Thay đổi cách nghĩ, cách làm để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
12/11/2012 09:13
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cách nghĩ, cách làm đối với GD và ĐT chưa phù hợp, chậm đổi mới, thậm chí bộc lộ nhiều yếu kém cần sớm thay đổi để đáp ứng công cuộc CNH, HĐH đất nước.
Yếu kém kéo dài
Từ khi giành độc lập năm 1945 đến nay, nước ta đã ba lần tiến hành cải cách giáo dục (vào các năm 1950, 1956 và 1981). Đến năm 1996, Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển GD và ĐT trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000. Các cuộc cải cách, đổi mới GD và ĐT về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, GD và ĐT đã tích tụ nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục và chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc CNH, HĐH đất nước. Tư duy về GD, nhất là về quản lý GD còn chịu ảnh hưởng nhiều cái cũ, nặng tính hành chính, lạc hậu, cản trở quá trình phát triển, mất cân đối, thiếu chặt chẽ của ba bộ phận thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, gồm giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, cao đẳng.
Đối với giáo dục phổ thông, chất lượng còn hạn chế, cách tiến hành phổ cập nặng tính hình thức, việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa thích hợp. Khi bàn về chất lượng giáo dục phổ thông, chỉ cần nhìn vào phong trào “Hai không” được phát động rầm rộ cách đây không lâu. Khi ấy có trường tỷ lệ tốt nghiệp là 0%, nhưng chính ngôi trường ấy năm trước đó lại đỗ tốt nghiệp 100%. Nói như GS, NGND Nguyễn Lân Dũng thì tiêu cực trong thi tốt nghiệp THPT không chỉ có một “Đồi Ngô” ở Bắc Giang như năm 2012 mà lan rộng ra cả “rừng Ngô” trong cả nước. Trong khi đó, giáo dục đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường được thành lập. Việc thành lập mới nhiều trường gây hoài nghi trong dư luận xã hội vì quy mô phát triển quá “nóng”, không đi kèm với các điều kiện bảo đảm chất lượng. Đào tạo nhưng không bảo đảm đội ngũ, cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo bị thả nổi trở nên phổ biến. Chỉ riêng các cuộc thanh tra, kiểm tra năm 2012, Bộ GD và ĐT đã đình chỉ tuyển sinh bảy trường và 17 mã ngành của một số trường, chủ yếu do không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định. Giữa năm 2012, nhiều trường ĐH bị xử phạt trong liên kết đào tạo; đến cuối tháng 10-2012, Bộ GD và ĐT tiếp tục phải chấn chỉnh công tác cấp, phát văn bằng, chứng chỉ… cho thấy trong giáo dục ĐH đụng đâu thấy sai đó. Thế nhưng, trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vẫn đặt ra mục tiêu giai đoạn 2011-2015, thành lập thêm 158 trường, gồm 70 trường ĐH và 88 trường CĐ.
Đáng chú ý, trong GD và ĐT hiện nay, công tác quản lý được coi là nguyên nhân của nhiều yếu kém, gây bức xúc kéo dài trong xã hội. Hàng loạt các vấn đề đặt ra trong quản lý giáo dục như: hiện tượng tiêu cực trong thi, tuyển sinh và cấp bằng; lạm thu, dạy thêm, học thêm tồn tại kéo dài không được khắc phục, chương trình giáo dục chính thức thiếu nhất quán từ bậc phổ thông đến ĐH. Hậu quả là bậc phổ thông học sinh bị bội thực về sách với chương trình quá nặng và xa rời thực tiễn cũng như chuẩn quốc tế; trong khi đó, bậc ĐH thì “đói” giáo trình, tình trạng học chay diễn ra triền miên. Bộ GD và ĐT thiếu những giải pháp kịp thời và hiệu quả, nhất là kiểu điều hành “chữa cháy” quá nhiều. Điển hình như kỳ thi, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD và ĐT có tới ba lần điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, khiến nhiều trường rối như tơ vò, tạo nên bất cập trong thi, tuyển sinh. Phương pháp quản lý nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ chưa hội tụ đủ điều kiện để các cơ sở đào tạo thực hiện quyền và trách nhiệm tự chủ. Ngành GD và ĐT chưa đủ khả năng đánh giá thực chất hoạt động và sự chấp hành luật pháp của các cơ sở đào tạo đại học cũng như không có khả năng đánh giá chất lượng GD của toàn bộ hệ thống. Phần lớn các cuộc thanh tra, kiểm tra đều phát hiện sai phạm trong các cơ sở giáo dục; thiếu minh bạch trong quản lý, thiếu chuyên nghiệp trong dạy và học, nhưng dường như không ai chịu trách nhiệm.
Những bất cập và lạc hậu dẫn đến tình trạng yếu kém trong nền giáo dục quốc dân tồn tại từ nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng. Hậu quả của nó không chỉ tác động đến đời sống kinh tế – xã hội mà còn ảnh hưởng cả nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội. Nhiều chỉ tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 đã không đạt được. Điển hình như: Mục tiêu 20% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia nhưng kết quả chỉ đạt 15,8%; mục tiêu thu hút học sinh sau THCS vào học nghề và trung cấp chuyên nghiệp là 15% nhưng chỉ đạt 2,2% vào trung cấp chuyên nghiệp và khoảng 4% vào các trường dạy nghề; mục tiêu tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ hơn 98% nhưng thực tế chỉ đạt 94%; tỷ lệ giảng viên ĐH, CĐ có trình độ tiến sĩ là 25%, trong khi thực tế chỉ đạt 14,4%…
Đổi mới nhận thức và tư duy
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Phát triển GD là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế…”. Và mới nhất là thông báo Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) cũng khẳng định: “GD và ĐT là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước, của toàn dân và là quốc sách hàng đầu… Mục tiêu cốt lõi của GD và ĐT là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực con người Việt Nam. Phải đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức và tư duy về GD và ĐT…”. Trong đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, cơ cấu lại hệ thống GD chứ không phải chỉnh sửa một vài bộ phận kiểu chắp vá. Cần có một cuộc tổng điều tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống để có cái nhìn đúng đắn về thực trạng GD hiện nay. Mục tiêu GD cần đổi mới mạnh mẽ từ con người khoa bảng thành con người thực tế, từ nhồi nhét kiến thức hàn lâm sang năng lực làm chủ cuộc sống. Nội dung chương trình cần giảm lý thuyết, tăng thực hành; thay đổi từ phương pháp dạy, học thụ động sang phương pháp dạy, học mở. Nâng cao chất lượng nhưng không chạy theo thành tích, phát triển số lượng, quy mô đơn thuần, chạy theo bằng cấp.
Thực tế cuộc sống đòi hỏi cần đổi mới toàn diện, đồng thời và đồng bộ trên tất cả các yếu tố cấu thành của hoạt động GD. Cần đổi mới mạnh mẽ hoạt động đánh giá, coi trọng đánh giá của giáo viên ngay trong quá trình dạy học. Đây là hoạt động chủ yếu thay vì tập trung thi cử cuối khóa nặng nề, đối phó, hình thức, thiếu thực chất, thoát ly mục tiêu đào tạo. Tạo điều kiện cho người học tự đánh giá để tự hoàn thiện mình; phối hợp phụ huynh đánh giá học sinh để tạo sự thống nhất hệ thống giá trị giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Đối với cơ chế tổ chức quản lý, cần đổi mới mạnh mẽ từ quan liêu bao cấp sang cơ chế tự chủ nhà trường, không chờ đợi, ỷ lại mà tạo điều kiện cho từng giáo viên sáng tạo, tự giác chấp hành luật pháp, thực hiện quy chế với ý thức tổ chức kỷ luật cao. Cần xây dựng hệ thống kiểm định (chất lượng các cơ sở GD cũng như trình độ đào tạo) độc lập gắn với giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, của xã hội. Công khai hóa và xây dựng cơ chế chia sẻ các thông tin về hoạt động GD và ĐT, kể cả các kết quả kiểm tra, thanh tra và xử lý sai phạm.
Đổi mới căn bản, toàn diện một nền giáo dục không thể trong ngày một, ngày hai. Thực tế bức thiết đòi hỏi cần khẩn trương nhưng cũng cần căn cơ, bài bản, khoa học, phù hợp thực tiễn. Các văn bản của Đảng đã chỉ rõ yêu cầu việc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD nước nhà. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 cũng đã đưa ra các chỉ tiêu phát triển. Điều đó đòi hỏi cách nghĩ, cách làm sáng tạo của các cấp, các ngành; nhất là ngành GD và ĐT thực hiện một cách mạnh dạn, thẳng thắn, thiết thực, tạo những đột phá thúc đẩy GD và ĐT đáp ứng tốt nhu cầu công cuộc CNH, HĐH đất nước.