Triều cường làm vỡ đê bao sông Sài Gòn
26/12/2011 08:11
![]() Nhiều hộ gia đình ở các xã vùng cao huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) chủ động phòng, chống rét cho đàn trâu. Ảnh: TUẤN ĐIỆP
|
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, ngày 25-12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ gây mưa nhỏ vài nơi, nền nhiệt giảm mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 10 đến 13 độ C, có nơi 4 đến 6 độ C, nhiệt độ cao nhất từ 17 – 20 độ C. Dự báo, trong 1 – 2 ngày tới, hình thái thời tiết sáng sớm có sương mù, trưa chiều giảm mây trời nắng, gió nhẹ, trời rét, có nơi rét đậm; nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 10 đến 13 độ C, có nơi 4 – 6 độ C và cao nhất 17- 20 độ C tiếp tục duy trì tại Bắc Bộ. Sau ngày 27-12, không khí lạnh tại Bắc Bộ suy yếu, trời ấm dần lên. Tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế, trưa chiều trời nắng, rét, nhiệt độ thấp nhất từ 11 đến 14 độ C, cao nhất 16 – 19 độ C. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa, mưa rào rải rác, gió đông bắc cấp 3, trời mát, nhiệt độ thấp nhất từ 17 đến 20 độ C, cao nhất 24 – 28 độ C. Tại Nam Bộ và Tây Nguyên duy trì thời tiết ngày nắng, đêm không mưa, gió đông bắc cấp 3, nhiệt độ thấp nhất 18 đến 23 độ C, cao nhất từ 24 đến 31 độ C.
Rạng sáng 25-12, đỉnh triều cường dâng cao đã làm vỡ một đoạn đê bao sông Sài Gòn thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Đoạn đê vỡ dài hơn 2m, khoảng hơn 100 nhà dân chìm trong nước. Ngay sau đó, lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Phước đã có mặt tại hiện trường kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, huy động lực lượng đắp vá lại đoạn bờ bị vỡ.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết : Mực nước triều cường sáng 25-12 có thể đạt 1,56m và sẽ tiếp tục dâng cao hơn. Đỉnh triều có thể lên tới 1,58m (mức cao nhất từ trước đến nay) vào sáng 26-12, sau đó xuống dần nhưng vẫn duy trì trên mức báo động 3, ảnh hưởng đời sống người dân.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Nam, khoảng 15 giờ 30 phút chiều 25-12, tàu QNa 0063 của Tiểu đoàn 70 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam) do ông Phan Thanh Phương (SN 1967) làm thuyền trưởng đang trên đường từ đảo Cù lao Chàm vào Cửa Đại (Hội An) đã bị sóng lớn đánh chìm tại khu vực cách cảng Cửa Đại khoảng 300m; trên tàu chở 35 người, trong đó, 30 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 70 và năm người dân…
Ngay sau khi nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Hải đội 2 cử hai chiếc tàu cùng 21 cán bộ, chiến sĩ đến nơi xảy ra chìm tàu để tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo Đồn Biên phòng 260 huy động 45 cán bộ, chiến sĩ ra dọc bờ biển tổ chức tìm kiếm; đồng thời huy động một xe cứu thương và 15 chiến sĩ từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xuống phối hợp với chính quyền TP Hội An và các lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày đã vớt được 29 người và đang đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hội An và Bệnh viện Thái Bình Dương. Được biết, trong số 29 người được cứu, có một người chết. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại chỗ đang tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm sáu nạn nhân còn mất tích…
Từ đầu tháng 12 đến nay, tại xã Thường Phước 1, Hồng Ngự (Đồng Tháp) liên tục xảy ra tình trạng sạt lở đất ven sông, làm sập nhà dân. Nhiều đoạn sạt lở dài hơn 100 m, ăn sâu hàng chục mét vào đất liền và tiếp tục bị nứt từng mảng lớn. Lực lượng cứu hộ tại địa phương đã nỗ lực di dời gần 10 hộ dân sống cạnh vùng sạt lở đến nơi an toàn. Hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương rà soát những hộ dân sống gần vùng nguy hiểm, vận động người dân di dời đến nơi an toàn để bảo đảm tính mạng và tài sản.
Năm 2012, tỉnh Vĩnh Long tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chuyển tiếp là kè sông Cổ Chiên khu vực các xã Tân Hòa, Tân Ngãi, Trường An, phường 9 và phường 2 (TP Vĩnh Long) có tổng mức đầu tư 1.417 tỷ đồng. Hai công trình mới là dự án kè bảo vệ bờ sông Ông Me chiều dài 140 m, tổng mức đầu tư 4,7 tỷ đồng và công trình kè chống sạt lở bờ sông Cái Cá, rạch Kinh Cụt, sông Cầu Lầu có chiều dài 3.760 m, với vốn đầu tư 263 tỷ đồng.
Năm nay, nông dân ở các xã ven kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) như các xã Quơn Long, xã Bình Phan, xã Bình Phục Nhứt, xã Tân Thuận Bình… trồng hơn 200 ha gừng, tăng gấp hai lần so với năm trước. Tuy nhiên, hiện có hơn hai phần ba diện tích gừng đang bị thối củ khiến người dân hết sức lo lắng. Ngành bảo vệ thực vật đã khuyến cáo bà con phải xử lý đất trồng gừng bằng vôi để diệt khuẩn trước khi gieo giống, nhưng hầu hết người trồng gừng chủ quan nên dẫn đến tình trạng gừng bị thối củ như hiện nay.
UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định cấp năm tỷ đồng cho Trung tâm Giống cây trồng – Vật nuôi tỉnh để hỗ trợ cung ứng giống lúa cho các gia đình bị thiệt hại do bão lụt năm 2011. Trong vụ sản xuất đông xuân này, tỉnh có kế hoạch gieo cấy hơn 22 nghìn ha lúa với nhu cầu lúa giống các loại vào khoảng 1.500 tấn. Hiện trung tâm chuẩn bị và cung ứng cho bà con được hơn 800 tấn lúa giống.
Để bảo vệ đàn gia súc 170 nghìn con trong mùa đông năm nay, tỉnh Quảng Bình và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống rét và dịch bệnh. Huyện Tuyên Hóa vận động đồng bào các dân tộc Mã Liềng, Sách ở các xã rẻo cao là Thanh Hóa, Lâm Hóa và Hướng Hóa không chăn nuôi thả rông trâu, bò, cải tạo chuồng trại, trồng thêm cỏ và dự trữ rơm cho mùa đông. Huyện Minh Hóa chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng chuồng trại che bạt, chắn chung quanh chuồng trại để giữ ấm cho trâu bò.