Quan tâm sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng khó khăn
15/09/2011 09:34
Kết quả cho thấy, tỷ suất tử vong mẹ (TVM) của 14 tỉnh miền núi là 119/100 nghìn ca sinh sống; tỷ suất TVM cao nhất ở Tây Bắc: 242/100 nghìn ca, tiếp đến là Tây Nguyên: 108/100 nghìn ca và thấp nhất là Đông Bắc: 86/100 nghìn ca. Tỷ suất TVM trong điều tra này thấp hơn nhiều so với kết quả điều tra tại ba tỉnh của Trường đại học Y Thái Bình năm 1994 – 1995 và kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2000 – 2001 tại bảy tỉnh. So sánh với điều tra của Bộ Y tế trên cùng địa bàn sau năm năm, tỷ suất TVM đã giảm đi rất nhiều. Tỷ lệ tử vong mẹ ở Cao Bằng giảm từ 411 xuống 143/100 nghìn ca sinh sống, ở Đác Lắc giảm từ 178 xuống 65/100 nghìn ca sinh sống. Kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng giảm mạnh tỷ suất TVM trong những năm gần đây và đang tiến gần đến mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản là giảm tỷ suất TVM còn 70/100 nghìn trẻ sinh sống. So với nguy cơ TVM trong điều tra của Bộ Y tế năm 2000 – 2001, thì nguy cơ TVM trong điều tra này đã giảm đi, nhưng tại một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Đác Nông và Gia Lai tỷ lệ này còn cao.
Nguyên nhân trực tiếp gây TVM chiếm 81,2% và nguyên nhân gián tiếp chiếm 18,8% trong tổng số 122 ca TVM. Trong tổng số ca TVM, tỷ lệ các nguyên nhân trực tiếp gây TVM được sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp là: băng huyết (43,4%); sản giật, tiền sản giật (10,7%); nhiễm khuẩn hậu sản (7,4%); nạo phá thai, sảy thai không an toàn (5,7%); tắc mạch ối (4,9%), chuyển dạ tắc nghẽn (2,5%); tai biến do phẫu thuật/thủ thuật (2,5%). Trong tổng số ca TVM do nguyên nhân gián tiếp được sắp xếp theo thứ tự giảm dần là bệnh tim mạch, lao phổi, viêm gan, Basedow, u não. Đáng chú ý, việc tự điều trị hoặc không điều trị khi có vấn đề sức khỏe là nguyên nhân gây ra 25% số ca TVM; việc phá thai, đẻ tại nhà là nguyên nhân gây ra 22% số ca TVM…
Nghiên cứu tổng số 1.139 ca tử vong trẻ sơ sinh (TVTSS) tại 14 tỉnh được phát hiện thông qua cuộc điều tra cho thấy tỷ suất TVTSS tính chung cho 14 tỉnh là 7,3/1.000 ca sinh sống. Tỷ suất trong điều tra này thấp hơn so với kết quả điều tra sức khỏe và nhân khẩu học của Ủy ban Dân số và Gia đình Việt Nam thực hiện. Tỷ suất TVTSS ở vùng Tây Bắc là 11, cao hơn so với vùng Đông Bắc (9,5) và vùng Tây Nguyên (4,4). Nguyên nhân gây TVTSS chủ yếu là đẻ non, nhẹ cân, chiếm tỷ lệ 48,6%. Tiếp theo là nhiễm khuẩn (14,8%), ngạt (13,4%), dị tật bẩm sinh (10,1%). Điều này phản ánh sự tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan tới chăm sóc bà mẹ và trẻ em vẫn còn hạn chế ở khu vực Tây Bắc so với các vùng khác. Tỷ suất TVTSS ở nhóm bà mẹ tuổi hơn 44 cao hơn các nhóm tuổi trẻ hơn; tỷ suất tử vong cao ở nhóm trẻ của bà mẹ có từ ba lần sinh trở lên so với bà mẹ chỉ có một, hai lần sinh. Không đi khám thai trong thời kỳ mang thai cũng làm tăng tỷ suất TVTSS. Trong khi đó, đẻ tại nhà, một tập quán lạc hậu còn tồn tại ở nhiều vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng người dân tộc thiểu số là nguyên nhân gây ra 27% số ca TVTSS. Chính các cơ sở y tế chậm chuyển tuyến, năng lực cấp cứu hạn chế là nguyên nhân gây ra 10,9% trường hợp TVTSS.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường thông tin giáo dục và truyền thông nâng cao kiến thức cho phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi, gia đình và cộng đồng về làm mẹ an toàn, trong đó tập trung cung cấp những thông tin về các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai, khi sinh đẻ và trẻ sau sinh. Sự cần thiết phải đến sinh hoặc phá thai tại cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị khi bà mẹ và trẻ sơ sinh có vấn đề sức khỏe nguy hiểm đến tính mạng. Không nên sinh con thứ ba và không nên sinh con ở tuổi hơn 34; khám thai đủ số lần theo quy định. Tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng tư vấn và chuyên môn cho người cung cấp dịch vụ sản phụ khoa, từ tuyến tỉnh, huyện, xã. Đối với các tỉnh có địa hình khó khăn, vùng núi cao, tỷ lệ TVM, TVTSS cao cần mở các lớp đào tạo cấp cứu sản khoa, đẻ thường và biết chuyển tuyến đúng lúc cho nhân viên y tế thôn bản, bà đỡ dân gian. Đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận và đầu tư dự trữ đủ nguồn máu cho các bệnh viện huyện, kịp thời cung cấp máu cho các trường hợp chảy máu sau sinh. Trang bị đủ xe ô-tô cấp cứu cho các bệnh viện huyện và các phòng khám khu vực ở vùng sâu, vùng xa. Cung cấp đủ thuốc cấp cứu, máy siêu âm, lồng ấp, máy hút đờm và các trang thiết bị cấp cứu khác cho các cơ sở y tế còn thiếu. Cấp gói đẻ sạch cho y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, sản phụ tại các vùng có tỷ lệ sinh tại nhà cao. Cơ sở y tế tuyến trên tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy cần tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó quan tâm đầu tư hơn nữa cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.