương trình về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh… Về lâu dài, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục đầu tư nâng cấp các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập để tăng số bệnh viện, số giường bệnh, năng lực phục vụ để hạn chế tình trạng quá tải, nằm ghép. Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND các tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, bố trí đủ ngân sách dành để hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT. Có như vậy mới khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho người cận nghèo và các đối tượng khác, thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.