Thứ ba,  06/06/2023

Khôi phục diện tích trồng cà-phê ở Nông trường A Lưới

Chăm sóc cây cà-phê ở huyện A Lưới. Cuối năm 2010, Công ty Vina cafe Quảng Trị phá sản, cho nên đã ngừng đầu tư sản xuất và chế biến cà-phê tại Nông trường A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Kể từ đó đến nay, hàng trăm ha diện tích cà-phê không được chăm sóc dẫn đến phần lớn cây kém phát triển. Hệ thống nhà xưởng chế biến cà-phê được đầu tư hàng chục tỷ đồng nay đang trong tình trạng hoang phế. Chính quyền huyện A Lưới đang tìm cách khôi phục diện tích trồng cà-phê nơi đây.A Lưới có khí hậu, đất đai phù hợp với điều kiện phát triển cây cà-phê. Tuy nhiên, sản xuất cà-phê trên địa bàn chưa mang lại hiệu quả do người dân chưa phát huy được nguồn lực sẵn có. Hơn nữa, cơ chế quản lý của Nông trường cà-phê A Lưới còn bất hợp lý gây lãng phí nguồn lực. Tổng diện tích vườn cây cà-phê của Nông trường cà-phê A Lưới thuộc bốn xã: Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Bắc và xã Nhâm, với diện tích hơn 450 ha. Trong đó, có hơn 52 ha diện tích kém hiệu...

Chăm sóc cây cà-phê ở huyện A Lưới.
Cuối năm 2010, Công ty Vina cafe Quảng Trị phá sản, cho nên đã ngừng đầu tư sản xuất và chế biến cà-phê tại Nông trường A Lưới (Thừa Thiên – Huế). Kể từ đó đến nay, hàng trăm ha diện tích cà-phê không được chăm sóc dẫn đến phần lớn cây kém phát triển. Hệ thống nhà xưởng chế biến cà-phê được đầu tư hàng chục tỷ đồng nay đang trong tình trạng hoang phế. Chính quyền huyện A Lưới đang tìm cách khôi phục diện tích trồng cà-phê nơi đây.

A Lưới có khí hậu, đất đai phù hợp với điều kiện phát triển cây cà-phê. Tuy nhiên, sản xuất cà-phê trên địa bàn chưa mang lại hiệu quả do người dân chưa phát huy được nguồn lực sẵn có. Hơn nữa, cơ chế quản lý của Nông trường cà-phê A Lưới còn bất hợp lý gây lãng phí nguồn lực. Tổng diện tích vườn cây cà-phê của Nông trường cà-phê A Lưới thuộc bốn xã: Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Bắc và xã Nhâm, với diện tích hơn 450 ha. Trong đó, có hơn 52 ha diện tích kém hiệu quả do các hộ dân tự ý chuyển đổi cây trồng khác.

Sau khi Công ty TNHH MTV Vina cafe Quảng Trị phá sản, để cứu lấy diện tích cà-phê còn lại, UBND huyện A Lưới có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Vina cafe Quảng Trị giao cho người dân quản lý, sử dụng trong thời gian chờ thanh lý. Trên cơ sở này, huyện đã thành lập ban quản lý, đồng thời cho các hộ dân tạm ứng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng (trong hai năm 2011-2012) để tiếp tục chăm sóc diện tích cà-phê của nông trường.

Ngày 23-3-2012, Công ty cổ phần định giá EXim (EXIMA) và tổ quản lý, thanh lý tài sản vụ phá sản của Công ty TNHH MTV Vina cafe Quảng Trị đã định mức giá nông trường cà-phê hơn 35 tỷ đồng, nhà máy chế biến cà-phê hơn 4,7 tỷ đồng. Với định giá trên, cứ bình quân một ha cà-phê ở A Lưới có giá trị 110 triệu đồng. Mặc dù một số diện tích cà-phê đã được phục hồi nhưng do thả nổi không quản lý trong thời gian dài, cho nên năng suất và sản lượng giảm từ 1.200 tấn xuống còn 625 tấn. Nhiều hộ dân tại các xã còn nợ hơn 580 triệu đồng phân bón và quản lý phí. Toàn huyện có hơn 700 hộ dân tham gia chương trình trồng cà-phê nông trại. Phần lớn họ đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn và đều thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Với số tiền định giá như trên quả thật là rất khó khăn với đồng bào nơi đây.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm cho biết: Tại Nông trường cà-phê ở A Lưới hiện diện tích cà-phê loại A còn khoảng năm ha; loại B còn 30 ha, số còn lại phần lớn thuộc loại C. Trong khi đó, giá trị còn lại cho một ha cà-phê loại A còn khoảng 75 triệu đồng, vườn cây loại B còn khoảng 65 triệu đồng, vườn cây cà-phê loại C và vườn cây cà-phê phục hồi còn khoảng 45 triệu đồng.

Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo UBND huyện A Lưới đã có buổi làm việc và thống nhất hai phương án: Bán đấu giá và bán chỉ định cho các hộ nhận khoán chăm sóc cà-phê. Phương án một sẽ khá phức tạp, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân bổ nguồn lao động tại địa phương. Mặt khác, khi bán đấu giá dễ gây tranh chấp quyền lợi của người lao động trong quá trình chăm sóc cũng như quản lý nhiều năm qua đối với nông trường. Còn phương án bán chỉ định có thể giải quyết được các vấn đề trên nhưng phần lớn các hộ không có khả năng mua lại diện tích đang nhận khoán của mình. Hơn nữa, khi vai trò chủ đạo của nông trường không còn thì các hộ trồng cà-phê thường có tâm lý lo lắng, sợ bị tư thương ép giá, thiếu nơi tin cậy để vay vật tư, phân bón… cũng như không có cán bộ hướng dẫn khoa học – kỹ thuật trong canh tác cà-phê.

Đề án mua lại và tái sản xuất vườn cây cà-phê ở Nông trường cà-phê A Lưới đã đặt ra: Các cấp chính quyền cần có phương án hỗ trợ dưới nhiều hình thức cho vùng dự án cà-phê nông trường, như: hỗ trợ 40% giá trị vườn cây đối với các hộ nghèo, 30% giá trị vườn cây đối với các hộ cận nghèo và hỗ trợ 20% giá trị vườn cây đối với các hộ còn lại để mua lại vườn cây nông trường. Kêu gọi các ngân hàng đang có quan hệ với Nông trường cà-phê A Lưới hỗ trợ và cho các hộ vay từ 30% đến 50% giá trị vườn cây. Số còn lại các hộ dân tự vận động bằng nhiều cách như sử dụng vốn tự có, tự huy động vốn hoặc gia nhập HTX để được bảo lãnh vay vốn mua lại vườn cây và tái đầu tư sản xuất. HTX cần có điều lệ phù hợp và phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chẳng hạn sản xuất mô hình điểm phục hồi khoảng từ 30 đến 50 ha vườn cây loại C. Quản lý và chuyển giao về mặt kỹ thuật canh tác cà-phê cho các hộ nhận khoán sau khi đã mua lại. Khi HTX có phương án cụ thể và đi vào hoạt động có hiệu quả, các cấp chính quyền tỉnh, huyện cần đề nghị Chính phủ chuyển giao nhà máy cho HTX quản lý và khai thác theo hình thức hỗ trợ ngân sách cho HTX, nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường, sau khi đã mua lại Nông trường cà-phê A Lưới, huyện sẽ nhanh chóng làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, tạo điều kiện để các hộ yên tâm canh tác ổn định cũng như làm căn cứ thế chấp vay vốn đầu tư kịp thời, tránh để vườn cây xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, HTX kết hợp chính quyền địa phương vận động các hộ công nhân và gia đình nhận khoán tham gia HTX để thực hiện sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong sản xuất cà-phê. Điều này không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mà còn nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới.

Theo Nhandan