Các tỉnh miền trung và Nam Bộ tích cực khắc phục hậu quả thiên tai
07/10/2011 08:38
![]() |
* Miền bắc có mưa trên diện rộng
* Lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức cao đến giữa tháng 10
* Nhiều địa phương bị sạt lở đất nghiêm trọng
* Lực lượng vũ trang Quảng Trị giúp nhân dân thu hoạch hơn 365 ha lúa
Hôm qua 6-10, các tỉnh miền bắc chịu ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lạnh lục địa nên có mưa rải rác, nền nhiệt độ giảm xuống khá mạnh, có nơi từ 15 – 17 độ C.
Riêng khu vực các tỉnh thuộc Bắc và Trung Trung Bộ vẫn chịu ảnh hưởng của tàn dư vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 6 nên có mưa vừa, có nơi có dông. Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ với hoạt động của đới gió tây nam có cường độ trung bình nên chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác.
Do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua, tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra hiện tượng sụt, lún đất ảnh hưởng đến hơn 80 hộ dân đang sinh sống. Tại khu dân cư số 3 và Trường mầm non Ninh Dân đã xuất hiện nhiều hố sụt rộng 6-8 m, sâu gần 5m. Còn dọc theo bờ sông Thao thuộc địa bàn xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa đang bị sạt lở đất nghiêm trọng. Hiện tỉnh đã kiểm tra, đề ra các giải pháp khắc phục và di dời dân đến nơi ở mới an toàn.
Ngày 5-10, Cảng vụ Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã giải cứu thành công tàu cá ĐN 90358 bị nạn trên biển. Tám thuyền viên được giải cứu đều trong tình trạng sức khỏe tốt. Tỉnh Quảng Bình đã xả lũ sớm tại năm hồ chứa có dung tích lớn và tràn sâu trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có hơn 125 hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ với tổng dung tích hơn 500 triệu mét khối. Đây là một hệ thống công trình thủy lợi hết sức quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước tưới, nước sinh hoạt phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân. Đồng thời, điều tiết nguồn nước, giảm lũ cho vùng hạ du.
Tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), mưa lớn kéo dài những ngày qua đã làm sạt lở đất nghiêm trọng trên tuyến đường từ huyện Bắc Trà My đi huyện Nam Trà My. Tại xã Trà Mai hiện có một quả đồi đang sạt lở và chỉ còn cách nhà dân 3-5 m, 12 hộ dân tại thôn 2 có nguy cơ bị núi lở vào nhà. Huyện đã triển khai phương án di dời dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lở núi; điều động phương tiện tập trung giải phóng quả đồi sạt lở.
Hiện nay, tình trạng biển xâm thực diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Việc biển xâm thực không chỉ phá hủy nhà cửa, mà còn đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân sống trong khu vực này. Tại xóm Cồn Đâu thuộc thôn Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương), do ảnh hưởng của mưa bão, bờ biển đã bị sạt lở nghiêm trọng. Tại xã Hải Dương, biển xâm thực với chiều dài gần 300 m, rộng hơn 15 m.
Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống chậm, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đang biến đổi chậm. Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lũ đang lên nhanh; mực nước lúc 7 giờ ngày 6-10 là 2,54m, trên báo động (BĐ)3: 0,14m. Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng đồng ĐTM và TGLX sẽ lên chậm và tiếp tục duy trì ở mức cao. Đến ngày 10-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu sẽ ở mức 4,75m (trên BĐ3: 0,25m), tại Châu Đốc ở mức 4,25m (trên BĐ3: 0,25m), tại các trạm chính vùng ĐTM và TGLX ở mức BĐ3, có nơi trên BĐ3 từ 0,2 đến 0,4m. Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên nhanh và đến ngày 10-10 ở mức 2,8m, trên BĐ3 là 0,4m. Lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn tiếp tục duy trì trên BĐ3 từ 0,1đến 0,2m đến giữa tháng 10.
Tại tỉnh An Giang nước lũ đã làm sạt lở 22.743 m2 đất bờ sông; các tuyến giao thông nội tỉnh ngập sâu từ 0,3 m đến 1,5 m, khiến toàn tỉnh có 54 điểm trường với 6.554 học sinh phải đi học bằng xuồng, ghe; 1.364 học sinh phải tạm nghỉ học, 662 ao cá bị ngập… Công ty Đạm Phú Mỹ vừa hỗ trợ tỉnh 10 nghìn vỏ bao tải để gia cố đê và phối hợp các doanh nghiệp cứu trợ lương thực cho người dân bị ảnh hưởng ổn định đời sống.
Tỉnh Kiên Giang, nước lũ đang lên nhanh, có nơi lên cao 2,4 m đã nhấn chìm hàng trăm ha lúa thu đông, hoa màu, không thể cứu được. Ước tổng thiệt hại cho đến thời điểm này ở các huyện vùng TGLX là gần 100 tỷ đồng. Đến sáng ngày 6-10, trên địa bàn hai huyện Giang Thành và Hòn Đất (Kiên Giang) đã có năm người chết vì lũ, gần 1.000 căn nhà, hơn 50 km đường nông thôn bị ngập nước, gần 100 ha lúa, hơn 350 ha hoa màu bị mất trắng, nhiều điểm trường phải tạm đóng cửa. Tại huyện Giang Thành, thiệt hại do mưa lũ gây ra gần 31,3 tỷ đồng.
Đến nay, nước lũ đã nhấn chìm trên 1.600 ha lúa thu đông của huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Toàn tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ hơn 7.000 ha lúa còn lại. Về cơ sở hạ tầng, có hơn 14 km đường giao thông nông thôn bị ngập, hơn 81 km đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị sạt lở, 2.200 căn nhà bị ngập, trong đó huyện đã tổ chức di dời 668 căn. Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 80 tỷ đồng.
Hơn một tuần qua, dịch rầy nâu bùng phát mạnh, gây hại hơn 1.000 ha lúa tại các huyện Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Thắng và TP Lào Cai của tỉnh Lào Cai. Trong đó, có khoảng 50 ha bị nặng, mật độ bình quân từ 3.000 đến 4.000 con/m2. Chính quyền các địa phương có lúa bị rầy phá hoại đang tăng cường bám sát đồng ruộng, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng trừ, không để dịch rầy lan ra diện rộng.
* Trước tình hình mưa lũ kéo dài, gây khó khăn đối với thu hoạch lúa vụ hè – thu ở tỉnh Quảng Trị, gần một tuần nay, hơn 1.230 cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, Công an, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Sư đoàn 968, Ban CHQS các huyện, thành phố đã về các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Đông Hà giúp dân gặt lúa bị ngập trong nước lũ. Đến nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã đóng góp hơn 7.380 ngày công giúp bà con thu hoạch hơn 365 ha lúa.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão T.Ư, đến ngày 7-10, đã có 18 người chết vì lũ tại đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Đồng Tháp có sáu người, Cần Thơ năm người, An Giang bốn người và Long An ba người. Lũ lớn cũng nhấn chìm 30.591 nhà, 6.073 ha lúa vụ 3 của người dân bị ngập và thiệt hại hoàn toàn, 1.400 ha hoa màu và 1.352 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. |