Thứ tư,  07/06/2023

Hiệu quả mô hình dạy nghề – nhìn từ các tỉnh bạn

LSO-Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, các tỉnh, thành trong cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã xây dựng các mô hình dạy nghề. Đến nay bước đầu đã cho hiệu quả nhất định, là tiền đề để các tỉnh học hỏi lẫn nhau, từ đó nhân rộng mô hình dạy nghề ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.Mô hình hướng dẫn kỹ thuật trồng na cho LĐNT xã Chi Lăng, huyện Chi LăngHiệu quả mô hình dạy nghề tại một số tỉnh bạnTại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 vào tháng 8/2011, BCĐ đề án 1956 của Trung ương đã đánh giá cao hiệu quả thí điểm mô hình dạy nghề cho LĐNT tại các làng nghề. Báo cáo đánh giá cho thấy, thời gian qua, BCĐ đề án 1956 của Trung ương đã chỉ đạo các tỉnh, thành có làng nghề mở được 115 lớp nghề tập trung vào đào tạo nghề,...

LSO-Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, các tỉnh, thành trong cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã xây dựng các mô hình dạy nghề. Đến nay bước đầu đã cho hiệu quả nhất định, là tiền đề để các tỉnh học hỏi lẫn nhau, từ đó nhân rộng mô hình dạy nghề ngày càng phát triển lớn mạnh hơn.
Mô hình hướng dẫn kỹ thuật trồng na cho LĐNT xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng
Hiệu quả mô hình dạy nghề tại một số tỉnh bạn
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 về đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 vào tháng 8/2011, BCĐ đề án 1956 của Trung ương đã đánh giá cao hiệu quả thí điểm mô hình dạy nghề cho LĐNT tại các làng nghề. Báo cáo đánh giá cho thấy, thời gian qua, BCĐ đề án 1956 của Trung ương đã chỉ đạo các tỉnh, thành có làng nghề mở được 115 lớp nghề tập trung vào đào tạo nghề, tổ chức việc làm để xây dựng làng nghề mới; phát triển làng nghề truyền thống và kết hợp vùng nguyên liệu với bao tiêu sản phẩm. Điển hình như lớp đào tạo gò thúc tranh đồng để cấy nghề tại Đồng Nai và Nam Định.
Sau học nghề, Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng xưởng sản xuất nghề đồng tại xã La Ngà và tiếp nhận 70% học viên đã tốt nghiệp. Xưởng bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2011, hiện nay lương trung bình người lao động từ 2 – 3,5 triệu đồng/tháng, cơ sở sản xuất cũng đã chủ động được thị trường cho sản phẩm đầu ra. Tại Nam Định, tất cả học viên sau khi tốt nghiệp đã thành lập tổ sản xuất tranh đồng tại thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy và chủ động góp vốn đầu tư. Hiện nay, việc đầu tư nhà xưởng và dụng cụ đã hoàn tất đi vào hoạt động. Lương trung bình của người lao động từ 1,5-1,8 triệu đồng, cơ sở đào tạo hỗ trợ nguyên liệu, mẫu mã và bao tiêu sản phẩm của xưởng.
Cùng với mô hình làng nghề, BCĐ đề án 1956 của Trung ương cũng đánh giá cao mô hình xây dựng vùng nguyên liệu gắn với đào tạo nghề, tổ chức việc làm và bao tiêu sản phẩm thủ công xuất khẩu tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình và khẳng định hiệu quả mô hình rất thiết thực. Sau học nghề, 10 học viên đã thành lập tổ sản xuất và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho vay 150 triệu đồng để mua thiết bị sản xuất, xưởng sản xuất đặt tại nhà tổ trưởng và dành quỹ đất để trồng thí điểm nguyên liệu sản xuất. Được biết, Công ty Xuất nhập khẩu Mai Bình nằm trên địa bàn tỉnh đã đặt cây giống và cam kết bao tiêu sản phẩm, tiếp tục hỗ trợ bà con trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, các mô hình như trồng cây chuyên canh về chè, thuốc lá, mía, sắn hay như mô hình trang trại chăn nuôi gà ở An Dương (Hải Phòng)… cũng giúp cho 90% học viên có việc làm sau đào tạo.
Dạy nghề ở Lạng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn
Tại tỉnh Lạng Sơn, thực hiện đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT; phát triển mạng lưới và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các cơ sở dạy nghề. Cùng với đó là chuẩn hóa về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề; xây dựng các mô hình điểm đào tạo nghề cho LĐNT. Hiện nay, tỉnh ta đang chỉ đạo huyện điểm, xã điểm Chi Lăng đào tạo nghề kỹ thuật nuôi lợn nái và kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na. Bước đầu cho thấy học viên rất tích cực tham gia lớp học và nắm vững kỹ thuật cũng như áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt của gia đình rất thành công. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Toàn tỉnh có 10/11 Trung tâm dạy nghề cấp huyện nhưng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, giáo viên, cán bộ quản lý còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xã hội hóa đào tạo nghề còn chậm, các cơ sở dạy nghề ngoài công lập chưa có, chưa phát triển được công tác dạy nghề trong doanh nghiệp, chưa tạo được sự cạnh tranh trong dạy nghề. Chương trình đào tạo, ngành nghề đào tạo chậm được cập nhật để phù hợp với thực tiễn của người học cũng như đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hiện 2 mô hình dạy nghề nông nghiệp đã được triển khai và có hiệu quả, còn mô hình dạy nghề phi nông nghiệp là sản xuất chế biến gỗ ở Hữu Lũng chưa triển khai được do một số yếu tố khách quan.
Lời kết

Nhìn hiệu quả từ các tỉnh bạn và hiệu quả của mô hình của tỉnh ta để thấy rằng Lạng Sơn vẫn còn nhiều bất cập trong thực hiện đề án 1956 cần tiếp tục được tháo gỡ. Trong đó có thể thấy nếu chúng ta không có làng nghề thì tập trung vào các vùng có cây đặc sản như hồi Văn Quan, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng… để phát triển chuyên canh. Hoặc một số mô hình chăn nuôi như: cá lồng, dũi, nhím… nhằm giúp LĐNT mở rộng mô hình sản xuất ngày càng phát triển hơn. Đó cũng là hướng phát triển cần thiết, tất yếu để LĐNT gắn bó với quê hương, đồng hành cùng quê hương phát triển, vươn lên làm giàu đồng thời cũng là một cách tạo việc làm hiệu quả, thiết thực nhất.

Thanh Huyền