Lạng Sơn sau 5 năm thực hiện dự án "Tăng cường năng lực dạy nghề"
05/10/2011 10:05
Phát huy những kết quả trong giai đoạn 2006-2010, năm 2011 và những năm tiếp theo, tỉnh ta tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, các huyện, thành phố đối với công tác dạy nghề cho LĐNT. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho dạy nghề để tiếp tục đầu tư mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo nghề, nhất là nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên kiêm chức.
LSO-Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục – đào tạo đến năm 2010”. Sau 5 năm thực hiện, từ năm 2006-2010 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
![]() |
Tập huấn nâng cao năng lực dạy nghề cho giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh |
Ngay sau khi có quyết định của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách từ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã giao Sở LĐTB&XH làm chủ đầu tư thực hiện các nội dung của dự án đối với phần phân bổ cho Trung tâm dạy nghề; Trường Trung cấp nghề Việt Đức làm chủ đầu tư đối với phần kinh phí phân bổ cho trường.
Trên thực tế, 5 năm qua, dự án đã tập trung đầu tư mua sắm các thiết bị dạy nghề đảm bảo tính cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của quá trình dạy và học nghề. Đối với chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được biên soạn trước năm 2006, một số nội dung không còn phù hợp, không đáp ứng được theo yêu cầu thực tế hiện nay ở nông thôn, do vậy năm 2008, Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo tổ chức biên soạn 28 bộ chương trình, giáo trình gồm các nhóm nghề lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy… để các cơ sở dạy nghề sử dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở LĐTB&XH tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên của tỉnh, nhờ vậy mà chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, đến nay đã có 90% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn.
Thực hiện dạy nghề cho đối tượng đặc thù, giai đoạn 2006-2010, kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 9.385 triệu đồng, kinh phí địa phương hỗ trợ 4.392 triệu đồng. Với chính sách của tỉnh thực hiện lồng ghép kinh phí dự án dạy nghề cho người nghèo với kinh phí dạy nghề cho LĐNT, hỗ trợ kinh phí cho học viên học nghề, kết quả đã thu hút 25.342 LĐNT tham gia học nghề.
Chủ yếu các lớp dạy nghề ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng, đối tượng là LĐNT người dân tộc thiểu số và người tàn tật trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên. Các lớp học tập trung đào tạo một số nghề như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, sửa chữa vận hành máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng, tin học… Sau khi học xong, người học được cấp chứng nhận học nghề và phần lớn họ đã tự tổ chức được quá trình sản xuất, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Từ đó làm thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất của LĐNT.
Đối với dạy nghề cho người tàn tật, tỉnh ta rất khó thực hiện do chưa có cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật. Mặt khác, đối tượng người tàn tật có trình độ văn hóa thấp, nhiều người thậm chí không biết chữ. Họ lại sống rải rác ở các huyện, thành phố nên việc tập trung để mở lớp dạy nghề cho đối tượng này rất khó khăn, trong khi đó kinh phí hỗ trợ dạy nghề thấp.
Đánh giá về hiệu quả dự án, bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH khẳng định rằng, các nội dung của dự án do sở phụ trách thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 đạt hiệu quả tương đối tốt. Trước năm 2006, toàn tỉnh chỉ có 6 cơ sở đào tạo nghề, quy mô nhỏ bé, cơ sở trang thiết bị lạc hậu, công tác đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt thấp, năm 2005 tỷ lệ là 22,32%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 16,37%.
Qua 5 năm thực hiện dự án, hiện nay toàn tỉnh có 16 cơ sở đào tạo nghề, bình quân mỗi năm đào tạo trên 6.000 lao động là nông dân, đưa tỷ lệ qua đào tạo nghề từ 16,37% năm 2005 lên 25% năm 2010. Đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; đào tạo theo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của từng huyện, từng xã đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề cho LĐNT. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, đời sống người dân nông thôn được cải thiện từng bước, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Phát huy những kết quả trong giai đoạn 2006-2010, năm 2011 và những năm tiếp theo, tỉnh ta tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, các huyện, thành phố đối với công tác dạy nghề cho LĐNT. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho dạy nghề để tiếp tục đầu tư mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo nghề, nhất là nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên kiêm chức.
Đặc biệt mở rộng, đa dạng các hình thức dạy nghề, phát triển ngành nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; khuyến khích các đơn vị có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho LĐNT, đồng thời thí điểm việc liên kết đào tạo để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp.
Thanh Huyền