Thứ sáu,  31/03/2023

Người dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Thụy Vân

Nhiều năm nay, người dân sinh sống quanh Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường. Khói, bụi làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân; hàng chục ha đất nông nghiệp, ao hồ không nuôi, trồng được. Người dân nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được cải thiện.Khốn khổ vì ô nhiễmGặp người dân sống chung quanh KCN Thụy Vân mới thấy hết nỗi khổ của họ đang từng ngày, từng giờ hứng chịu ô nhiễm môi trường nơi đây. Nhiều người dân bày tỏ những búc xúc trước tình trạng ô nhiễm kéo dài mà vẫn chưa được giải quyết. Tận mắt chứng kiến mới thấy được mức độ ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Hậu, Vĩnh Phú của xã Thụy Vân và một phần của Thanh Đình, thành phố Việt Trì. Trong đó, khu vực đầm Láng Bỗng nằm trên địa bàn xã Thụy Vân đang bị ảnh hưởng nặng nề của nguồn nước thải ô nhiễm. Trước đây, đầm Láng Bỗng được...

Nhiều năm nay, người dân sinh sống quanh Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường. Khói, bụi làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân; hàng chục ha đất nông nghiệp, ao hồ không nuôi, trồng được. Người dân nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được cải thiện.

Khốn khổ vì ô nhiễm

Gặp người dân sống chung quanh KCN Thụy Vân mới thấy hết nỗi khổ của họ đang từng ngày, từng giờ hứng chịu ô nhiễm môi trường nơi đây. Nhiều người dân bày tỏ những búc xúc trước tình trạng ô nhiễm kéo dài mà vẫn chưa được giải quyết. Tận mắt chứng kiến mới thấy được mức độ ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Hậu, Vĩnh Phú của xã Thụy Vân và một phần của Thanh Đình, thành phố Việt Trì. Trong đó, khu vực đầm Láng Bỗng nằm trên địa bàn xã Thụy Vân đang bị ảnh hưởng nặng nề của nguồn nước thải ô nhiễm. Trước đây, đầm Láng Bỗng được coi là vựa lúa, vựa cá của xã, nhưng nay lại trở thành “túi” đựng nước thải của KCN Thụy Vân.

Ông Đinh Chu Thuyết, 72 tuổi ở thôn Vĩnh Phú, xã Thụy Vân, bức xúc cho biết, nhiều năm nay gia đình phải sống trong cảnh mất ăn, mất ngủ vì mùi nước thải. Những hôm trời mát thì đỡ, còn khi mưa xong mà có nắng thì không thể chịu được. Nhiều đêm phải đeo khẩu trang hoặc lấy gối chẹn vào mặt mới ngủ được. Nhà có cái giếng nước khơi cũng đành phải bỏ. May mà năm 2007 được vay tiền để lắp nước sạch chứ không thì không biết lấy nước đâu để ăn uống, sinh hoạt. Gia đình ông Nguyễn Thế Hệ thì bi đát hơn. Những năm trước do ô nhiễm mà toàn bộ diện tích hơn 30 ha đầm Láng Bỗng không trồng lúa và thả cá được. Thấy tiếc, gia đình ông xin mượn lại 10 ha để thả cá. Thế nhưng năm nào cũng vậy, cá gần được thu hoạch đều chết. Ngày 19-3-2011, do mưa lớn khiến nước tại hồ chứa nước thải của KCN tràn xuống hồ Láng Bỗng làm gần 1,7 tấn cá, mỗi con nặng từ 2 kg đến 4 kg chết trắng đầm.

Đến nay, gần chục ha đất cấy hai vụ lúa ở Thụy Vân không thể canh tác được. Hầu hết số diện tích đó bị nước xả thải xâm thực, số còn lại gần như bỏ hoang. Trưởng khu Vĩnh Phú Tạ Quang Hải cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây diễn ra từ khi KCN đi vào hoạt động. Từ nguồn nước cho đến không khí đều bị ô nhiễm. Năm 2002, đập hồ chứa nước thải của KCN bị vỡ, nước tràn xuống đất nông nghiệp của nhân dân. Từ đấy đến nay, do KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải, nên toàn bộ khu vực đồng Láng Bỗng bị ô nhiễm. Cùng với nguồn nước bị ô nhiễm, người dân Thụy Vân và vùng phụ cận phải hứng chịu chính là ô nhiễm không khí. Trong KCN, đường sá thì xuống cấp, khói, bụi đá từ một số nhà máy thải ra mù mịt. Ngoài thiệt hại về đất nông nghiệp, ô nhiễm còn làm sức khỏe của người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Số người mắc các bệnh về đường hô hấp ngày càng tăng, số người chết vì ung thư ngày càng nhiều.

Sớm giải quyết ô nhiễm môi trường

KCN Thụy Vân được thành lập năm 1997 theo Quyết định số 836/TTg của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 306 ha. Sau hơn năm năm đi vào hoạt động, đến nay, thu hút được 61 dự án đầu tư (28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 33 dự án đầu tư trong nước), trong đó có 51 dự án đang hoạt động; ba dự án đang dừng hoạt động và bảy dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực, hiệu quả từ khi KCN này đi vào hoạt động. Thế nhưng, mặt trái là môi trường bị hủy hoại đến mức báo động, trong khi việc xử lý ô nhiễm vẫn giậm chân tại chỗ. Theo quy định, các công ty, doanh nghiệp khi đầu tư vào đây, đều phải cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn B) trước khi xả thải ra môi trường. Nhưng trên thực tế, hệ thống xử lý nước thải của một số công ty gây ô nhiễm chưa được xây dựng hoặc không đồng bộ, cho nên nước thải chảy tràn xuống các khu vực chung quanh gây ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND xã Thụy Vân Vũ Văn Cầm cho biết, hệ thống xử lý nước thải tại KCN Thụy Vân chưa hoàn thiện, các nhà máy, xí nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động và xả thải tự do ra môi trường, trong đó có bảy nhà máy có khối lượng xả thải lớn với lượng nước thải khoảng 1.000 m3/ngày. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay. Trong những năm qua, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm như dùng hóa chất khử trùng nước tại hồ chứa, hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở KCN Thụy Vân, ngày 18-6-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Thụy Vân công suất 5.000 m3/ngày đêm, bao gồm các hạng mục như hệ thống thu gom trong và ngoài KCN, nhà máy xử lý nước thải, bể điều hòa, hệ thống thoát thải và một số hạng mục khác. Tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Na Uy và thông qua Ngân hàng tái thiết Đức. Công trình được giao cho Công ty Phát triển hạ tầng các KCN Phú Thọ thực hiện. Tuy nhiên, sau hơn ba năm, dự án xây dựng vẫn nằm trên giấy. Lý giải về vấn đề này, ông Lưu Đức Huân, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Phú Thọ cho biết, nguyên nhân của việc chậm trễ trên là do dự án có sự điều chỉnh về thiết kế kỹ thuật theo yêu cầu. Sau khi dự án được điều chỉnh lại thì kinh tế gặp khó khăn nên đến bây giờ vẫn chưa có phản hồi chính thức về nguồn vốn từ phía ngân hàng. Vì vậy, trước mắt, công ty sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp tự giác trong bảo vệ môi trường. Đồng thời đề xuất với tỉnh các phương án để tiếp cận các nguồn vốn khác để sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Người dân sống chung quanh KCN Thụy Vân đang rất mong dự án xử lý nước thải của khu công nghiệp sớm được triển khai để họ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo Nhandan