Thứ sáu,  31/03/2023

Vận hành liên hồ chứa nước để tránh "lũ kép" ở miền trung

Xây dựng thân đập và ống dẫn nước thủy điện trên công trình Tả Trạch. Những năm gần đây, "phong trào" xây dựng nhà máy thủy điện ở miền trung diễn ra khá mạnh. Nhà máy nào cũng có hồ chứa với dung tích có hồ lên đến vài tỷ mét khối. Các hồ chứa trở thành những cái túi nước khổng lồ treo ở đầu nguồn. Vào mùa mưa lũ, các hệ thống thủy điện đồng loạt xả lũ, giảm tải công trình. Bởi thế, nguy cơ "lũ kép" là mối lo rất lớn đối với các khu dân cư ở vùng hạ du.Thực trạng và những cảnh báo Hiện nay, hệ thống các công trình thủy lợi với những hồ chứa lớn, nhỏ được bố trí dày đặc trên các con sông ở miền trung. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 10 hồ thủy lợi chứa nước, trong đó có các hồ lớn có dung tích hơn 10 triệu m3 như hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ, hồ A Lá... Ngoài ra, trên địa bàn còn có 5 công trình thủy điện chính đã và đang được triển khai là A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Alin B1...

Xây dựng thân đập và ống dẫn nước thủy điện trên công trình Tả Trạch.
Những năm gần đây, “phong trào” xây dựng nhà máy thủy điện ở miền trung diễn ra khá mạnh. Nhà máy nào cũng có hồ chứa với dung tích có hồ lên đến vài tỷ mét khối. Các hồ chứa trở thành những cái túi nước khổng lồ treo ở đầu nguồn. Vào mùa mưa lũ, các hệ thống thủy điện đồng loạt xả lũ, giảm tải công trình. Bởi thế, nguy cơ “lũ kép” là mối lo rất lớn đối với các khu dân cư ở vùng hạ du.

Thực trạng và những cảnh báo

Hiện nay, hệ thống các công trình thủy lợi với những hồ chứa lớn, nhỏ được bố trí dày đặc trên các con sông ở miền trung. Tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 10 hồ thủy lợi chứa nước, trong đó có các hồ lớn có dung tích hơn 10 triệu m3 như hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ, hồ A Lá… Ngoài ra, trên địa bàn còn có 5 công trình thủy điện chính đã và đang được triển khai là A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Alin B1 và Tả Trạch với tổng công suất 360 MW. Các nhà máy thủy điện đều có hồ chứa với dung tích hàng trăm triệu m3 và hệ thống đập để tích trữ, điều tiết nước hồ chứa. Ở Quảng Nam hiện có 43 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất gần 1.580 MW, điện lượng khoảng 6,254 tỷ kW giờ/năm. Đã có chín nhà máy hoạt động, công suất hơn 520 MW; 10 dự án đang xây dựng, với công suất 631MW. Chỉ trên sông Ba chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên có tới sáu hồ chứa, trong đó có một hồ thủy lợi là Ayun Hạ và 5 hồ thủy điện An Khê, Ka Nak, Krông H’Năng, Sông Hinh và Sông Ba Hạ.

Theo các luận chứng kinh tế, ngoài việc cung cấp điện năng, dự án thủy điện nào cũng đề cập tới khả năng điều tiết, cắt giảm lũ vùng hạ du, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực. Thế nhưng, trên thực tế sau khi xây dựng, nhiều công trình thủy điện không hề có chức năng cắt giảm lũ, thậm chí có công trình còn gây lũ kép tác hại vùng hạ du.

Cụ thể như thủy điện Sông Ba Hạ nằm ở bậc thang cuối cùng trên sông Ba, là một trong những thủy điện lớn nhất ở miền trung được quy hoạch trên địa bàn 15 xã miền núi thuộc huyện Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Pa (Gia Lai). Tuy nhiên, khi đi vào vận hành, do dung tích hồ chứa quá nhỏ, nên thủy điện Sông Ba Hạ không thể cắt lũ, lưu lượng nước về hồ vào mùa mưa trung bình 1.000 m3/s, do đó vào mùa mưa thủy điện phải xả lũ nhiều. Chỉ tính từ tháng 7 đến tháng 10-2011 thủy điện Sông Ba Hạ đã thực hiện bốn đợt xả lũ. Trong các ngày 9, 10, 11-10 xả lũ với lưu lượng 900 m3/s.

Tại Quảng Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Quang cho biết: Tuy mới có ba nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, nhưng bước đầu đã làm thay đổi dòng chảy, gây ảnh hưởng hệ sinh thái và mực nước các con sông ở vùng hạ lưu. Đặc điểm của các con sông ở miền trung vừa hẹp, vừa dốc, mùa mưa lũ nước chảy siết nên sức tàn phá rất mạnh. Thêm vào đó, khi các hồ, đập thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ cả vùng hạ du gánh đủ. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Phú Yên, khi Thủy điện Sông Ba Hạ chưa hoạt động, lượng mưa cao nhất trong năm 2008 lên tới 1.763,9 mm, nhưng đỉnh lũ trên sông Ba tại trạm Củng Sơn, huyện Sơn Hòa chỉ đạt mức 34,06 m, trên mức báo động 3: 0,56 m; khi xuống đến hạ lưu ở trạm Phú Lâm, TP Tuy Hòa là 3,65 m, trên báo động 3: 0,45 m. Sau khi Thủy điện Sông Ba Hạ hoạt động, lượng mưa trong năm 2009 chỉ đến 886 mm, nhưng đỉnh lũ ở trạm Củng Sơn tăng vọt lên tới 37,65 m, trên mức báo động 3: 0,45 m; khi xuống đến hạ lưu ở trạm Phú Lâm, TP Tuy Hòa là 4,65 m, trên mức báo động 3: 1,45 m.

Giảm lũ bằng vận hành liên hồ

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh Quảng Nam Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 73 hồ chứa thủy lợi, nhưng hầu hết là hồ có dung tích nhỏ, không có chức năng điều tiết lũ; chỉ có hồ Phú Ninh tham gia điều tiết lũ cho vùng hạ du. Những năm gần đây, công trình thủy lợi Phú Ninh luôn được đầu tư kiên cố và thực hiện việc xả lũ hợp lý, nên đã góp phần điều tiết, ngăn lũ, giảm thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Theo ông Tuấn, vấn đề mà các cấp chính quyền và người dân lo nhất khi mùa mưa lũ về là chuyện xả lũ của các công trình thủy điện. Sau khi có Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 13-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ, các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm việc với chủ đầu tư các dự án thủy điện. Đến nay, các nhà máy: Thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 đã ký cam kết quy chế phối hợp với Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Công thương Phú Yên Đào Tấn Cam cho biết, ngoài việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa, tỉnh Phú Yên chỉ đạo cho các nhà máy xây dựng và triển khai phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du do xả lũ hồ chứa hay sự cố đập thủy điện. Trong đó có việc xây dựng bản đồ ngập lụt cho Phú Yên, lắp đặt thử nghiệm 5 trạm cảnh báo xả lũ trên sông Ba. Tại mỗi trạm được lắp đặt một bộ cảm ứng kích hoạt tự động, gắn với một loa công suất lớn, kết nối với Thủy điện Sông Ba Hạ. Trước và trong quá trình xả lũ, hệ thống này sẽ thông báo để chính quyền và nhân dân vùng hạ lưu biết, có phương án phòng tránh hiệu quả.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản yêu cầu các chủ đập thực hiện nghiêm việc thành lập ban chỉ huy PCLB tại chỗ; xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền địa phương; có phương án bảo vệ hồ chứa nước, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du trước khi xả lũ… Đối với các công trình thủy điện đang trong quá trình hoàn thành thì tăng cường kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm chất lượng; đồng thời tổ chức kiểm tra thường xuyên các công trình thủy điện đang vận hành và buộc phải tuân thủ các quy tắc bảo đảm an toàn. Các nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điền đã có phần mềm Dropbox theo dõi các thông số nhà máy, đập… thông qua mạng máy tính kịp thời giúp các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trong việc điều tiết nước mùa lũ. Nhà máy thủy điện Bình Điền đang triển khai lắp đặt hệ thống Scada giám sát, kiểm soát và thu thập dữ liệu phục vụ quản lý, vận hành đập.

Tuy nhiên, theo quy trình vận hành đã được phê duyệt thì phần dung tích dành cho đón lũ của các hồ thủy điện quá nhỏ, lại có thêm quy định “sau đỉnh lũ, phải đưa mực nước hồ về cao trình mực nước dâng bình thường”. Điều này làm cho quá trình vận hành xả lũ gặp không ít khó khăn khi có mưa lớn. Theo ý kiến của Nguyễn Minh Tuấn, trong lúc tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày và công tác dự báo chưa thật chính xác, thì quy định trên chưa thật hợp lý, nếu không được điều chỉnh kịp thời và vận hành linh hoạt dễ dẫn tình trạng: mưa lớn, mực nước ở vùng hạ du dâng cao, hồ không còn khả năng đón lũ, khi đó “lũ sẽ chồng lên lũ” là khó tránh khỏi. Để quy trình vận hành liên hồ chứa đạt hiệu quả cao, nhất thiết phải có một “nhạc trưởng” điều hành, giám sát việc thực hiện một cách bài bản, khoa học nhằm khắc phục tình trạng bất cập “quy trình liên hồ, nhưng lại do từng chủ hồ vận hành đơn lẻ”…

Để chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt ở miền trung, trong đó có công tác xả lũ từ các hồ thủy điện, trước mắt, đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy điện cần phải bám sát các bản tin dự báo thời tiết để xả lũ, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa, các cửa biển cần phải nạo vét thông thoáng để thoát lũ nhanh hơn. Ngoài việc rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế, hệ lụy từ hệ thống thủy điện vừa và nhỏ, cần phải dừng đầu tư xây dựng công trình thủy điện khi chưa thẩm định kỹ. Về lâu dài, cần phải khảo sát, quy hoạch và đầu tư trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, tạo “lá chắn” xanh để giảm thiểu lũ quét, lũ ống.

Cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với các chủ hồ, đập.

Theo Nhandan