Hiệu quả từ các chương trình, dự án đối với đồng bào dân tộc ở Nghệ An
23/12/2011 16:14
Việc thực hiện các chương trình, dự án đối với đồng bào dân tộc ở các xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An đã mang lại hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống của đồng bào, thể hiện tính ưu việt trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Riêng năm 2011, thực hiện Chương trình 135, các huyện đã quyết toán được 764/790 công trình, với tổng số vốn trên 64 tỷ đồng. Nhìn chung, các công trình xây dựng cơ bản thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và sử dụng có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn từng bước được nâng lên, các công trình đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, thủy lợi đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho nhân dân giao lưu dễ dàng hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Thực hiện công tác bảo vệ đường biên mốc giới, các xã biên giới thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Thanh Chương, Con Cuông… đã phân công cán bộ, công chức cùng dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng và nhân dân tham gia tuần tra, phát quang đường và sửa chữa đường tuần tra dọc biên giới. Nhìn chung tình hình trật tự, an ninh biên giới ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân biên giới an tâm sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Tỉnh đầu tư xây dựng mới 11 công trình nước sinh hoạt với tổng số vốn hơn 17 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng.
Đánh giá về hiệu quả thực hiện các dự án, ông Mai Quang Dậu, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ: Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đã góp phần tăng số xã có đường giao thông cho xe cơ giới đến các thôn bản, tăng số thôn bản có điện lưới, các xã có công trình thủy lợi nhỏ. Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào từng bước được nâng cao về chất lượng, tiếp cận nhiều dịch vụ như y tế, giáo dục, văn hoá, pháp luật…
Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc triển khai trên địa bàn Nghệ An được thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng và có hiệu quả nhất định, góp phần giúp các xã đặc biệt khó khăn từng bước đổi thay về diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Qua đó, thay đổi nếp suy nghĩ của đồng bào về làm kinh tế, giảm hộ nghèo xuống 4%, tạo việc làm và thu hút lao động bình quân mỗi năm từ 3 – 4 vạn người. |