Nỗ lực của ngành Y tế Lạng Sơn trong những ngày tết cổ truyền
02/02/2012 15:34
Sau tết là mùa lễ hội, ngành y tế lại bước vào “giai đoạn căng thẳng” mới. Đó là công tác tuyên truyền vận động nhân dân, kiểm tra kiểm soát vệ sinh ATTP tại các lễ hội mùa xuân; trực chuyên môn sẵn sàng đối phó với tình trạng ngộ độc thực phẩm, cấp cứu TNGT... Bằng hành động thiết thực, cụ thể của mình, toàn ngành đang nỗ lực phấn đấu lập thành tích chào mừng kỷ niệm lần thứ 82 ngày thành lập Đảng 3/2, ngày truyền thống ngành y 27/2.
LSO-Bao giờ cũng vậy, cứ tết đến xuân về, khi người người vui tết, nhà nhà đón tết, thì các cán bộ thầy thuốc trong các bệnh viện phải thực hiện một khối lượng lớn công tác chuyên môn đảm bảo y tế để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Năm nay, thời gian nghỉ tết dài hơn cũng có nghĩa là số ca trực phải nhiều hơn; thời tiết phức tạp hơn thì các bác sĩ cũng vất vả hơn.

Bác sĩ Khoa chấn thương – bỏng, bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhân
Ngày mồng 6 tết Nhâm Thìn, trong phòng trực lãnh đạo của Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh, trên là màn hình theo dõi biến động ở các “điểm” quan trọng như phòng khám, các khoa như chấn thương- bỏng, cấp cứu hồi sức, sản- nhi, dưới là chiếc bánh chưng đã cắt 1 góc. Bác sĩ Nguyễn Đức Hùng, trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính, lãnh đạo kíp trực nói với chúng tôi: “ Trực tết đối với bệnh viện tuyến cuối của tỉnh rất bận rộn. Lãnh đạo trực vừa phải theo dõi để nắm được các diễn biến trong toàn BV, vừa phải sẵn sàng xử lý các tình huống, nhất là các trường hợp cấp cứu. Ngủ theo kiểu “ chợp mắt”, ăn theo kiểu “ nhà binh” là chuyện bình thường của mỗi người trực”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế và của UBND tỉnh, tết năm nay, ngành y tế đã sớm triển khai kế hoạch chỉ đạo tăng cường công tác y tế trong dịp tết Nguyên đán. Với tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội, lãnh đạo các đơn vị, bệnh viện đã chủ động triển khai nội dung chỉ đạo của Sở, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện, phân công phân nhiệm rõ ràng, có kiểm tra, phúc tra, nhất là công tác chuẩn bị thuốc men và vật tư y tế. Ngay tối 29 tết, trước lúc giao thừa, lãnh đạo Sở đã thực hiện kiểm tra tại các đơn vị như BV đa khoa tỉnh, Trung tâm phòng chống Bệnh xã hội, Trung tâm pháp y…
Qua thống kê của ngành trong 9 ngày nghỉ tết, trên địa bàn tỉnh không có ca bệnh và dịch bệnh xảy ra, không có ca ngộ độc thực phẩm và vụ ngộ độc thực phẩm. Đó là điều rất đáng mừng, vì vừa là kết quả của công tác tuyên truyền sâu làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm và đảm bảo vệ sinh ATTP trong những ngày tết, vừa là kết quả của sự kiểm tra, kiểm soát tốt của ngành chuyên môn. Về công tác khám chữa bệnh (KCB), qua thống kê tại 14 bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, số bệnh nhân còn lại đến ngày 29 tết là 510 người. Với tinh thần trách nhiệm và thương yêu người bệnh, các BV đã phối hợp với địa phương, cơ quan, tổ chức đảm bảo vật chất cho bệnh nhân đón tết tại BV khá chu đáo; động viên họ yên tâm điều trị. Trong những ngày tết, số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế là 928 lượt, giảm 22% so với tết Tân Mão 2011; trong đó số nhập viện là 604 bệnh nhân, giảm 32% so với tết năm ngoái. Tuy số bệnh nhân đến khám cấp cứu và tai nạn giảm 20% so với tết Tân Mão, song số tai nạn giao thông ( TNGT) lại tăng 20%; tuy vậy số chấn thương sọ não và tử vong do TNGT giảm. Bệnh nhân tai nạn sinh hoạt tương đương tết năm ngoái, song các tai nạn do đánh nhau giảm, chỉ bằng 50%; tại tất cả các BV đều không ghi nhận trường hợp tai nạn do pháo hoặc chất nổ khác. Tuy vậy, các bác sĩ khoa ngoại tại các BV lại rất vất vả vì số bệnh nhân phải phẫu thuật tăng gấp 2 lần so với tết Tân Mão 2011; riêng tại BV đa khoa có đến 49 ca phẫu thuật, gấp 2,3 lần tết năm ngoái.
Thời tiết khắc nghiệt với các đợt gió lạnh bổ sung khiến nhiệt độ luôn ở mức rất thấp. Các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi, vùng cao luôn duy trì lò sưởi trong nhà. Do biết được mức độ nguy hiểm khi sưởi bằng than đá, than củi, nên người dân luôn có ý thức đề phòng. Trong những ngày vừa qua, các BV chưa ghi nhận trường hợp bị ngộ độc, hoặc bỏng trong khi sưởi. Tuy vậy, các bệnh của người cao tuổi và trẻ em, mà phổ biến là huyết áp, tim mạch, ho do viêm phế quản…tăng cao. Có mặt tại khoa cấp cứu hồi sức BV đa khoa ngày mồng 6 tết, chúng tôi chứng kiến sự quá tải của khoa này: các bệnh nhân nằm ghép 2, thậm chí khoa phải kê thêm giường ra ngoài hành lang mới đáp ứng được nhu cầu.
Sau tết là mùa lễ hội, ngành y tế lại bước vào “giai đoạn căng thẳng” mới. Đó là công tác tuyên truyền vận động nhân dân, kiểm tra kiểm soát vệ sinh ATTP tại các lễ hội mùa xuân; trực chuyên môn sẵn sàng đối phó với tình trạng ngộ độc thực phẩm, cấp cứu TNGT… Bằng hành động thiết thực, cụ thể của mình, toàn ngành đang nỗ lực phấn đấu lập thành tích chào mừng kỷ niệm lần thứ 82 ngày thành lập Đảng 3/2, ngày truyền thống ngành y 27/2.
Trần Kim