Dạy nghề cho lao động nông thôn: Ghi nhận ở Bình Gia
11/10/2011 09:10
LSO-Bình Gia có trên 52 ngàn người, trong đó số dân trong độ tuổi lao động theo quy định là trên 29 ngàn người, chiếm 55,92% so với tổng dân số. Hiện nay, số lao động trên địa bàn chủ yếu tập trung ở ngành nông – lâm nghiệp, chiếm khoảng 52%; hai ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ chiếm khoảng 30%. Theo đánh giá, tổng số lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương hiện nay cao nhất tỉnh, chiếm 61,31%.Nông dân huyện Bình Gia mua phân bón phục vụ sản xuấtVới thực trạng này, trong những năm qua, Bình Gia đã củng cố và phát triển công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Trong giai đoạn 2006-2010, Phòng LĐTB&XH huyện Bình Gia đã phối hợp với các đoàn thể, các trường nghề trong tỉnh tổ chức được 54 lớp dạy nghề cho 1.507 LĐNT tham gia học nghề. Các nghề đào tạo tập trung vào một số nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp (19 lớp); nghề...
LSO-Bình Gia có trên 52 ngàn người, trong đó số dân trong độ tuổi lao động theo quy định là trên 29 ngàn người, chiếm 55,92% so với tổng dân số. Hiện nay, số lao động trên địa bàn chủ yếu tập trung ở ngành nông – lâm nghiệp, chiếm khoảng 52%; hai ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ chiếm khoảng 30%. Theo đánh giá, tổng số lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương hiện nay cao nhất tỉnh, chiếm 61,31%.
![]() |
Nông dân huyện Bình Gia mua phân bón phục vụ sản xuất
|
Với thực trạng này, trong những năm qua, Bình Gia đã củng cố và phát triển công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Trong giai đoạn 2006-2010, Phòng LĐTB&XH huyện Bình Gia đã phối hợp với các đoàn thể, các trường nghề trong tỉnh tổ chức được 54 lớp dạy nghề cho 1.507 LĐNT tham gia học nghề. Các nghề đào tạo tập trung vào một số nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp (19 lớp); nghề nông nghiệp quản lý kinh tế hộ gia đình (19 lớp); kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi (7 lớp); sửa chữa xe máy (4 lớp) và một số nghề khác như điện dân dụng, cắt may dân dụng, phổ cập tin học…
Để có những kết quả như vậy là sự nỗ lực, chủ động trong công tác phối hợp của các xã, thị trấn đối với dạy nghề, hướng nghiệp cho LĐNT. Những năm qua, các xã, thị trấn đã chủ động tuyên truyền và tổng hợp danh sách các học viên có nhu cầu học, bố trí lớp học và các phương tiện phục vụ cho công tác giảng dạy. Phần lớn các học viên đăng ký học có ý thức cao trong học tập, họ thấy được tầm quan trọng của việc học nghề là gắn với việc làm và cuộc sống kinh tế của bản thân.
Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, huyện Bình Gia đã thành lập Trung tâm dạy nghề của huyện. Hiện nay, trụ sở của trung tâm đang được đầu tư xây dựng. Vào cuối tháng 9/2011 mới đây, lãnh đạo trung tâm đã chỉ đạo thực hiện vận chuyển một số thiết bị vào lắp đặt. Ông Bạch Ngọc Tĩnh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Bình Gia chia sẻ: trụ sở đang xây dựng có diện tích 3.200 m2, 2 tầng với 8 phòng học và các nhà thực hành, nhà xưởng, nhà điều hành tổng thiết bị được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.
Sau khi trung tâm xây dựng xong, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của LĐNT, liên kết đào tạo, đáp ứng một số nghề như nghề gò, hàn, sửa chữa máy nông nghiệp… Từ đầu năm 2011, trung tâm đã tuyển thêm 1 kỹ sư nông nghiệp, 1 hợp đồng bảo vệ, hiện nay trung tâm có 6 cán bộ lãnh đạo, nhân viên. Do trụ sở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nên hiện tại trung tâm nhờ địa điểm của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trung tâm đã nỗ lực phối hợp với các ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chính sách học nghề theo đề án 1956.
Tính hết tháng 9/2011, trung tâm đã mở được 4 lớp nghề cho 132 học viên. Trong đó phối hợp với Hội LHPN huyện mở 1 lớp chăn nuôi lợn ở xã Minh Khai, 1 lớp trồng cây lâm nghiệp ở xã Mông Ân, 2 lớp sửa chữa máy nông nghiệp và sửa chữa xe máy ở xã Thiện Long. Hiện nay, trung tâm đang hoàn thiện hồ sơ mở 2 lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Hòa Bình và xã Hoàng Văn Thụ; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ học nghề của 7 lớp tại các xã Quang Trung, Bình La, Hoa Thám, Yên Lỗ, đề nghị Sở LĐTB&XH duyệt cho mở lớp với tổng số học viên 224 người.
Những nỗ lực trên cho thấy, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về dạy nghề cho LĐNT đã được Bình Gia triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tích cực. Qua các lớp nghề trên, LĐNT đã từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như làm chủ máy móc, nông cụ phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Thanh Huyền