Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão
31/10/2012 14:11
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng 30-10, thiệt hại ban đầu do cơn bão số 8 đã làm 12 người chết và mất tích; 43 người bị thương; trong đó số người chết tại Hải Phòng một người, Nam Định hai người, Thái Bình hai người, Nghệ An ba người. Bão cũng làm sập 11 nhà và tốc mái 13.239 nhà, ngoài ra còn bị ngập, thiệt hại 19.600 ha lúa ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Hệ thống đê tại Thái Bình và Thanh Hóa bị thiệt hại 2.886 m; diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 9.893 ha cùng 174 phương tiện tàu, thuyền bị hư hỏng… Tàu chở quặng trọng tải hai nghìn tấn đã bị chìm tại đảo Cát Hải, trên tàu có năm người, hiện đã cứu được bốn người, một người bị mất tích.
Ngày 29-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1813/CĐ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương khôi phục hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chống úng ngập, khắc phục hậu quả, phục vụ đời sống nhân dân; chỉ đạo công tác tiêu nước chống úng. Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp huy động các lực lượng bơm tiêu nước chống úng, khôi phục sản xuất, giúp người dân sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, ổn định đời sống.
Ngày 30-10, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng có Công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng nêu rõ: Từ ngày 25 đến 29-10, bão số 8 với tốc độ di chuyển nhanh, cường độ rất mạnh và hướng di chuyển phức tạp. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, lực lượng vũ trang Quân khu 4, Quân khu 3, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị đứng chân trên địa bàn đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các lực lượng và nhân dân các địa phương tổ chức tốt việc sơ tán; di dời dân; cứu hộ, cứu nạn; nhất là công tác thông báo kêu gọi, hướng dẫn ngư dân và các phương tiện sản xuất trên biển về nơi tránh trú an toàn, góp phần quan trọng giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bộ Quốc phòng nhiệt liệt biểu dương các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bão số 8 vừa qua; đồng thời, yêu cầu Bộ Tổng tham mưu và các tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ, kịp thời chỉ đạo các đơn vị của bộ trên địa bàn Quân khu 3, Quân khu 4 và các đơn vị của bộ trên địa bàn căn cứ vào thực tế tình hình của địa phương và từng đơn vị, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần, thuốc men… giúp đỡ nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại đã khôi phục cấp điện toàn bộ tỉnh Thanh Hóa, Nam Định hơn 30%, Thái Bình 50%, Ninh Bình 85%, Hải Phòng 85%, Quảng Ninh hơn 90%. Bão số 8 đã làm ảnh hưởng hơn hai đường dây 220 kV, 29 đường dây 110 kV, bảy trạm biến áp 110 kV, 355 đường dây trung thế và hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy đổ. Ngành điện lực đang tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị, khắc phục khó khăn xử lý sự cố và bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Tại TP Hải Phòng, bão số 8 đã làm một người chết và một người mất tích, chín người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 400 tỷ đồng. Chính quyền địa phương đang chủ động cùng người dân đang gieo trồng bổ sung, khôi phục diện tích hoa màu bị thiệt hại. Đối với diện tích lúa đang nỗ lực thu hoạch xong trong một, hai ngày tới. Bão đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân Hải Phòng 6.200 ha lúa bị đổ, úng, 4.800 ha hoa màu bị hư hại không còn khả năng phục hồi, 403 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập trôi, hơn 9.000 con gia cầm bị chết; hàng nghìn mái nhà, trang trại bị hư hỏng. Hiện ngành nông nghiệp Hải Phòng đang cùng các địa phương và các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân khắc phục. Đến 17 giờ ngày 30-10, cơ bản bảo đảm giao thông trên các tuyến đường giao thông chính, khu vực trung tâm có cây bị gãy đổ. Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền bắc kiểm tra trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại Công ty Điện lực Hải Phòng. Hiện công ty tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực kiểm tra, khắc phục, quyết tâm khôi phục lại xong toàn bộ lưới điện do Công ty Điện lực Hải Phòng quản lý trong ngày 30-10.
Chiều 30-10, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biết, đến nay tỉnh đã có ba người chết do cơn bão số 8 gây ra. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, những nạn nhân xấu số bị chết, bị thương, nhà cửa hư hại, đang được sở đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí. Cụ thể, với cấp huyện, thành phố có người bị chết, ngân sách cấp huyện sẽ hỗ trợ 4,5 triệu đồng/người; ngân sách của tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/người. UBND tỉnh đang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả do bão gây ra. Cụ thể, kinh phí xử lý ứng cứu và khắc phục sự cố của hệ thống đê sông, đê biển; các kè lát mái bị sạt lở hư hỏng và các công trình hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc… là 500 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ tiền điện, dầu bơm tiêu nước để làm vụ đông: năm tỷ đồng. Kinh phí phục hồi, phát triển sản xuất cây vụ đông, chăn nuôi, thủy hải sản là 200 tỷ đồng. Tổng kinh phí xin Trung ương hỗ trợ là 705 tỷ đồng. Đến nay, thiệt hại ban đầu của toàn tỉnh là 1.800 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động các lực lượng công an, quân đội, công nhân và người dân thành phố tham gia khắc phục sau bão. Hiện nhiều khu phố vẫn chưa có điện trở lại.
Trong hai ngày 29 và 30-10, UBND tỉnh Nam Định liên tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo việc khắc phục hậu quả cơn bão số 8, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân. Ngày 29-10, các trạm bơm đều được cấp lại điện để bơm nước tiêu cho gần 20 nghìn ha lúa mùa, rau màu vụ đông. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh điều khoảng một nghìn cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân làm vệ sinh môi trường, tu sửa các công trình thủy lợi, giao thông và hệ thống đầm, bãi ven biển để nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch. Chi cục Thú y hướng dẫn người dân phun thuốc khử trùng tiêu độc cho gia súc, gia cầm, kiên quyết không để dịch bệnh phát sinh. Sở Y tế phối hợp trung tâm y tế các huyện phun khử trùng tiêu độc, xử lý nguồn nước sinh hoạt. Tại TP Nam Định, ngành môi trường và đô thị đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân xuống đường làm vệ sinh môi trường, đến chiều 30-10, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường. UBND tỉnh cũng vừa có báo cáo gửi Chính phủ và các bộ, ban, ngành T.Ư đề nghị quan tâm hỗ trợ kinh phí và các điều kiện để địa phương khắc phục nhanh chóng hậu quả do bão gây ra. Trước mắt, tỉnh đề nghị hỗ trợ 500 tỷ đồng và 10 nghìn tấn gạo để khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.
Bão số 8 vừa qua đã làm trạm biến áp trên địa bàn huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa bị chập điện, gây mất điện trên diện rộng. Chi nhánh điện của huyện đã huy động 100% số cán bộ, công nhân viên sớm dựng lại cột điện bị đổ, nhanh chóng khắc phục các sự cố. Toàn bộ đường hệ thống điện của huyện đã hoạt động trở lại, đang vận hành tốt. Tại huyện Hậu Lộc, bão làm 792 ha cây trồng vụ đông bị hư hại từ 30% đến 70%. Hàng chục ha dưa của nông dân các xã Xuân Lộc, Phú Lộc bị mất trắng. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn nhanh chóng phân loại mức độ thiệt hại của từng loại cây trồng ở từng vùng để có kế hoạch phục tráng; cử cán bộ bám địa bàn hướng dẫn nông dân chăm sóc các loại cây trồng. Đối với những diện tích cây màu bị chết, căn cứ vào khung lịch thời vụ để tái trồng mới hoặc bố trí trồng cơ cấu cây phù hợp. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên kiểm tra cây trồng để kịp thời phát hiện, thực thi biện pháp phòng trừ các loại sâu, bệnh. Ngoài ra, bão còn làm cho dải bờ biển ở xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn bị sạt lở sâu thêm 5 m. Chính quyền thị xã, một số hộ có điều kiện đã chủ động gia cố, kè tạm những vị trí xung yếu.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm chiều 30-10, tại Hà Nội, Cục Thú y thông báo: Dịch cúm gia cầm đã được khống chế, trên cả nước còn bốn xã của bốn huyện thuộc hai tỉnh Điện Biên và Quảng Ngãi có dịch. Tuy nhiên, đáng lo ngại, trong hai tuần qua, ngoài hai tỉnh đang có dịch lợn tai xanh là Đác Lắc, Quảng Nam, trên cả nước lại xuất hiện thêm các ổ dịch mới tại bốn tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Thái Bình, Long An. Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh xuất hiện lẻ tẻ, song nguy cơ bùng phát rất lớn, nhất là ở khu vực phía bắc. Do tình hình nhập lậu con giống và sản phẩm gia cầm qua biên giới rất phức tạp, trong khi chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin có thể đối phó với chủng vi-rút cúm gia cầm mới (nhóm C – thuộc nhánh 2.3.2.1) đang phân bố dọc theo quốc lộ từ biên giới đến các tỉnh miền trung. Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, các ngành chức năng cần làm triệt để, không để tình trạng nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới như hiện nay. Bên cạnh đó, ngành thú y cần rà soát, chấn chỉnh lại lực lượng thú y cơ sở; lập biểu đồ phân bố các chủng vi-rút đã và đang xuất hiện tại các tỉnh phía bắc. Hôm nay, ngày 31-10, Bộ NN và PTNT tiếp tục họp với các tỉnh khu vực miền trung để bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh và ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.