Kiên quyết dẹp bỏ nạn "xe dù, bến cóc"
16/09/2011 09:01
![]() |
Nếu như trước đây, hiện tượng “xe dù, bến cóc” chạy vòng vo trên một số tuyến quốc lộ 14 và 19, nhất là đoạn gần khu vực ngã ba Phù Đổng có phần tạm lắng thì thời gian gần đây xe dù lại “dạt” về một số tuyến đường đô thị và hình thành những “bến mới”. Điển hình như xe 16 chỗ đi Ayun Pa của hãng xe Tấn Tài ngang nhiên đỗ, đón trả khách trên đường Lý Tự Trọng hay một số xe chạy tuyến Ia Grai – Sê San thường tập trung trên đường Nguyễn Văn Cừ để bắt khách, gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đường phố.
Theo phản ánh của một số hộ dân trên đường Lý Tự Trọng, hầu như lúc nào cũng có xe đưa đón của hãng xe Tấn Tài đỗ tại đây. Nhiều xe thường xuyên chạy quanh khiến giao thông đoạn đường này rất nguy hiểm. Chị Lê Hồng Hạnh, phường Hoa Lư phản ánh: “Chiều nào tôi cũng đi đón cháu học mẫu giáo ở Trường Mầm non 5-9 nằm trên đoạn đường này, tôi rất căng thẳng, nhiều hôm thót tim vì bất ngờ xe khách lao thẳng tới, vượt chặn đầu một chiếc xe khác để bắt khách”. Các tuyến Đà Nẵng, Quy Nhơn… do lượng “xe dù” nhiều nhưng số khách không lớn cho nên các nhà xe ráo riết bao “cò” để mong kiếm được nhiều khách. Tình trạng “cò” đeo bám khách để mời chào, lôi kéo lên xe đã diễn ra khá phổ biến từ nhiều năm nay. Thường thì mỗi xe được đỗ trong “bến xe dù” một giờ, cho nên nhiều xe đến giờ xuất phát vẫn chỉ được vài ba khách, đành nhờ cậy vào đám “cò” lôi kéo, mời chào được càng nhiều khách càng tốt. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, “cò” cũng có vài ba loại: Có “cò” chính là phụ xe, vì thời buổi khách ít, xe nhiều, cho nên các phụ xe “kiêm” thêm chân chào mời khách lên xe để bảo đảm doanh thu; có “cò” vốn là người nhà, người quen của các lái xe… được trả tiền theo lượt đầu khách lên xe từ 5.000 đồng/khách đến 10.000 đồng/khách. Anh Nguyễn Xuân Thiệu ở phường Hội Phú, không giấu được vẻ bực tức: “Vì công việc cho nên tôi thường xuyên đi Quy Nhơn (Bình Định). 5 giờ 30 phút tôi đến ngã ba Phù Đổng thì đã có hai xe đỗ sẵn. Chưa kịp xuống xe máy, thì đã có ba phụ xe chạy đến kéo tay “mời” tôi lên xe: “Yên tâm, xe của em chạy liền bây giờ cho kịp thời gian làm việc của các anh chị…”. Thế nhưng sau năm lần, bảy lượt chạy quanh khu vực, đến 7 giờ 30 phút lái xe mới chính thức “rời bến”. Đoạn đường từ Plây Cu đi Quy Nhơn chỉ khoảng 170 cây số mà xe chạy mất hơn nửa ngày. Cùng tâm trạng anh Thiệu, chị Trần Thị Liên ở thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) cho biết: “Tôi kinh doanh hàng điện tử, cho nên phải lên, xuống Quy Nhơn và Đà Nẵng nhiều lần trong một tháng. Chuyện xe “dù”, xe chạy không đúng tuyến, không đúng thời gian thì nhiều lắm. Có điều không biết cơ quan chức năng có biết không…? Tại khúc cua đường Nguyễn Văn Cừ, đối diện quán cà-phê Nắng Ấm (phường Diên Hồng) khá nguy hiểm với nhiều dốc cao, quanh co dễ xảy ra tai nạn nhưng tình trạng xe đón, trả khách diễn ra khá phổ biến. Nhiều người nhầm tưởng đây là “Bến xe phía tây” của TP Plây Cu.
Chính vì hoạt động của những xe này không theo quy định nào và cùng với đó, việc tuần tra, kiểm soát thiếu thường xuyên và xử lý thiếu kiên quyết của các cơ quan chức năng cho nên các lái xe cố tình vi phạm để thu lợi nhuận, dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”. Từ ngã ba Khách sạn Hoàng Anh – Gia Lai đến đoạn rẽ qua Nghĩa trang liệt sĩ đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mặc dù là tuyến đường một chiều và đã có biển cấm dừng, đỗ ô-tô, nhưng các xe khách vẫn ngang nhiên đứng chờ khách hàng giờ đồng hồ. Chỉ có mặt tại ngã ba này gần 30 phút, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều xe khách chạy tranh giành khách khá hỗn loạn. Trao đổi ý kiến về vấn đề này với Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, đồng chí Tạ Quang Hùng thừa nhận có tình trạng trên. Tuy nhiên, đồng chí Hùng lại đưa ra nhiều lý do như, địa bàn rộng, phương tiện quá cũ và lực lượng lại quá mỏng (chỉ có 15 người) nhưng phải phụ trách tới 700 km đường (!), vì vậy lực lượng Thanh tra giao thông dù liên tục cắt cử anh em tuần tra theo ca nhưng vẫn quản lý không xuể. Khi lực lượng xuất hiện thì những xe khách bỏ chạy, thậm chí có lái xe bỏ xe tại hiện trường, khóa chặt cửa và bỏ đi… Theo luật, Thanh tra giao thông không được phép tháo biển kiểm soát, còn việc kéo xe về trụ sở để xử lý thì đơn vị không có phương tiện… khiến việc xử lý các xe vi phạm rất khó giải quyết một cách triệt để, thậm chí xử lý rồi lại tái diễn. Cũng theo đồng chí Tạ Quang Hùng, để xử lý triệt để tình trạng xe dù, bến cóc, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn giao thông, không chỉ là trách nhiệm của một ngành nào mà cần có sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể; nhất là công tác tuyên truyền tại địa phương, sâu sát đến từng tổ dân phố. Đồng thời, nên thành lập một tổ thanh tra, kiểm tra liên ngành giữa các lực lượng chức năng gồm Thanh tra giao thông, Đội Quy tắc đô thị thành phố, UBND các xã, phường và lực lượng Cảnh sát giao thông trên từng địa bàn để có sự phối hợp chặt chẽ hơn.
Hiện tượng xe chạy vòng vo, cò xe lừa khách ở các “bến xe dù” gây ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn giao thông và nhiều người dân rất bức xúc. Các chủ xe, lái xe bất chấp luật pháp, miễn kiếm được nhiều tiền dẫn đến việc luôn tạo ra nguy cơ tai nạn giao thông bất cứ lúc nào trên đường, thế nhưng chế tài (quy định tại Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14-9-2007) đối với hành vi này quá nhẹ, không đủ tính răn đe (nếu chẳng may bị giữ các loại giấy phép, nhiều nhất 30 ngày sau ngành chức năng vẫn phải trả lại). Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là tính mạng người dân, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đáng chú ý cần có chế tài đủ mạnh mới sớm dẹp bỏ được tình trạng này.