Chuyện về một nữ liệt sĩ và ước mơ của người đang sống
04/12/2011 09:11
Bằng sự mưu trí và dũng cảm, một thiếu nữ đã cứu sống hơn 300 cán bộ, chiến sỹ của ta dưới một địa đạo khi bị địch phát hiện. Người thiếu nữ ấy đã hy sinh, nhưng câu chuyện cảm động về chị vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân thôn Bình Túy, xã vùng cát Bình Giang (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Chị là liệt sỹ Trương Thị Xáng.
Chuyện về một nữ anh hùng
“Đường cách mạng sáng tươi rực rõ!/Gương anh hùng chói lọi miền Nam…Chị ơi tuôn giọt máu hồng/Máu thù quyết trả non sông sử vàng….”. Đó là những câu thơ do một cán bộ văn hóa sáng tác từ năm 1965 về tấm gương người thiếu nữ anh hùng thôn Bình Túy, xã Bình Giang (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Cho đến nay, từng lời hào sảng của bài thơ vẫn nằm lòng nhiều người dân thôn Bình Túy.
Ông Nguyễn Văn Anh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: “Xã Bình Giang đã được Đảng và Nhà nước công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, xã có nhiều tấm gương anh hùng như: liệt sỹ Bùi Thị Huỳnh, liệt sỹ Phan Gia (Phan Giáo), liệt sỹ Võ Đông (Võ Tá), liệt sỹ Trương Thị Xáng…. Bài thơ trên là ca ngợi về chị Trương Thị Xáng – người thiếu nữ hy sinh lúc mới tròn 18 tuổi để cứu thoát cho hơn 300 cán bộ, chiến sỹ của ta trong một trận càn của địch”.
Ông Trần Hẵn – nguyên Tổ trưởng phụ trách công binh, du kích xã Bình Giang từ năm 1960- 1975, thương binh 2/4 và cũng là một trong những nhân chứng về sự hy sinh của chị Xáng cho biết: chị Xáng hy sinh lúc mới tròn 18 tuổi khi chưa có gia đình riêng. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng, cha và chú đi tập kết ngoài Bắc, mẹ và hai em trai còn nhỏ, một em đi bộ đội và hy sinh ngay khi mới nhập ngũ. Chị Xáng rất giác ngộ cách mạng và được huyện, xã giao nhiệm vụ cảnh giới địch từ năm 16 tuổi. Từ năm 1963 – 1965, chị Xáng là du kích mật, làm công tác binh – địch vận, nắm bắt tình hình diễn biến của địch để báo cáo cho tổ chức của ta.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Bình Giang, thời gian này, địch thường xuyên càn quét các xã vùng Đông của huyện Thăng Bình. Bình Giang là một trong những xã mà địch càn ác liệt nhất. Từ những trận càn, địch đã đàn áp hết sức dã man những ai theo cách mạng. Để đối phó với địch, nhân dân thôn Bình Túy đã sáng kiến đào một địa đạo bí mật trong lòng đất dài hơn 3km để làm nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ. Ngày 22/2/1965, địch dùng 3 tiểu đoàn chính quy và 1 tiểu đoàn địa phương quân mở trận càn quét mới đánh phá Bình Giang. Tại thôn Bình Túy, chúng đã phát hiện được miệng của địa đạo và ra sức tìm mọi cách để dụ dỗ cán bộ ta ra đầu hàng, đồng thời sử dụng xăng, khí độc đẩy xuống miệng địa đạo. Mặt khác, chúng bắt dân ra đào địa đạo, đánh đập những ai không thực hiện theo lệnh của chúng. Trong khi đó, dưới địa đạo có tổng cộng hơn 300 cán bộ từ tỉnh, huyện, xã và du kích địa phương đang tránh địch càn dưới đó.
Trong tình huống nguy hiểm ấy, chị Trương Thị Xáng cùng với một số chị em trong thôn được tổ chức hướng dẫn đã mưu trí lãnh đạo nhân dân “người này đào một lát thì người kia lấp lại ba lát”, do vậy địch không thể đào phá được địa đạo. Vì thế, chúng đã dùng báng súng, giày đinh đánh đập nhân dân, buộc phải đào cho được địa đạo. Trước tình hình trên, chị Xáng đã giả vờ kêu la đau bụng, mọi người không đào nữa mà tập trung vào cứu chữa chị. Với cách giả vờ này, chị Xáng đã kéo việc đào địa đạo về tối, địch phải thả dân về nhà. Đêm tối, địch co cụm tại nhà chị Xáng (nơi phát hiện miệng địa đạo) để phân công canh giữ.
Trong đêm đó, bằng nhiều biện pháp khác nhau, chị Xáng và một số chị em cơ sở của ta đã làm công tác binh – địch vận, vận động một số binh lính địch có cảm tình với cách mạng và hợp đồng giờ để đưa họ mang súng ra vùng giải phóng theo cách mạng. Đồng thời, với cây đèn pin của tên Trung đội trưởng chỉ huy ca trực, chị Xáng đã xuống địa đạo chỉ lối cho hơn 300 cán bộ, chiến sỹ và du kích của ta ra khỏi địa đạo an toàn từ một cửa bí mật khác ven sông Trường Giang. Sau đó, chị quay lại để thực hiện lời hứa đưa các binh lính địch mang vũ khí ra vùng giải phóng. Tuy nhiên, không may là lúc chị quay lại, địch đã thay đổi lính trực nên thấy ánh đèn pin (tín hiệu mà chị đã thỏa thuận với với tên Trung đội trưởng và một số binh lính địch trực trước đó) đã bắn vào chị. Chị Trương Thị Xánghy sinh nhưng toàn bộ cán bộ, chiến sỹ, du kích của ta đã an toàn thoát khỏi trận càn.
Mong muốn của chính quyền, nhân dân địa phương
Ông Nguyễn Văn Anh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Giang khẳng định, sự hy sinh anh dũng của chị Trương Thị Xáng là tấm gương để giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương, nhất là đối với thế hệ trẻ. Với sự kiện hơn 300 cán bộ, chiến sỹ và du kích của ta thoát khỏi trận càn của địch từ địa đạo bí mật trong lòng đất, nhân dân thôn Bình Túy đã sáng kiến xây dựng di tích lịch sử. Tuy nhiên, do điều kiện của xã còn nhiều khó khăn nên vấn đề khai quật, trùng tu hơn 3 km địa đạo này đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, vào tháng 12/2008, xã và huyện đã làm hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Trương Thị Xáng. Tuy nhiên, khi hồ sơ của chị Xáng gửi về Ban Thi đua khen thưởng Bộ tư lệnh Quân khu V thì bị trả lại bởi còn thiếu một số thủ tục có liên quan. Do vậy, vừa qua, được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, hai ngành Công an và Quân sự huyện Thăng Bình đã phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Bình Giang hoàn tất hồ sơ theo yêu cầu. Đến nay, hồ sơ (lần 2) đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chị Trương Thị Xáng đã được Hội đồng Thi đua khen thưởng và Tỉnh ủy Quảng Nam xác nhận; đang tiếp tục gửi về Hội đồng Thi đua khen thưởng của Bộ tư lệnh Quân khu V xem xét, phê duyệt trước khi trình đến các ngành chức năng của Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Anh cũng cho biết, mong muốn của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Giang là được cấp trên quan tâm, sớm truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Trương Thị Xáng, đồng thời đầu tư kinh phí, hỗ trợ lực lượng và có giải pháp để khôi phục lại hệ thống địa đạo tại thôn Bình Túy. Trên cơ sở đó sẽ đưa hệ thống địa đạo này thành điểm tham quan và giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương.
Hy vọng rằng, với hồ sơ đề nghị lần này, cán bộ và nhân dân xã Bình Giang nói chung và gia đình chị Trương Thị Xáng nói riêng sẽ sớm nhận được tin vui về việc Nhà nước ra quyết định truy tặng danh hiệu cao quý, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của nữ liệt sỹ Trương Thị Xáng.