Các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên chủ động đối phó áp thấp nhiệt đới
12/10/2011 09:43
![]() |
* Mực nước nhiều hồ chứa tại miền trung vượt thiết kế
* Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long
* TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 6,7 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ
Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư cho biết, cách bờ biển các tỉnh Đà Nẵng – Quảng Ngãi xuất hiện áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào vùng biển nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 12-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình khoảng 160 km về phía đông đông bắc.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới với nhiễu động gió đông trên cao, ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.
Ngày 11-10, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN đã có công điện số 38/CĐ-T.Ư đề nghị Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Phú Yên và các bộ, ngành liên quan chủ động triển khai các biện pháp đối phó diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Theo đó, Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố chủ động cấm biển, hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi neo đậu bảo đảm an toàn; Chỉ đạo sẵn sàng triển khai phương án đối phó các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, kho tàng và các công trình đang thi công.
Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến mực nước một số hồ chứa tại khu vực miền trung đạt và vượt dung tích thiết kế. Tại tỉnh Thanh Hóa, hồ Sông Mực đạt 105%; tỉnh Nghệ An có hồ Vệ Vừng 107%, Khe Đá 106%, Xuân Dương 101%; tỉnh Thừa Thiên – Huế có hồ Hòa Mỹ 106%; tỉnh Quảng Nam có hồ Khe Tân 104%, Thạch Bàn 108%… Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu các tỉnh chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ đê, đập; nghiêm túc thực hiện quy định cơ chế vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn cho hạ du. Tại Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của vùng áp thấp, trong hai ngày 10 và 11-10, có mưa vừa, có nơi mưa rất to. Nước trên các sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu đang dâng cao, có nơi trên báo động ba. Nhiều tuyến đường như Đống Đa, Hùng Vương, Trần Quang Khải, Nguyễn Tri Phương… (TP Huế) nước ngập cục bộ từ 0,3 – 0,5m, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông và đi lại của nhân dân. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Ninh Thuận, mưa lớn kéo dài từ ngày 8-10 đến 18 giờ ngày 11-10 trên địa bàn tỉnh, làm mực nước ở các sông, suối dâng cao và xuất hiện lũ ở một số địa phương, đã cuốn trôi hai người dân: Pi Năng Thành (SN 1948), ở thôn Suối Rua Cao, xã Phước Tiến, huyện Bác Ái trên đường đi làm rẫy về qua suối bị nước lũ cuốn; cháu Bo Xuân Khiết, ba tuổi được mẹ là Bo Bo Thị Nhúc, ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn bế lội qua suối, chị Thị Nhúc đã bị trượt chân làm cháu Khiết rơi xuống suối bị nước cuốn trôi. Hiện đã tìm được thi thể của hai nạn nhân.
Mưa lũ cũng đã làm gây ngập gần 160 căn nhà; ngập hơn hai nghìn ha cây trồng các loại. Trên đèo Ngoạn Mục, nước đổ về làm trôi đất đá công trình thi công tuyến quốc lộ 27; ngập Nhà máy thủy điện Sông Pha, làm năm tổ máy phát điện ngừng hoạt động; gây sạt lở nhiều tuyến kênh, mương… Để khắc phục hậu quả lũ lụt, BCH phòng, chống lụt bão tỉnh Ninh Thuận đã cấp cho huyện Ninh Sơn 500 rọ thép để gia cố bờ sông Ông (khu vực sau cầu treo Xóm Mới). Hiện các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và thống kê thiệt hại để có biện pháp khắc phục.
Theo đánh giá của Trung tâm phòng, chống lụt bão khu vực miền nam, lũ trên thượng nguồn sông Mê Công đang xuống, các trạm vùng hạ lưu lên chậm. Dự báo, do kết hợp giữa lũ thượng nguồn và triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm trong vài ngày tới, đến ngày 13-10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,8 m (trên mức báo động 3 là 0,30 m), trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,25 m (trên mức báo động 3 là 0,25 m), thời gian duy trì mực nước trên báo động 3 sẽ còn kéo dài đến nửa cuối tháng 10-2011. Hiện Khu vực Tứ giác Long Xuyên, mực nước ít biến đổi, cao hơn báo động 3 từ 0,35 đến 0,45 m, vùng Đồng Tháp Mười nước tiếp tục lên, đến ngày 13-10 mực nước tại Mộc Hóa trên sông Vàm Cỏ Tây có khả năng lên mức 2,85 m (trên báo động 3 là 0,45 m). Tại khu vực hạ lưu, đỉnh triều cường xuất hiện trong các ngày 12 đến 14-10, mực nước tại Cần Thơ (sông Hậu) và Mỹ Thuận (sông Tiền) lên mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3.
Tại ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) vừa xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng với chiều dài đoạn sạt lở hơn 200 m, ăn sâu vào đất liền hơn 20 m, cắt đứt tuyến đường giao thông nối liền ba ấp Long Hòa, Long Hưng và Long Thạnh, khiến nước lũ tràn vào nhấn chìm hơn bốn ha hoa màu. Chính quyền địa phương huy động hơn 500 người dân xã Long Thuận tích cực dùng bao cát gia cố đoạn sạt lở.
Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP Hồ Chí Minh vừa có thư thăm hỏi, đồng thời gửi hỗ trợ khẩn cấp 6,7 tỷ đồng cho tám tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ tại đồng bằng sông Cửu Long và sáu tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 4, 5 và 6. Theo đó, tỉnh An Giang được hỗ trợ 1,2 tỷ đồng; Đồng Tháp 1 tỷ đồng; Kiên Giang và Quảng Bình mỗi tỉnh 500 triệu đồng; Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ mỗi tỉnh 400 triệu đồng; Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Lâm Đồng và Kon Tum mỗi tỉnh 300 triệu đồng.
Năm 2012, trình Chính phủ Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long Trước tình hình lũ tại ĐBSCL, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cập nhật diễn biến lũ năm 2011, hoàn thành Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để có giải pháp tổng thể, căn cơ về kiểm soát lũ cho toàn vùng, trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2012. |