Thứ năm,  30/03/2023

Nửa thế kỷ xây dựng và phát triển

Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì. Cách đây tròn 50 năm, ngày 29-9-1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 134/CP thành lập Cục Quy hoạch thuộc Bộ Nông trường - tổ chức tiền thân của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp hiện nay. Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, viện đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của đất nước.Từ đầu những năm 60 của thế kỷ 20, nông nghiệp được coi là mặt trận hàng đầu, vì thế công tác điều tra, phân vùng quy hoạch nông nghiệp đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp đã thường xuyên quan tâm theo dõi và chỉ đạo trực tiếp công tác này. Từ năm 1961 đến năm 1975, viện đã khảo sát, đo đạc bản đồ địa hình tỷ lệ lớn (1/10.000) và lập quy hoạch cho...

Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì.

Cách đây tròn 50 năm, ngày 29-9-1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 134/CP thành lập Cục Quy hoạch thuộc Bộ Nông trường – tổ chức tiền thân của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp hiện nay. Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, viện đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của đất nước.

Từ đầu những năm 60 của thế kỷ 20, nông nghiệp được coi là mặt trận hàng đầu, vì thế công tác điều tra, phân vùng quy hoạch nông nghiệp đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp đã thường xuyên quan tâm theo dõi và chỉ đạo trực tiếp công tác này. Từ năm 1961 đến năm 1975, viện đã khảo sát, đo đạc bản đồ địa hình tỷ lệ lớn (1/10.000) và lập quy hoạch cho hơn 100 nông trường, phối hợp với một số cơ quan, ban, ngành xây dựng đề án phát triển bốn vùng nông nghiệp và 16 tiểu vùng chuyên môn hóa; tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh mía bên sông Lam, ngô ở Lục Ngạn, lạc ở Diễn Châu, các vùng kinh tế mới nam Tuyên Quang, Mộc Châu, nam bắc Long Đại, Phủ Quỳ, Ba Chẽ… và một số huyện điểm mẫu như Tân Lạc, Gia Lộc, Đông Hưng, Nam Ninh, Quỳnh Lưu…

Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), công tác quy hoạch nông nghiệp đã được triển khai mạnh ở các tỉnh phía nam. Thực hiện các Nghị quyết Đại hội của Đảng về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, được sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp, Ban phân vùng quy hoạch nông, lâm nghiệp trung ương, viện đã tiếp nhận và điều động gần 1.000 sinh viên mới ra trường, bố trí thành các tổ quy hoạch tới từng huyện, tham gia xây dựng phương án phân vùng nông, lâm nghiệp cả nước (bảy vùng nông, lâm nghiệp), xây dựng phương án phân vùng nông, lâm nghiệp 40 tỉnh, thành phố được Chính phủ phê duyệt năm 1978. Viện đã phối hợp với các ngành tiến hành quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch tổng thể cho hơn 400 huyện, thị xã trên cả nước, đã đo đạc bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, 1/5.000; lập quy hoạch, luận chứng kinh tế kỹ thuật (TEO) trên bản đồ tỷ lệ lớn cho hầu hết các nông trường thuộc vùng cà-phê Tây Nguyên, cao-su Đông Nam Bộ, bông Nam Trung Bộ, lúa đồng bằng sông Cửu Long, chè trung du miền núi… Viện đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn trên phạm vi cả nước trong việc quy hoạch cụ thể cho hàng trăm nông trường quốc doanh và HTX, hàng trăm huyện, thị xã và các vùng chuyên canh kinh tế mới, xây dựng được một số đề án chiến lược phát triển cây con, phát triển vùng dựa trên điều kiện thuận lợi về tự nhiên, sinh thái. Kết quả này đã góp phần thực hiện đường lối phát triển nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường, để có cơ sở bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện chiến lược quy hoạch nông nghiệp. Đội ngũ cán bộ khoa học, nghiệp vụ, công nhân, viên chức đã tiến hành nhiều chương trình điều tra cơ bản, trọng tâm là khảo sát hơn 20 triệu ha đất nông nghiệp và đất trống chưa sử dụng, nhằm khai thác mở rộng sản xuất nông nghiệp. Trong nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án, đã tiếp cận và áp dụng các phương pháp phân tích, đánh giá đất quốc tế để bổ sung, chỉnh lý bản đồ đất một số huyện tỷ lệ 1/25.000, bản đồ đất của bảy vùng kinh tế tỷ lệ 1/250.000, tổng hợp, xây dựng bản đồ đất cả nước tỷ lệ 1/1.000.000. Từ năm 2003 đến năm 2005, viện đã hoàn thành “chương trình điều tra, bổ sung, chỉnh lý để xây dựng bản đồ đất các tỉnh trong cả nước”. Kết quả này là cơ sở khoa học để đánh giá số lượng, chất lượng và tiềm năng đất nông nghiệp trên bản đồ tỷ lệ 1/50.000 và 1/100.000 của tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước phục vụ quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp ở các vùng, các tỉnh. Hồ sơ tài liệu đang được đăng ký bản quyền với cơ quan nhà nước để xuất bản chính thức. Việc điều tra bổ sung, xây dựng bản đồ đất và bản đồ thích nghi đất đai tỷ lệ 1/25.000 phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cấp huyện đáp ứng yêu cầu của các địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng đất, phát triển vùng hàng hóa dựa trên lợi thế về tiềm năng đất đai; đang được đúc rút, tổng kết thành nội dung, phương pháp khoa học để các địa phương làm căn cứ triển khai và phối hợp thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư ngày 5-8-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đang trình Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện Kết luận số 53 KL-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, viện đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Với nội dung cơ bản là bảo đảm đến năm 2020 diện tích đất lúa nước ta là 3,8 triệu ha, trong đó có 3,2 triệu ha lúa nước hai vụ trở lên.

Từ năm 2006 đến nay, viện hoàn thành rà soát quy hoạch các ngành hàng: cao-su, cà-phê, chè, hồ tiêu, rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Xây dựng chiến lược phát triển các điểm dân cư tới năm 2020; quy hoạch ổn định dân cư vùng biên giới Việt Nam – Lào, biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia; quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; quy hoạch sử dụng đất các tỉnh, huyện, xã… để bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả và bền vững; quy hoạch tái định cư thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát… Quy hoạch tái định cư cho các công trình thủy lợi lớn như Cửa Đạt, Bản Mòng…

Mới đây, thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg; Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình xây dựng nông thôn mới, viện đã được bộ giao trực tiếp chỉ đạo sản xuất, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một trong mười một xã chỉ đạo điểm của Ban Bí thư T.Ư Đảng. Hiện nay, viện tham gia quy hoạch hàng chục xã nông thôn mới trên địa bàn của cả nước.

Công tác nghiên cứu khoa học được coi trọng để hoàn thiện dần nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng khảo sát, quy hoạch. Trong năm năm qua, viện đã thực hiện 72 đề tài khoa học – công nghệ cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khoa học – công nghệ khác. Công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao phương pháp luận, cung cấp các luận cứ về lý luận và thực tiễn, xác định các lợi thế, tiềm năng và hạn chế của ngành nông nghiệp, tổng kết, đánh giá mô hình phục vụ công tác điều tra, đánh giá tiềm năng nông nghiệp, xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong quá trình nghiên cứu và hợp tác quốc tế (dự án VIE86/024, các dự án hợp tác quốc tế với Viện Tài nguyên đất Liên Xô, với Lào, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ca-na-đa, Tây Ban Nha, Bỉ, các trường đại học nước ngoài…), viện đã cử nhiều đoàn tham quan, học tập ở các nước; thông qua đó mà nhiều cán bộ được tiếp cận, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ trên các lĩnh vực chiến lược phát triển, phân tích đánh giá dự án, đánh giá đất đai, đo đạc bản đồ, xây dựng nông thôn mới, v.v.

Viện có cơ chế động viên, khuyến khích cán bộ CNV học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao nghiệp vụ, ngoại ngữ dưới nhiều hình thức, để phục vụ tốt hơn công tác chuyên môn. Nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ đã gắn kết với các chương trình điều tra quy hoạch của viện nên có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Đến nay, viện có bảy người được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư, 35 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 80 người bảo vệ thạc sĩ trong và ngoài nước. Đã thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn, đúc rút nâng cao chất lượng nội dung, phương pháp; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quy hoạch nông nghiệp, nông thôn tiếp cận với các lĩnh vực hoạt động cơ bản của viện thông qua bài giảng, khảo sát thực tế và sử dụng những thiết bị, chương trình, phần mềm tiên tiến.

Công tác tổ chức có những tiến bộ và đã đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường năng lực tài chính. Do đặc điểm công việc, địa bàn công tác rộng lớn trên cả nước, viện đã tổ chức lại bộ máy theo hướng giảm bộ phận quản lý; giao quyền tự chủ cho các đơn vị cấp III phù hợp chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với công tác tổ chức, viện đã tập trung các nguồn lực tăng cường trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật đồng bộ và ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn. Trụ sở làm việc của cơ quan viện, các phân viện, xí nghiệp đo đạc tương đối khang trang và được trang bị nhiều máy móc, phương tiện tốt như: Hai phòng phân tích đất và môi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế với các loại máy quang phổ hấp thu nguyên tử, máy đo mầu quang điện, máy quang kế ngọn lửa; hệ thống máy tính thế hệ mới khoảng hơn 300 máy. Phòng Viễn thám và GIS có hệ thống thu phát ảnh vệ tinh kết nối hệ thống quốc gia. Hệ thống thiết bị đo đạc bản đồ bảo đảm năng lực đo trên diện tích lớn các loại tỷ lệ bản đồ như: máy toàn đạc điện tử, máy kinh vĩ quang học…

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, trong đó có 26 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tập thể cán bộ, công nhân viên Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã phát huy trí tuệ, lao động sáng tạo, góp phần quan trọng đưa nền nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp trở thành nền sản xuất hàng hóa, hội nhập quốc tế. Các thế hệ cán bộ, CNVC của viện trước đây và hiện nay luôn giữ vững truyền thống đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, gian khổ, cả trong thời kỳ chiến tranh và hòa bình xây dựng đất nước. Nhiều tấm gương nỗ lực phấn đấu, thậm chí có đồng chí phải hy sinh thân mình cho sự nghiệp quy hoạch nông nghiệp; nhiều tấm gương tiêu biểu về sự tận tụy, nhiệt tình và năng động, sáng tạo trong công việc.

Kế tục xứng đáng truyền thống và kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, trong 26 năm đổi mới, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ kế hoạch và công tác đột xuất bộ giao. Từ kết quả nghiên cứu các công trình, dự án, đề tài khoa học, các hoạt động hợp tác quốc tế… Viện đã tham mưu, tư vấn giúp bộ và Chính phủ trên các lĩnh vực về nông nghiệp, phát triển nông thôn. Nhiều dự án, chương trình đã được Chính phủ, bộ phê duyệt làm cơ sở để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đặc biệt là viện và các phân viện ở miền nam, miền trung và Tây Nguyên đã hoàn thành khối lượng lớn công việc và hoạt động phối hợp với các địa phương trong toàn quốc với chất lượng cao, có uy tín lớn. Chất lượng chuyên môn các dự án, đề tài được nâng lên rõ rệt. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công là, tập thể cấp ủy và lãnh đạo viện và các phân viện qua các thời kỳ đã chung sức, chung lòng, luôn luôn đoàn kết thống nhất, lãnh đạo sâu sát, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá hoạt động của cấp ủy và cán bộ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể hoạt động nhịp nhàng, trách nhiệm rõ ràng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác và nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên.

Với những thành tích to lớn kể trên, tập thể cán bộ, công nhân viên Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng ba (năm 1981), Huân chương Lao động hạng nhì (1985), Huân chương Lao động hạng nhất (1994), Huân chương Độc lập hạng ba (2001), Huân chương Độc lập hạng nhì (2006), Huân chương Độc lập hạng nhất năm 2011 vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập viện. Viện còn được Nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động vào các năm 1984, 1996, 2002. Nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể cũng được trao cho các đơn vị trực thuộc và các cá nhân.

Theo Nhandan