Thứ ba,  21/03/2023

Lốc vàng ở Chu Minh- Bài 1: Giấc mộng đổi đời

Một người bạn nói với tôi: “Việc gì phải đi tìm đâu xa! Giữa Hà Nội có cả một làng, hàng chục năm qua chỉ theo nghiệp làm vàng. Đại gia- khối! Nhà lầu, xe hơi, chuyện nhỏ! Rồi những kiếp đời, tang thương lắm. Chẳng qua đều một giấc mộng… vàng”.Vượt gần 100 km từ Thủ đô Hà Nội, tôi cũng tới được làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì.Không có khói xăng sặc sụa như ở phố, sáng sớm ở đây, tiết trời thu se lạnh, những cơn gió ngoài sông và sương mù lởn vởn, giăng kín con đường đê.Ấn tượng ban đầu về làng Chu Quyến, với tôi là những ngôi nhà tầng san sát. Panô ảnh viện, áo cưới hai bên đường tôn thêm vẻ khá giả . Một bà cụ nhận “là người Chu Quyến” bảo tôi: “Làng này, nhà ai cũng có người từng đi làm vàng. Các con tôi đều có thuyền làm vàng”.Bà cụ hay chuyện dẫn tôi về nhà. Ngôi nhà hai tầng gần 200m2 bề thế, đồ đạc vật dụng trong nhà, nom như chả thiếu thứ gì. Bà cụ có vẻ mãn nguyện: “Nhờ làm vàng...

Một người bạn nói với tôi: “Việc gì phải đi tìm đâu xa! Giữa Hà Nội có cả một làng, hàng chục năm qua chỉ theo nghiệp làm vàng. Đại gia- khối! Nhà lầu, xe hơi, chuyện nhỏ! Rồi những kiếp đời, tang thương lắm. Chẳng qua đều một giấc mộng… vàng”.

Vượt gần 100 km từ Thủ đô Hà Nội, tôi cũng tới được làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì.

Không có khói xăng sặc sụa như ở phố, sáng sớm ở đây, tiết trời thu se lạnh, những cơn gió ngoài sông và sương mù lởn vởn, giăng kín con đường đê.

Ấn tượng ban đầu về làng Chu Quyến, với tôi là những ngôi nhà tầng san sát. Panô ảnh viện, áo cưới hai bên đường tôn thêm vẻ khá giả . Một bà cụ nhận “là người Chu Quyến” bảo tôi: “Làng này, nhà ai cũng có người từng đi làm vàng. Các con tôi đều có thuyền làm vàng”.

Bà cụ hay chuyện dẫn tôi về nhà. Ngôi nhà hai tầng gần 200m2 bề thế, đồ đạc vật dụng trong nhà, nom như chả thiếu thứ gì. Bà cụ có vẻ mãn nguyện: “Nhờ làm vàng đấy, chú ạ”.

Điều không thể phủ nhận là nhờ làm vàng mà nhiều người dân ở đây có của ăn, của để. Người già đã vậy, còn những bậc trung niên nghĩ gì, những người đã bỏ quên tháng năm thời trai trẻ trong những mỏ vàng?

Cả làng chạy theo…vàng

Ông Nguyễn Trung Trìu, 63 tuổi, cũng đã kịp có quá khứ “hào hùng” mấy năm xuôi ngược theo đuổi giấc mộng vàng tận Sơn La, Lai Châu. Nhà bốn người con trai, thì cả bốn đều đang theo nghề vàng. Ăn- vàng, ngủ-vàng, sinh kế từ vàng. Buồn vui cũng theo vàng.

Trong trí nhớ của ông Trìu, Chu Quyến những năm 90s của thế kỷ trước, người làng vô cùng khó khăn. Đất ruộng khan hiếm, dân đành xoay hướng, chủ yếu sống bằng nghề buôn gỗ. Chu Quyến lập hẳn một bến cảng trung chuyển, từ đây gỗ xuôi ngược các tỉnh miền núi như Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang…

Thế rồi đùng một cái, khoảng năm 1989, để phục vụ xây dựng Thủy điện Sông Đà, nhà nước đóng cửa rừng, cấm khai thác, vận chuyển. Từ đó người dân mất nghề, rồi chuyển nghề không kịp, không đủ sống. Đói kém, nghề nghiệp không có, thanh niên trai tráng bỏ làng đi ăn cơm thiên hạ, nhưng khi trở về phần nhiều tay trắng vẫn hoàn tay trắng.

Bí quá, cùng tắc biến, một số người dân rủ nhau thử… khai thác vàng. Nhưng ngày đó, phương tiện còn thô sơ, chủ yếu bằng là “đào vàng bộ”. Nghĩa là người “đi”vàng phải sắm một chiếc bè mảng bằng gỗ tre bương, làm cột dựng lên cao, sau đó nối dây tời bằng cáp phi 10, một đầu nối gàu múc sỏi. Để múc sỏi, cát lên phải quay tời bằng tay. Chưa có “chất xám”, “khoa học công nghệ”, đổ vào, nên có quay tời rã tay, cứng cổ, ngày nhiều lắm cũng chỉ được dăm ba phân vàng, chả thấm béo gì mà nhọc xác.

Ông Trìu nhớ lại: “Giữa cái lúc dân bắt đầu chán nản, tính bỏ nghề thì có một thợ thuyền ở Nam Định vào. Anh này mang theo một con tàu rất lạ, bảo rằn: “đây là tàu khai thác vàng mua từ bên Trung Quốc”. Con thuyền dị dạng, dài khoảng 20 mét, rộng 4 mét, có bốn khoang ghép lại thành hai con tàu riêng biệt mới lạ, được néo chặt lại với nhau. Đầu đặt máy nổ đến hàng ngàn mã lực, một đầu dành cho thợ thuyền xả nước xối cát, đãi vàng. Ròng rọc gắn những chiếc gầu lớn rộng gần một mét để kéo cát sỏi và vàng từ đáy sông lên.

Ông Trìu lẩm nhẩm so sánh: Làm thủ công chỉ được 1-2 phân vàng/ngày. Thế mà tàu cuốc có ngày chơi đến 2-3 cây vàng!

Và thế là dân Chu Quyến bắt đầu những giấc mơ đẹp có vàng dẫn dắt.

Khi hiểu biết được nâng lên, rằng sức lao động con người là nhỏ bé so với máy móc và rằng cũng như làm ruộng, cái cuốc và lưỡi cày 51 theo đít trâu muôn đời cũng không bằng “con trâu đỏ” thì với làm vàng dưới lòng sông, quan trọng nhất là tàu cuốc thì một nghề mới đã ra đời.

Chu Quyến đã thành danh với nghề đóng tàu khai thác vàng. Và có nghề, thì bắt đầu có “tổ nghề” mà chắc con cháu sau này, dù có lên ông lên bà, cũng phải nhớ mà cho vào gia phả, mà lập Thành hoàng làng, mà hương khói kỵ giỗ. Những ông “vua đóng tàu” vàng Chu Quyền, phải nói đến như Nguyễn Bá Khoa, Nguyễn Hoàng Mạnh…

Ông Nguyễn Trung Bốn, 49 tuổi, phu vàng có những năm tháng bôn ba tận Lai Châu cho biết: “Tiếng tăm về con tàu cuốc, về những mẻ vàng lớn đã khiến dân làng Chu Quyến chúng tôi đứng ngồi không yên. Nhà nhà đua nhau mua tàu cuốc. Giá mỗi tàu lúc đó là 100 – 350 triệu tùy chủng loại. Gia đình tôi bàn với 20 hộ chung vốn mua lại một con tàu trị giá 120 triệu đồng. Nhiều gia đình không có tiền nhưng cũng liều mình vay vốn anh em họ hàng, một số thế chấp sổ đỏ, vay cho bằng được để “đi vàng”.

Những chuyến đi vàng đầu tiên đã đem lại tiền của cho những người dân Chu Quyến. Những bãi vàng lớn mà người dân Chu Quyến in dấu chân như Bắc Uân, Bản Xe, Bãi 27, rồi Hát Dọ… ở tận Lai Châu, Sơn La. Vàng hết, họ lại kéo nhau ngược lên phía Bắc, phía Tây, phía Đông.

Ông Trìu rít mạnh hơi thuốc lào, khói thuốc cuộn và tiếng nước ống cũng giòn giã như tiếng cười đắc thắng: “Không đi vàng, làm sao tôi có cơ ngơi này!”.

Ông Trìu quả quyết, không chỉ riêng ông mà nhiều hộ dân khác họ cũng kiếm được vàng đem về như thóc.

Theo phép tính thử của ông Trìu, một năm ông chỉ làm hai vụ chính, mỗi vụ 5 tháng bắt đầu từ tháng 8. Làm một vụ trừ đi chi phí hao tổn máy móc, xăng dầu, ăn uống mỗi người đi vàng cũng mang về 40-50 triệu đồng/ 1vụ.

Có tiền thì “xây nhà lầu, mua xe ô tô thôi”. Bộ mặt của thôn xóm khoác lên màu áo mới, khang trang hơn, xa hoa hơn.

Phận phu nơi ghềnh thác

Tin đồn về những mẻ vàng lớn như một thứ ma lực khiến người dân Chu Quyến mê mẩn, Có người nói rằng, vào những năm cao điểm, ở Chu Quyến nhà nào cũng có người đi vàng, ở đâu có vàng, ở đó có dân Chu Quyến. Thế hệ những phu vàng như ông Trìu, ông Bốn, giờ đây con cái họ vẫn theo đuổi nghiệp vàng.

Thế nhưng không phải ai đi vàng cũng trúng quả. Và nỗi đau, mất mát, thì chỉ có những phu vàng mới thấm.

Anh Nguyễn Hoàng Mạnh, 35 tuổi một phu vàng tâm sự: “20 năm làm vàng, giờ nhìn lại thấy mình vẫn tay trắng”. Nhưng điều làm Mạnh nhớ nhất đó là những năm tháng bôn ba, lang bạt kỳ hồ hết sông, hết suối ở các tỉnh phía Bắc. Những địa danh như Mường Nhé (Điện Biên) cách quê gần 600 km, đội tàu của Mạnh có 7-8 người đi thường ít khi về, có khi vài năm mới về một lần. Mùa lũ thì neo thuyền vào bến tạm nghỉ. Có những bãi vàng nằm tận ở các ghềnh thác. Hàng hóa, lương thực đều phải vận chuyển bằng cơ giới băng qua đường rừng hiểm trở. Ăn uống phải trú tạm tại các nhà dân ở dân tộc. Phải làm liên tục 24/24 giờ bất kể ngày đêm, mưa gió. Ốm đau bệnh tật như cơm bữa. Đã thế các anh còn phải làm luật với dân bản địa mỗi khi khai thác một bãi vàng nào đó.

“Đen đủi hơn nếu gặp phải những tay thổ phỉ, cướp bóc, thì trở về chỉ có tay trắng”- anh ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Trung Bốn chia sẻ: “Điều phu vàng sợ nhất là tàu cuốc bị hỏng hóc, đồng nghĩa với việc họ phải nằm dài chờ tiếp tế vận chuyển vật liệu máy móc. Cho nên cứ sau một vụ, tiền tu sửa tàu cuốc cũng lên tới hàng chục triệu đồng”.

Vạch tay áo chỉ những vết sẹo chằng chéo trên hai cánh tay, ông Trìu bảo đó là “dấu tích của vàng”. Người đi làm vàng cần hai đức tính: chịu khổ và kiên nhẫn.Một hạt vàng mỏng manh, có khi phải đổi bằng công xúc cả tấn cát sỏi ở độ sâu 5-20 mét. Hết sông này sang suối khác, nhưng nhiều khi vẫn là công cốc.

Nhưng sông suối nào cũng có điểm tận cùng, nguồn vàng nào rồi cũng cạn kiệt. Tàu đi, để lại những đụn cát sỏi trắng phơ.

Khi người dân Chu Quyến nhận ra mặt tối của vàng, thì cuộc sống của họ, bắt đầu rẽ theo ngã khác.

Theo Nhandan