Thứ bảy,  25/03/2023

Các tỉnh phía Bắc triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống bão số 5

Tàu thuyền tập kết tại âu thuyền để tránh bão số 5 ở Quảng Ninh. (Ảnh: Văn Đức/Vietnam+)Với dự kiến bão số 5 (NESAT), một cơn bão mạnh có thể đổ bộ vào một số tỉnh phía Bắc, các địa phương đã và đang triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão. * Huyện Yên Hưng, Quảng Ninh đã lên 2 phương án di dân khi bão lớn đổ bộ vào đất liền. Theo đó, phương án 1 nếu di dân tại chỗ sẽ triển khai di dân tới 500 căn nhà cao tầng của huyện; phương án 2 nếu di dân 3 xã vùng ven biển Liên Vị, Yên Hoà, Tiên Phong tới khu Hà Bắc thì sẽ phải di dời 2 vạn dân và cần tới hơn 50 xe ca để vận chuyển người và tài sản của người dân. Biên phòng tỉnh đã kêu gọi được hơn 2.200 tàu, thuyền với hơn 6.000 lao động về nơi tránh bão, số tàu thuyền còn lại khoảng 358 phương tiện đã nắm được thông tin về cơn bão. Các tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 90 CV cũng đã về bến neo đậu tránh bão...
Tàu thuyền tập kết tại âu thuyền để tránh bão số 5 ở Quảng Ninh.
(Ảnh: Văn Đức/Vietnam+)

Với dự kiến bão số 5 (NESAT), một cơn bão mạnh có thể đổ bộ vào một số tỉnh phía Bắc, các địa phương đã và đang triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão.

* Huyện Yên Hưng, Quảng Ninh đã lên 2 phương án di dân khi bão lớn đổ bộ vào đất liền. Theo đó, phương án 1 nếu di dân tại chỗ sẽ triển khai di dân tới 500 căn nhà cao tầng của huyện; phương án 2 nếu di dân 3 xã vùng ven biển Liên Vị, Yên Hoà, Tiên Phong tới khu Hà Bắc thì sẽ phải di dời 2 vạn dân và cần tới hơn 50 xe ca để vận chuyển người và tài sản của người dân. Biên phòng tỉnh đã kêu gọi được hơn 2.200 tàu, thuyền với hơn 6.000 lao động về nơi tránh bão, số tàu thuyền còn lại khoảng 358 phương tiện đã nắm được thông tin về cơn bão. Các tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 90 CV cũng đã về bến neo đậu tránh bão tại các bến cá, khu vực tránh, trú gió bão của các địa phương trong tỉnh và một số đỗ tại bến Cát Bà, Cát Hải, Cầu Rào (Tp Hải Phòng). Toàn bộ tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh đêm qua đến sáng nay đã cập bến trả khách an toàn và trở về nơi tránh, trú bão. Đến chiều ngày 29/9, hơn 430 tàu thuyền du lịch đã cơ bản trở về hơn chục điểm tránh bão an toàn. Theo thiết kế, các điểm tránh bão của Quảng Ninh chỉ có thể tiếp nhận khoảng 4.000 tàu thuyền. Huyện đảo Cô Tô đang vướng mắc 26 bè, mảng và tàu nhỏ bị mắc cạn ở xã Thanh Lân do nước cạn nên chính quyền huyện yêu cầu toàn bộ người lên bờ và bố trí bảo vệ phương tiện chờ nước lên sớm di chuyển bè, mảng về nơi an toàn. Đến 16 giờ ngày 29/9, ở huyện đảo Vân Đồn đã có mưa lớn, gió mạnh cấp 5, cấp 6. Ở các địa phương Hạ Long, Cửa Ông – Cẩm Phả, Yên Hưng có mưa nhỏ.


* Đến 18 giờ ngày 29/9, các quận, huyện của Hải Phòng đều đã sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 5. Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải. Theo dự báo, 4h sáng ngày 30/9 đảo Bạch Long Vĩ sẽ nằm trong vùng tâm bão, đúng lúc triều cường. Đến thời điểm này, việc gia cố, chằng néo nhà cửa, trụ sở; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư tham gia phòng chống bão khi có lệnh điều động đều đã sẵn sàng. Uỷ ban PCLB&TKCN thành phố yêu cầu, trong thời gian bão đổ bộ vào đảo, trừ lực lượng làm nhiệm vụ, tuyệt đối không được ai ra khỏi nhà và nơi sơ tán. Các phương án di dân, tiếp nhận người về nơi sơ tán đều đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tại Đồ Sơn, có 393 tàu thuyền/1.398 lao động về nơi neo đậu an toàn. Các lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo vệ lúa và hoa màu, kiểm tra an toàn người và tài sản tại khu du lịch. Tại Cát Hải, lực lượng quản lý đê và địa phương tổ chức gia cố tuyến kè đê Gót-Gia Lộc; tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè. Huyện cũng đã sẵn sàng phương án di dân khi cần thiết. Huyện Kiến Thụy đã tổ chức thông báo, hướng dẫn 382 phương tiện về nơi neo đậu; chủ động kế hoạch hạ thấp mực nước đệm tránh xảy ra ngập úng diện tích lúa mùa, chủ động khơi thông hệ thống thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước. Huyện Vĩnh Bảo đã hoành triệt 11 cống xung yếu, chuẩn bị đất dự phòng xử lý sự cố đê. Các địa phương khác cũng đã thông báo cho người dân bảo vệ các đầm nuôi trồng thuỷ sản, kế hoạch thoát nước để bảo vệ lúa mùa… Các ngành chức năng đều triển khai các phương án chỉ đạo của UBND thành phố về chuẩn bị phương tiện, lực lượng, lương thực để ứng phó với bão số 5.

* Tại cuộc họp khẩn cấp đối phó với bão số 5 chiều 29/9, ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách các chủ tàu thuyền và nghiêm cấm việc ra khơi từ chiều nay và chủ động bố trí, sắp xếp neo đậu tàu thuyền ở nơi an toàn. Tỉnh chỉ đạo các địa phương ven biển phải hoàn thành việc kiểm tra, rà soát cụ thể các hộ nuôi ngao ngoài bãi biển và các hộ đang sinh sống ngoài đê, tổ chức di dời toàn bộ số dân này vào trong đê chính, kiên quyết không để người ở lại các đầm nuôi trồng thủy, hải sản và các chòi nuôi ngao trên biển vào trước 11 trưa mai (30/9). Đặc biệt, tỉnh lưu ý các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý ngay một số đoạn đê kè bị sạt lở, hư hỏng do đợt mưa lớn vừa qua; thực hiện việc hoành triệt các cống Thịnh Quang, cắm cừ dự phòng cống Chỉ Bồ (đê biển số 8) …hoàn thành trước khi bão vào. Các lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng tỉnh chủ động các phương án phối hợp với các huyện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, xử lý ứng cứu kịp thời các tình huống xảy ra. Hiện nay toàn tỉnh mới thu hoạch được hơn 2.200 ha lúa mùa, hiện còn khoảng 80.000 ha lúa mùa chưa gặt được và 4.700 ha cây vụ đông mới gieo trồng bão vào sẽ gây thiệt hại lớn.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, thì từ sáng mai (30/9) vùng ven biển Thái Bình có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 và chiều tối mai bão số 5 có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào Thái Bình với gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13 và sẽ gây mưa to đến rất to do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh cùng với thời điểm thủy triều dâng, nước biển dâng cao 1- 2 mét.

Đến 11 giờ trưa 29/9 , các đồn Biên phòng ở Thái Bình đã liên lạc được với toàn bộ 1.323 tàu thuyền trong tỉnh. Trong đó số tàu đang neo đậu tại các bến trong tỉnh là 1.001 tàu, 1 tàu neo đậu ở Quảng Ninh với 3 lao động; có 321 tàu thuyền với 1.229 lao động đang hoạt động trên biển, nhưng chủ yếu hoạt động ven biển Thái Bình (đi về trong ngày), hiện chỉ còn 30 tàu với 211 lao động hoạt động tại khu vực Cát Bà (Hải Phòng) và Quảng Ninh.

Ngay sau cuộc họp chiều nay, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai, đối phó với bão số 5 tại 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải.

* Tại Nam Định, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã có công điện chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh khẩn trương triển khai toàn diện công tác phòng chống bão.

Báo cáo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cho biết, thực hiện sự chỉ đạo và các công điện của UBND tỉnh, các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi trong tỉnh đã tiến hành tiêu rút nước đệm theo quy trình từ ngày 26/9. Đến 14h ngày 29/9, tại các trọng điểm chống lụt bão và các khu vực đê điều xung yếu tại 3 huyện ven biển của tỉnh là Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thuỷ, đã dự trữ trên 15.500 m3 đá hộc, trên 3.000 rọ thép, trên 23.000 bao tải, trên 80.000 m2 vài chống tràn…

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sinh, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nam Định, đến 6h ngày 29/9, có khoảng 1.200 người lao động tại các khu vực đầm bãi ven biển. BĐBP tỉnh đã vận động số lao động này vào bờ từ 14h ngày 29/9. Đến 14h ngày 29/9, lực lượng BĐBP tỉnh đã thông báo diễn biến con bão số 5 cho tất cả 2.373 tàu thuyền, trong đó có 2.077 chiếc đang neo đậu tại các bến, bãi ngang; 283 tàu thuyền với 650 ngư dân hoạt động ở khu vực đầm bãi gần bờ đi về trong ngày; 13 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 78 ngư dân đang neo đậu tại các tỉnh Nghệ An (5 tàu/30 ngư dân), Hà Tĩnh (4 tàu/24 ngư dân), Quảng Bình (3 tàu/18 ngư dân) và Bà Rịa-Vũng Tàu (1 tàu/6 ngư dân). Dự kiến, đến 18h, toàn bộ số phương tiện và ngư dân đắt bắt gần bờ sẽ quay về bờ trú tránh bão. Từ 21h ngày 29/9, các lực lượng chức năng của tỉnh sẽ thực hiện lệnh cấm biển, kiên quyết không cho các tàu thuyền của ngư dân ra khơi.

BĐBP tỉnh đã chuẩn bị lực lượng cơ động phòng chống con bão số 5 với 100 người trực chiến tại trụ sở cơ quan; huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của 5 đồn biên phòng và Hải đội 2; chuẩn bị sẵn 9 xe ô tô, 3 tàu, 2 xuồng cao tốc, 5 ca nô cùng một lượng lớn phao cứu sinh, áo phao, pháo hiệu… sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Ngày 29/9, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã cử 3 đoàn công tác về nắm tình hình phòng chống lụt bão tại 3 huyện ven biển của tỉnh. Dự kiến, ngày 30/9, BĐBP tỉnh sẽ cử tiếp 3 đoàn công tác khác về trực tiếp chỉ đạo công tác PCLB tại các khu vực biên phòng, cử các tổ công tác với quân số 3-5 người về phối hợp với lực lượng của các xã ven biển tham gia bảo vệ an ninh trật tự, tài sản của ngư dân tại các khu vực đầm, bãi bồi.

* Ở Ninh Bình, từ chiều 29/9 đã xuất hiện gió mạnh kèm theo mưa. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn, ngăn không cho tàu thuyền và các phương tiện ra khơi; gia cố lồng bè, ao nuôi để bảo vệ diện tích thuỷ sản; khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín; rà soát các tuyến đê xung yếu và các công trình đang thi công, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ, bố trí trực ban 24/24 giờ…

Tính đến 15 giờ ngày 29/9, Bộ đội biên phòng Ninh Bình và huyện Kim Sơn đã kêu gọi được 100 phương tiện với 200 thuyền viên vào nơi tránh, trú bão an toàn, ngăn không cho 35 phương tiện/ 70 thuyền viên ra khơi. Hiện đang triển khai phương án di dời 1.168 lều, chòi với tổng số hơn 2.300 lao động nuôi trồng thuỷ sản ngoài khu vực đê biển (từ đê Bình Minh II đến khu vực bãi bồi) vào nơi an toàn.

Toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 1.000 ha trong số gần 5.000 ha lúa chín có thể thu hoạch. Địa phương cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vận hành hệ thống trạm bơm, mở cống để tiêu thoát nước đệm; kêu gọi nhân dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ứng phó với những diễn biến bất thường do bão, lũ gây ra…

* Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Hà Nam đã có công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, không để tình trạng lúa bị đổ ngập do mưa úng. Ban Chỉ huy PCLB các huyện, thành phố tăng cường lực lượng kiểm tra, canh gác hệ thống đê kè, cống và các công trình đang thi công, sớm phát hiện các sự cố do mưa, lũ gây ra để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt là các đoạn đê, kè, cống xung yếu, các trọng điểm PCLB năm 2011, các vị trí đã có sự cố xảy ra. Đồng thời, kiểm tra, nạo vét hệ thống cống tiêu, thoát nước trong các khu dân cư và hệ thống kênh mương trên các cánh đồng. Ngoài ra, cần phải tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, bão và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCLB – TKCN của tỉnh để kịp thời chỉ đạo, xử lý mọi tình huống. Đặc biệt, các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, lương thực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu các công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi trong tỉnh có kế hoạch chủ động bơm tiêu chống úng, ngập cho diện tích lúa Mùa và rau màu, chống tràn cho diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Công ty Điện Lực Hà Nam phải đảm bảo việc cung cấp điện phục vụ cho công tác bơm tiêu úng.

* UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các địa phương khẩn trương đôn đốc nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, chủ động tháo nước tiêu tự chảy, vận hành các trạm bơm tiêu nước đệm trong đồng. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các công trình đê kè, cống, hồ, có phương án đảm bảo an toàn công trình khi mưa lớn xảy ra. Các đơn vị quản lý hồ, đơn vị đang thi công công trình phải cử cán bộ thường trực 24/24 giờ tại hiện trường để ứng phó kịp thời. Các cấp chính quyền nắm chắc các vùng trọng điểm, các vùng trũng, thấp, ven sông, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất có hướng di dời dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho dân; đồng thời chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, trang thiết bị phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” …

* Ông Lưu Minh Hải, phó Giám đốc Trung tâm khí tượng Lào Cai cho biết: Dự báo đêm 30/9, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Lào Cai, gây mưa vừa, mưa to, kèm theo giông trên khắp địa bàn. Vùng núi gió đông nam cấp 2 – 3, vùng cao gió đông bắc cấp 3, lượng mưa phổ biến các khu vực khoảng 50mm, vùng cao lượng mưa sẽ cao hơn, trời trở lạnh. Không khí lạnh về đẩy không khí nóng thẳng lên cao sinh mây giông phát triển mạnh, thời tiết rất khó lường, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh, sét đánh trong cơn giông sẽ xảy ra. Nền nhiệt độ giảm thấp vùng thấp chỉ còn 19 -10 độ C, vùng cao 14 – 16 độ C, huyện Sa Pa thấp nhất chỉ còn trên dưới 10 độ C.

Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban PCLB tỉnh Lào Cai cho biết: Mặc dù, mùa mưa bão năm nay không khốc liệt như những năm qua, nhưng cứ có mưa lớn là các huyện, xa vùng cao lại xảy ra hiện tượng sạt đất, vùi lấp nhà cửa, hoa màu và tính mạng con người. Tỉnh đã chỉ đạo đến các địa phương nghiêm chỉnh đề phòng. Các điểm thường xuyên bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở phải cảnh giác với mưa lớn cục bộ sinh lũ quét tại những nơi lòng chảo, trượt lở đất đá bất ngờ. Những hộ dân còn nằm trong vùng nguy hiểm khi có mưa lớn, phải di dời ngay lập tức đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị che chắn chuồng trại những nơi có nền nhiệt bị hạ thấp, chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc. Nhằm giảm mức tối thiểu thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra.

* Để đối phó với cơn bão số 5, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các ban, ngành chức năng và các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư sống ven sông, ven suối, vùng thấp, trũng, khu vực có nguy cơ bị sạt lở; có kế hoạch di dân ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở để đảm bảo an toàn cho ng­ười và tài sản; hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ chia cắt do mưa lũ, ngập lụt dự trữ lương thực, thuốc men, các nhu yếu phẩm thiết yếu… theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn cần kiểm tra các tuyến đư­ờng xung yếu có nguy cơ sạt lở, cử ng­ười canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các vị trí ngầm giao thông khi có mư­a lũ; sẵn sàng các ph­ương án ứng cứu để đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Tăng c­ường công tác tuần tra kiểm tra các hồ chứa nư­ớc, các tuyến đê trên địa bàn; Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phư­ơng tiện, vật t­ư theo ph­ương án đã lập để ứng cứu khi có sự cố. Thông báo cho các chủ công trình đang thi công, đặc biệt là công trình hồ Vưng, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, công trình ven sông, suối, các công trình khai khoáng, hầm mỏ để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.

* Trước thông tin dự báo thời tiết khu vực Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nhiều khả năng sẽ có mưa to trong những ngày tới, nông dân các huyện ngoại thành Thủ đô tăng cường thăm đồng, kiểm tra các trà lúa và thu hoạch nhanh, gọn, kịp thời các trà lúa mùa sớm đã chín.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Hơn 9.000 ha lúa mùa của huyện hầu hết mới bắt đầu chín. Riêng một số diện tích trà lúa sớm đã chín rộ đang được nông dân thu hoạch nhanh, gọn. Ngoài lúa mùa, hơn 2.000 ha rau màu của huyện Chương Mỹ cũng đang được bà con nông dân thu hái khẩn trương, nhất là các loại rau ăn lá, đề phòng mưa to xảy ra. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội: Các công ty thuỷ lợi, hạt quản lý đê và chính quyền các địa phương trên địa bàn Hà Nội đang tăng cường việc kiểm tra các hồ đập, trạm bơm tiêu, hệ thống đê điều. Hơn 2000 máy bơm tại các trạm bơm khu vực ngoại thành đều trong trạng thái sẵn sàng hoạt động để bơm tiêu thoát nước, chống úng cho lúa, hoa màu và hỗ trợ tiêu nước cho khu vực nội thành nếu xảy ra mưa lớn trong những ngày tới.

* Ngày 29/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tốt công tác phòng chống bão số 5.Theo đó, các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị trực thuộc Sở phải theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến của cơn bão trên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp phòng chống và ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do bão gây nên. Phân công lực lượng tự vệ trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị, nhân lực tại chỗ để phòng chống bão, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ đề phòng kẻ gian lợi dụng mưa bão trộm cắp tài sản của nhà trường. Sở Giáo duc và Đào tạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát kho tàng, phòng học, phòng thư viện, phòng thiết bị để có biện pháp phòng chống kịp thời, đối phó với cơn bão khi đổ bộ vào đất liền, giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả (hư hỏng, mất mát nhà cửa, tài sản, sách, thiết bị dạy học…) do bão gây ra; khi có sự cố xảy ra, các cơ quan, nhà trường báo cáo kịp thời về Sở và Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của địa phương để xin ý kiến chỉ đạo./.

Theo Dangcongsan.vn