Thứ bảy,  01/04/2023

Bão số 4 đổ bộ Bắc Trung Bộ gây mưa to trên diện rộng

* Đã có 31.459 tàu, thuyền được thông báo và di chuyển tránh bão * Bảo đảm tuyệt đối an toàn các hồ, đập * Cơn bão Nesat rất mạnh đang tiến vào Biển Đông * Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó lũ lớn Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 26-9 vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 16,4 độ vĩ bắc; 110,1 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 180 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 7 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 108,3 độ kinh đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Bình - Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.Trong...

* Đã có 31.459 tàu, thuyền được thông báo và di chuyển tránh bão
* Bảo đảm tuyệt đối an toàn các hồ, đập
* Cơn bão Nesat rất mạnh đang tiến vào Biển Đông
* Đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó lũ lớn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 26-9 vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 16,4 độ vĩ bắc; 110,1 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng – Quảng Ngãi khoảng 180 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km. Đến 7 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 108,3 độ kinh đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Bình – Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa tây và tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 27-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,0 độ vĩ bắc; 106,0 độ kinh đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/ giờ).

Do ảnh hưởng của bão vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Từ đêm 26-9, vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Hiện nay, lũ trên hầu hết các sông miền trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh và đang xuống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa của bão số 4, từ chiều và đêm 26-9, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam và khu vực Bắc Tây Nguyên lên lại. Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế, khu vực Bắc Tây Nguyên và thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Cùng thời điểm này, ở phía đông Phi-li-pin, cơn bão Nesat với sức gió rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng khá rộng đang di chuyển rất nhanh vào Biển Đông. Chiều 26-9, vị trí trung tâm bão Nesat ở vào khoảng 15,5 độ vĩ bắc, 125 độ kinh đông, sức gió vùng gần trung tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Bão Nesat đang di chuyển với tốc độ 20 km/giờ, khả năng đêm 27-9 sẽ đi vào phía đông Biển Đông.

Trong khi đó, khoảng ngày 30-9, các tỉnh miền bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc rất mạnh. Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, bão Nesat có thể gây mưa to đến rất to ở nước ta và nước bạn Lào. Do đó, lũ ở các tỉnh Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long sẽ lên cao. Các địa phương cần chủ động ứng phó với lũ cao, lũ quét, sạt lở đất. Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động di dời dân ra khỏi vùng ngập sâu, bảo vệ tính mạng và tài sản, nhất là người già và trẻ em.

Sáng 26-9, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã họp bàn các biện pháp đối phó với bão số 4, đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng chịu ảnh hưởng của bão thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão biết các thông tin để chủ động đối phó; yêu cầu chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; chủ động tìm nơi tránh trú an toàn, đặc biệt lưu ý các tàu, thuyền đang hoạt động ở vùng Hoàng Sa và ven bờ; khẩn trương sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn khi có bão; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo Bộ Tham mưu, Bộ đội Biên phòng, đến nay đã thông báo được cho chủ 31.459 tàu, thuyền, trong đó 35 tàu tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Tỉnh Nghệ An khẩn trương triển khai các phương án đối phó với cơn bão số 4. Các thành viên Ban chỉ huy PCLB xuống các địa bàn trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó, đồng thời triển khai phương án sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, vùng miền núi có nguy cơ xảy ra lũ ống lũ quét và sạt lở đất; bảo vệ nhà cửa, công trình đang xây dựng. Sở Giao thông vận tải Nghệ An chỉ đạo các đơn vị cử người trực gác bảo đảm an toàn tại các vị trí xung yếu; tập kết máy, thiết bị để ứng cứu khi có yêu cầu; phối hợp UBND các huyện kiểm tra an toàn các bến đò ngang, đò dọc, các cầu yếu.

UBND tỉnh Hà Tĩnh bố trí lực lượng, phương tiện triển khai các biện pháp phòng, chống bão, ngăn không cho tàu, thuyền ra khơi, tổ chức neo đậu, chằng chống bảo đảm an toàn, không để người ở lại trên thuyền. Các đơn vị bộ đội, công an lên phương án đưa lực lượng giúp nhân dân vùng ven biển, ven sông sơ tán đến nơi an toàn, hướng dẫn nhân dân tổ chức chằng chống nhà cửa, trường học. Ban chỉ huy PCLB tỉnh chỉ đạo các đơn vị bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các hồ chứa nước như: Kẻ Gỗ, sông Rác, sông Trí, đập Kim Sơn để tránh sự cố xảy ra.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 4.266 tàu, thuyền (18.799 lao động) đã vào bờ neo đậu, trú ẩn an toàn để tránh bão. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật thông tin để kịp thời hướng dẫn và cùng nhân dân chủ động phòng, chống bão; trực ban 24/24 giờ để kịp thời ứng phó. Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.000 hộ dân ở vùng thấp trũng đã được lên phương án di dời đến nơi an toàn.

Đến nay, hơn 2.480 tàu, thuyền của tỉnh Quảng Trị đã vào các cửa biển, cửa sông, lên bờ giằng néo trú tránh bão an toàn. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện giúp dân thu hoạch nhanh lúa hè thu; di dời dân ở vùng thấp trũng, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Sáng 26-9, Công an huyện Đa Krông đã điều động ba tổ công tác, mỗi tổ năm cán bộ, chiến sĩ đến giúp người dân hai xã Ba Lòng, Hải Phúc và các cụm dân cư sinh sống dọc hai bên tuyến đường 14, nơi dễ bị ngập lũ, thiệt hại mỗi khi có mưa bão. Hơn 200 hộ gia đình ở vùng thấp lũ và ven sườn núi đã được đưa đến nơi trú tránh an toàn. Từ chiều 26-9, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học.

Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 200.000 lít xăng, dầu. Tại các địa phương cũng trữ được hơn 120.000 tấn gạo, hơn 14.000 tấn mì ăn liền sẵn sàng đối phó bão số 4. Ngoài ra, bốn tàu cứu hộ của Hải đội 2 đã túc trực tại cảng Thuận An sẵn sàng cứu hộ cứu nạn. Tỉnh cũng lên kế hoạch di dời 508 hộ dân vùng cửa sông, sạt lở, thấp trũng và huy động hơn 10.000 bao tải cát ứng cứu hồ Thọ Sơn, đang thi công dở dang.

Một thuyền câu chở ba người ở thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) trên đường vào bờ tránh bão bị hỏng máy, trôi dạt. Ngày 26-9, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 2 đã điều tàu cứu nạn SAR 412 tìm kiếm và đến 9 giờ 30 phút cùng ngày đã đưa được ngư dân sang và lai dắt thuyền câu về Đà Nẵng an toàn.

Tỉnh Quảng Nam có công điện chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra các hồ chứa nước, hồ thủy điện và các công trình xây dựng cơ bản đang thi công dở dang. Các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra và có kế hoạch sơ tán dân ở những nơi có nguy cơ cao bị sạt lở núi, sạt lở bờ sông đến nơi an toàn.

Đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có một bé gái bảy tuổi, bị mưa lũ cuốn trôi và mất tích. UBND huyện Tây Giang đã vận động thanh niên tại địa phương tìm kiếm nạn nhân. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm khoảng 300 ha lúa hè thu chín muộn và 700 ha rau màu bị ngập úng.

Theo Ban Chỉ huy PCLB TP Đà Nẵng, hai thuyền viên trên tàu ĐNa-00234 của Công ty trục vớt Quang Thọ, bị hỏng máy trôi dạt trên biển từ ngày 25-9, đã trở về an toàn. Đến nay, thành phố chỉ còn tàu đánh cá ĐNa-90369, với 12 ngư dân đang hoạt động tại vùng biển Quy Nhơn (Bình Định). Bộ đội Biên phòng thành phố đã liên lạc, kêu gọi tàu ĐNa- 90369 vào bờ tránh bão.

Ngày 26-9 tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), 200 tủ thuốc và 200 áo phao cứu sinh đã được trao tận tay ngư dân Đà Nẵng. Đây là chương trình “Chung tay vì sức khỏe ngư dân” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần S.P.M tổ chức.

Tỉnh Bình Định tổ chức kêu gọi và neo đậu tàu, thuyền an toàn tại các nơi trú bão; kiểm tra hệ thống các nhà cửa, kho tàng, hệ thống thông tin liên lạc để có kế hoạch chằng chống an toàn. Đến nay, tỉnh đã có 5.115 tàu, thuyền neo đậu an toàn. Toàn tỉnh vẫn còn 2.882 tàu trên biển, trong đó đã liên lạc được 421 tàu và vẫn còn 2.261 tàu chưa liên lạc được.

Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa lớn, gây lũ làm ngập và cuốn trôi 80 ha lúa và hoa màu; 2,25 ha ao cá. Nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc và chia cắt cục bộ. UBND tỉnh đã cử cán bộ xuống giúp các địa phương về phương án phòng, chống mưa lũ; tập kết lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng mưa lũ chia cắt cục bộ có thể xảy ra.

Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN vừa có Công điện số 32/CĐ-T.Ư điện Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ yêu cầu huy động vật tư, phương tiện, nhân lực, chủ động ứng kinh phí để gia cố bờ bao, đê bao bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3; trường hợp vượt quá khả năng của địa phương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ.

Hiện nay, lũ hạ lưu sông Mê Công, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và ở mức cao. Dự báo, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức lớn. Đến ngày 28-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên 4,7 m, trên BĐ3: 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên 4,05 m, trên BĐ3: 0,05 m; trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên 2 m, trên BĐ2: 0,2 m; tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười tứ giác Long Xuyên lên mức BĐ2 – BĐ3, có nơi trên BĐ3. Sau đó, lũ còn tiếp tục lên.

Đến nay, các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 385.340/609.934 ha lúa vụ 3, trong đó Đồng Tháp 70.120/98.858 ha; An Giang 2.918/131.368 ha; Cần Thơ 31.000/54.363 ha; Tiền Giang 36.460/43.423 ha; Kiên Giang 244.842/281.922 ha).

UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định công bố tình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn tỉnh từ ngày 26-9, triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, chỉ đạo Công ty Điện lực và Công ty cổ phần Điện nước An Giang cung cấp điện 24/24 giờ cho các tiểu vùng có sản xuất vụ thu đông. Tại huyện An Phú và thị xã Tân Châu, nhiều tuyến giao thông liên xã, huyện và tỉnh lộ đã bị ngập nước, có nơi ngập sâu khoảng 0,8 m đến hơn 1 m nước khiến bảy trường, điểm trường bị ảnh hưởng.

Tỉnh Đồng Tháp hiện còn hơn 27 nghìn ha lúa chưa thu hoạch. Trong đó do một số vùng mới chuyển qua sản xuất vụ thu đông nên đê bao còn thấp, chưa vững nên diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng là 7.600 ha, tập trung ở hai huyện đầu nguồn Tân Hồng và Hồng Ngự. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất bờ sông, các xã đã vận động gần 400 hộ di dời đến nơi an toàn.

Theo Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 26-9, mực nước đỉnh triều tại trạm Phú An – sông Sài Gòn sẽ lên nhanh và ở mức cao. Ban Chỉ huy PCLB TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các quận, huyện rà soát các vị trí bờ bao xung yếu; chuẩn bị lực lượng, vật tư tại những vị trí có nguy cơ tràn, vỡ bờ bao để xử lý nhanh khi phát hiện sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố.

Vietnam Airlines hoãn, hủy một số chuyến bay trong nước do bão số 4

TTXVN – Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4 đến khu vực biển miền trung, tính đến chiều tối 26-9, Vietnam Airlines đã phải hủy 28 chuyến bay trong nước từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đến Buôn Ma Thuột, Huế; từ Đà Nẵng đến Buôn Ma Thuột và từ TP Hồ Chí Minh đến Vinh, Đồng Hới.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn dự kiến, ngày 27-9, hãng sẽ hủy thêm tám chuyến bay và hoãn bốn chuyến nữa trên tám đường bay đến Buôn Ma Thuột, Huế, Vinh và Đồng Hới.

Tám chuyến dự kiến bị hủy gồm: VN1370/ 1371, VN1372/ 1373 (hành trình TP Hồ Chí Minh – Huế – TP Hồ Chí Minh); VN1541/1540 (hành trình Hà Nội – Huế – Hà Nội); VN1591/1590 (hành trình Hà Nội – Đồng Hới – Hà Nội). Hai chuyến VN1262/1263 thuộc hành trình TP Hồ Chí Minh – Vinh – TP Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ hoãn 10 tiếng và hai chuyến VN1400/VN1401 hành trình TP Hồ Chí Minh – Đồng Hới – TP Hồ Chí Minh sẽ hoãn bốn tiếng so với giờ khởi hành dự kiến.

Khắc phục sự cố tại hồ Vưng (Hòa Bình)

Huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đang khẩn trương sơ tán người dân sống tại khu vực hạ lưu đập và huy động lực lượng tiến hành xử lý sự cố tại hồ Vưng, xã Đông Lai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức họp với các đơn vị liên quan để đánh giá nguyên nhân, tìm biện pháp xử lý sự cố. Đồng thời, bộ đã cử đoàn công tác đến hiện trường để phối hợp cùng địa phương khắc phục sự cố.

Theo Nhandan