Thứ năm,  30/03/2023

Sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính ở xã Tân Phong

Trong mấy năm qua, tại xã Tân Phong (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.Từ năm 2002 đến năm 2007, Đảng ủy xã Tân Phong và HĐND xã đã ra nhiều nghị quyết về công tác quản lý, sử dụng đất đai, trong đó, có một số chủ trương không đúng quy định của pháp luật. UBND xã Tân Phong thành lập hội đồng xét duyệt và tự ý ra quyết định giao đất làm nhà ở cho nhân dân trái thẩm quyền. Thậm chí, cấp thôn cũng giao đất cho dân làm nhà ở?!Cụ thể, từ năm 2002 đến năm 2010, UBND xã Tân Phong đã tạm giao 90 lô đất ở thôn Lão Phong với tổng diện tích 14.260 m2 cho các hộ dân làm nhà ở trái thẩm quyền quy định. Trong đó, 60 lô đất với tổng diện tích 9.478 m2 được giao cho dân làm nhà ở không đúng thẩm quyền được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2002 đến tháng 6-2004. Khi đó, ông Bùi Đức Dụng là Chủ tịch UBND xã và...
Trong mấy năm qua, tại xã Tân Phong (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Từ năm 2002 đến năm 2007, Đảng ủy xã Tân Phong và HĐND xã đã ra nhiều nghị quyết về công tác quản lý, sử dụng đất đai, trong đó, có một số chủ trương không đúng quy định của pháp luật. UBND xã Tân Phong thành lập hội đồng xét duyệt và tự ý ra quyết định giao đất làm nhà ở cho nhân dân trái thẩm quyền. Thậm chí, cấp thôn cũng giao đất cho dân làm nhà ở?!

Cụ thể, từ năm 2002 đến năm 2010, UBND xã Tân Phong đã tạm giao 90 lô đất ở thôn Lão Phong với tổng diện tích 14.260 m2 cho các hộ dân làm nhà ở trái thẩm quyền quy định. Trong đó, 60 lô đất với tổng diện tích 9.478 m2 được giao cho dân làm nhà ở không đúng thẩm quyền được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2002 đến tháng 6-2004. Khi đó, ông Bùi Đức Dụng là Chủ tịch UBND xã và ông Đoàn Quang Hưởng là cán bộ địa chính và xây dựng xã. 30 lô đất với tổng diện tích 4.782 m2 được giao không đúng thẩm quyền trong giai đoạn từ tháng 6-2004 đến tháng 6-2010. Khi đó, ông Đỗ Thế Nhạn là Chủ tịch UBND xã (nay giữ chức Chủ tịch UBMTTQ xã) và ông Đoàn Quang Hưởng công chức địa chính và xây dựng xã. Toàn bộ diện tích 14.260 m2 đất nêu trên đều có nguồn gốc là đất nông nghiệp, trong đó diện tích giao cho hộ gia đình sử dụng lâu dài (vòng 1) là 5.535 m2, diện tích đất 5% do UBND xã quản lý là 8.725 m2. Đến nay, trên diện tích này có 16 hộ đã xây dựng nhà ở, 56 hộ san lấp mặt bằng và 15 hộ đang sản xuất nông nghiệp.

Nghiêm trọng hơn, năm 2008, các cán bộ chủ chốt của thôn Lão Phú gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng phó thôn, Trưởng làng và một số cán bộ khác đã lập biên bản, tự ý “giao” 350 m2 đất cho gia đình ông Nguyễn Văn Chức, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai năm 2003.

Từ năm 1993, UBND xã Tân Phong trực tiếp quản lý chợ Tân Phong, đã tự ý ban hành bảy quyết định “giao quyền quản lý sử dụng đất lâu dài” trong diện tích đất khu vực chợ Tân Phong cho các hộ dân làm nhà ở. 22 hộ thuộc diện thuê đất kinh doanh trong chợ đã tự ý xây dựng nhà trên diện tích 1.137 m2 đất chợ.

Cùng với những sai phạm trong quản lý đất đai, UBND xã Tân Phong còn sai phạm trong công tác quản lý tài chính, thu, chi ngân sách không đúng quy định. UBND xã giao đất cho các hộ dân làm nhà và thu 1 tỷ 933 triệu 676.000 đồng tiền đất, nhưng chỉ nộp kho bạc nhà nước 933 triệu 176.000 đồng. Số còn lại, xã tự ý thu, chi. Cụ thể, từ năm 2002 đến tháng 6-2004, xã thu 1 tỷ 91 triệu 676.000 đồng tiền đất, nhưng chỉ nộp kho bạc nhà nước hơn 764 triệu đồng. Số tiền 327 triệu đồng được tự ý chi trực tiếp cho các công trình xây dựng, không qua kho bạc nhà nước. Từ tháng 6-2004 đến tháng 6-2010, xã thu tổng số tiền đất hơn 842 triệu đồng và đem chi trực tiếp cho các công trình xây dựng 673,5 triệu đồng cũng không qua kho bạc nhà nước. Những năm từ 1995 trở về trước, xã thu tiền thuê đất kinh doanh tại chợ Tân Phong của 22 hộ dân là hơn 37 triệu đồng/năm để đưa vào ngân sách xã. Nhưng từ năm 1996 đến nay, không hiểu vì lý do gì mà UBND xã đã không thực hiện thủ tục thu nghĩa vụ tài chính đối với các hộ này (?).

Đối với 350 m2 đất do lãnh đạo thôn Lão Phú giao trái quy định, đã tự thu số tiền 13 triệu đồng và cũng tự chi vào việc làm xe tang, xây nhà xe tang và phông rèm trang trí các đám tang của thôn…

Những việc làm vi phạm Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước ở Tân Phong đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định cụ thể và rõ ràng. Huyện Kiến Thụy đã có những giải pháp bước đầu khắc phục vụ việc này như: Yêu cầu UBND xã phối hợp phòng chức năng huyện thu hồi số tiền chi từ nguồn tạm thu giao đất trái thẩm quyền để hoàn trả các hộ đã tạm nộp; yêu cầu xã, các ngành liên quan hủy bỏ các quyết định và biên bản giao đất ban hành không đúng quy định; kiểm điểm tập thể, các cá nhân có vi phạm và đang tìm phương án xử lý vi phạm liên quan 90 lô đất mà UBND xã Tân Phong và 350 m2 đất do cán bộ thôn Lão Phú tạm giao đất trái thẩm quyền…

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân trong vụ việc này để có hình thức xử lý nghiêm minh. Những vi phạm trong quản lý đất đai và tài chính ở xã Tân Phong nói riêng và các vụ tham nhũng tại xã Tú Sơn, Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy) mới được đưa ra xử lý trước pháp luật vừa qua cho thấy, những sai phạm ở các địa phương này khá giống nhau và đều xảy ra trong một thời gian khá dài. Các vụ việc đều xuất phát từ lợi ích cục bộ địa phương, và cả lợi ích cá nhân đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ về công tác quản lý đất đai, tài chính, mà còn khiến nhân dân địa phương bức xúc, dẫn đến khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Do vậy, không chỉ xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân tại các địa phương có sai phạm, mà cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp huyện, thành phố và có các biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường quản lý trong các lĩnh vực đất đai và tài chính ở các địa phương, cơ sở.

Theo Nhandan