Vòng xoáy (Truyện ngắn)
02/01/2013 14:43
Một tuần sau chị ra viện, vui vẻ đi làm trở lại; anh cũng xin chuyển công tác xuống một chi nhánh nhỏ của công ty, tuy lương thấp nhưng công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mỗi ngày thứ bảy, anh chị lại cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cùng vào bếp nấu ăn. Thay vì đi nhậu với bạn, chủ nhật tuần nào anh cũng đưa vợ con dạo chơi trong công viên hoặc dã ngoại vùng ven đô. Cậu lớn vào đại học, cô út lên lớp mười hai, ôn thi bận bịu, lo lắng cho con nhưng anh chị chẳng bao giờ quên rằng ngoài chăm sóc con cái còn phải chăm lo cho nhau nữa...
LSO-Tin vợ bị ngất xỉu do lao động quá sức khiến anh hoảng hốt, bỏ cuộc vui phóng ngay về nhà, gọi xe cấp cứu đưa chị vào bệnh viện. Lúc sáng sớm chị kêu đau đầu, không muốn ăn uống gì, kêu anh ở nhà giúp chị giặt giũ chăn màn, dọn dẹp nhà cửa, mà anh không nghe. “Kinh tế gia đình nào có thiếu thốn gì đâu. Đem chăn ra tiệm giặt hết có mấy chục ngàn em ạ. Với lại, cả tuần có mỗi ngày chủ nhật để anh gặp gỡ bạn bè, ai lại cứ ru rú ở nhà với vợ, chúng nó cười cho!” Anh nói với chị như vậy rồi lấy xe đi luôn từ bấy đến giờ.

Minh họa: Đông Bắc
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không được hạnh phúc, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa nhưng rồi mẹ hai chê cha già, cuỗm sạch tài sản bỏ nhà theo người khác; nên anh luôn khát khao có một ngôi nhà yên ấm, một người vợ tảo tần, thu vén. Qua bạn bè giới thiệu, anh quen biết và yêu thương, cảm mến chị từ lúc nào chẳng rõ. Hai người lấy nhau ngay khi vừa mới tốt nghiệp đại học, vốn liếng là khối óc và hai bàn tay trắng, anh phải bươn bả làm thuê hết công ty này đến công ty khác. Nhờ tài năng cộng với sự nhanh nhẹn, hoạt bát, gần mười năm nay anh trở thành người kế toán lão luyện của Công ty Liên doanh Xuất nhập khẩu hàng hoá Ninh Thành, liên kết làm ăn với nước bạn. Từ thứ hai đến thứ sáu, hàng về kho, xuất kho liên tục, anh lúc nào cũng phải xoay như chong chóng với mớ giấy tờ, sổ sách. Thứ bảy, tất cả công nhân viên đều được nghỉ; riêng anh vẫn phải túc trực ở công ty, bù đầu với việc tổng hợp giấy tờ, số liệu xuất – nhập trong tuần do các chi nhánh con nộp lên, tính toán tiền lương, tiền thưởng cho công nhân. Buổi tối mới được rảnh rỗi, có thời gian suy nghĩ, anh tưởng như mình là cái máy, chỉ biết công việc và công việc. Đôi khi anh bỗng bật cười khi liên tưởng mình với nhân vật chính trong truyện ngắn “Biến dạng” của Fran Kafka: chàng trai Gregor Samsa khôi ngô, khoẻ mạnh, trụ cột của gia đình, vì quá mải mê công việc, lãng quên mọi thú vui trong cuộc sống mà một sáng tỉnh dậy thấy mình bị biến thành con bọ xấu xí, kềnh càng, vô dụng, suốt ngày đêm treo mình lơ lửng trên trần nhà, trở thành cái gai trong mắt người thân; cuối cùng con bọ ấy chết đi, bị người thân đem quẳng ra bãi rác không chút tiếc thương. Tại sao lại thế? Đáng lý gia đình này phải mang ơn chàng trai Gregor Samsa – con bọ. Nhưng thường ngày bận rộn với công việc, Gregor Samsa không còn thời gian dành cho gia đình. Thành thử quan hệ giữa Gregor Samsa với người thân chỉ có tiền bạc, trách nhiệm mà không có tình thân. Còn anh, có tháng cao điểm anh lĩnh về ngót năm mươi triệu đồng cả tiền lương lẫn tiền thưởng, chị mừng lắm, nhưng anh chỉ thấy vô cùng mệt mỏi. Điều mà anh khao khát, ước mơ, không phải tiền bạc, mà là những giây phút nghỉ ngơi thư giãn, vợ chồng, con cái được cùng nhau đi dã ngoại trong không khí vui vẻ, đầm ấm như hồi anh chị mới cưới hay khi các con còn nhỏ. Có lần, thấy anh ngồi lặng lẽ, đăm chiêu, chị mở két lôi ra một sấp dày sổ tiết kiệm để “báo cáo tài chính”, hào hứng nói với anh bao nhiêu dự định tươi đẹp về tương lai của các con, mà phải có tiền mới thực hiện được; anh định nói với chị điều gì, lại thôi. Con cái đều đang tuổi ăn học, cha mẹ có trách nhiệm lo cho tương lai của chúng, gia đình nào mà chẳng thế. Chăm chỉ, hết lòng vì chồng con như vợ anh, khối người mơ chả được, anh còn phiền não, còn đòi hỏi gì! Lãng mạn ư? Bây giờ chưa phải lúc. Chị còn phải chăm sóc, dạy dỗ các con! Nghĩ thế, anh không dám làm phiền chị nữa mà cứ chủ nhật hàng tuần anh lại gọi điện rủ bạn bè đi nhậu, lâu dần đã thành lệ.
Về phần chị, vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó; năm chị lên mười thì ông nội ốm nặng, cầm cố, vay mượn rồi bán cả gia sản vẫn không đủ tiền chữa bệnh cho ông, cả nhà đành bó tay, đau khổ nhìn ông mỗi ngày một rúm ró vì bị những cơn đau vò xé. Sau khi ông mất, ròng rã bảy tám năm trời, bố mẹ chị lại cun cút lo làm để trả các khoản nợ đã vay. Năm hai mươi tuổi, chị đỗ vào Đại học Nông nghiệp thì cũng là lúc bố mẹ qua đời vì tai nạn giao thông. Đau đớn, tuyệt vọng, chị định bỏ học. Nhưng nhờ bạn bè, thầy cô khuyên nhủ, động viên, giúp đỡ, chị cố nén nỗi đau tinh thần, vừa học vừa tranh thủ làm thuê kiếm sống, từ rửa bát thuê cho các quán cơm sinh viên, đến phụ việc lau chùi dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình. Có gia đình tốt bụng, nhã ý cho chị ở nhờ; chị nhận lời, ở được gần hết năm bỗng nhận ra ánh mắt ông chủ nhìn chị nồng nàn, trìu mến lạ, mỗi khi bà chủ có việc phải vắng nhà. Dù chưa có chuyện gì xấu xảy đến, chị vẫn kiên quyết rời khỏi gia đình đó. Ít lâu sau, bà chủ tìm gặp bằng được chị để tâm sự, chị mới biết được ông bà chủ nhà ấy đều là người hiền lành, tử tế, họ lấy nhau không có tình yêu nhưng cuộc sống rất êm đềm, hạnh phúc; có ngờ đâu ông chủ thầm thương nhớ chị, từ lúc chị chuyển đi ông ấy cứ suốt ngày ra ngẩn vào ngơ; nếu chị còn ở lại chắc chắn gia đình họ sẽ đổ vỡ…
Chính vì từng trải qua bao vất vả, nhọc nhằn, mất mát, đắng cay, chị thấm thía cái khổ của những người nghèo khó, tự hứa với mình không bao giờ được phép lười biếng trong công việc hay tự mãn về tiền bạc. Đến nay, chị vẫn giữ thói quen làm lụng tảo tần, chi tiêu tiết kiệm, dành dụm từng đồng từng hào, dù kinh tế gia đình chị rất khá, có tiền tỉ gửi trong ngân hàng. Làm trưởng một bộ phận của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, bận trăm công nghìn việc, nhưng khi về nhà chị vẫn tự lo cơm nước, giặt giũ, kiên quyết không chịu mua máy giặt, cũng không thuê người làm. Chị sợ nhất việc thuê người làm, vì xem trên báo, đài đều thấy có những người làm công phản chủ: kẻ giết chủ để cướp tiền; kẻ thì tằng tịu với chủ, gây tan vỡ gia đình; kẻ lại bắt cóc con của chủ để tống tiền… Chị chẳng bao giờ tin trong xã hội hiện nay lai có người làm công nào thật thà, chăm chỉ và tự trọng như chị – cô sinh viên Mai Hạnh ngày xưa.
Thực ra, suy nghĩ của chị có phần hơi cực đoan. Chị biết vậy. Nhưng có xem thời sự, đọc báo nhiều mới thấy, thật khó để được sống yên ổn trong xã hội hiện đại; lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác. Hôm trước, cậu con trai lớn đang học lớp 11 nhờ chị giảng giải truyện ngắn “Người trong bao” của Sê-khôp, nó chê nhân vật Bê-li-côp thật kì quái, khác người, khác đời, sợ hãi quá mức. Đọc kĩ tác phẩm, chị thấy một phần mình trong đó. Chị cắt nghĩa cho con rằng: “- Vì sao Bê-li-côp lại ước muốn lối sống trong bao? Vì tuy nó gò bó, tù túng, nhưng mang lại cảm giác được che chở, bảo vệ, được yên thân. – Vì sao Bê-li-cốp lúc nào cũng sợ điều này, điều nọ, sợ lời đồn đoán, sợ kẻ trộm chui vào nhà, sợ đến mức cứ hễ về nhà là khoá trái cửa ngay, mùa hè vẫn đóng cửa sổ kín mít, đi ngủ là trùm chăn rất kĩ? Vì thực tế xã hội! Ra đường thấy chuyện ngồi lê mách lẻo, nói xấu người khác thì sợ rồi đây mình sẽ là chủ đề của những câu chuyện ấy; thấy nhà khác từng bị kẻ trộm đột nhập thì lo đến nhà mình…”. Chị giảng một thôi một hồi và kết luận, truyện “Người trong bao” ra đời từ thế kỉ mười chín, mục đích phê phán xã hội Nga dưới chế độ Nga Hoàng trì trệ, bảo thủ, lỗi thời, lạc hậu, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự là vì thế. Xã hội phát triển ngày càng hưng thịnh, ngược lại đạo đức con người ngày càng suy thoái, quan hệ xã hội ngày càng tẻ nhạt, nhất là ở nơi đô thị, nhà nào biết nhà nấy; tỉ lệ các loại tội phạm ngày càng gia tăng với những thủ đoạn ngày một hiện đại, tinh vi, nham hiểm, độc ác, thì kiểu “Người trong bao” sẽ ngày càng phổ biến! Thấy mẹ nói đúng quá, con trai chị chỉ biết gật gù đồng ý.
* * *
Lặng lẽ ngồi ghé bên giường bệnh, cúi xuống chậu thau lấy chiếc khăn ấm con gái út vừa mang vào, anh khẽ vắt cho kiệt nước rồi đưa tay thấm những hạt mồ hôi trộm rịn đầy trên trán chị, vừa tự trách mình không chịu ở nhà giúp vợ mới ra nông nỗi này. Hôm qua thứ bảy, chị được nghỉ cơ quan, nhưng suốt cả ngày lo dọn cỏ trong vườn, giặt giũ quần áo, cũng rất mệt rồi. Thân hình mảnh mai mà tính chị hay lam hay làm, có bao giờ chịu nghỉ tay đâu! Anh cũng tệ thật, đi làm thì chớ, ngày nghỉ chẳng bao giờ hỏi vợ xem có cần giúp gì không, cũng chẳng khi nào quan tâm đến đời sống tinh thần của vợ. Anh vẫn biết cái tính hay lo của vợ, nhiều khi lo lắng đến thành bệnh hoạn, mà cứ nghĩ nó bình thường thôi, đàn bà ai chả thế, nên mặc kệ. Vừa rồi bác sĩ tâm lý của vợ nói anh mới vỡ lẽ: Chị mắc hội chứng “mất phương hướng”, một dạng biểu hiện của bệnh trầm cảm, thường xuất hiện ở những người có học vấn, thành đạt trong công việc, nhưng bản thân họ lại không kịp thích nghi với xã hội hiện đại, chủ yếu nhìn nhận xã hội hiện đại theo hướng tiêu cực. Thường những người mắc hội chứng này nếu đọc báo, xem ti vi, họ chỉ chú trọng đọc và xem các tin xấu như thông tin về các mối mâu thuẫn gia đình, anh em tranh giành tài sản, cốt nhục tương tàn, trẻ bị bỏ rơi; thông tin về các vụ tai nạn, giết người, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo, móc ngoặc, đút lót, hối lộ, chạy quyền chức, chạy án… mà ít quan tâm tới thông tin về người tốt việc tốt; từ đó dẫn đến tư tưởng tiêu cực, hoang mang, cho rằng xã hội thật đen tối, không còn một ai đáng tin, không còn điều gì tốt đẹp, cuộc sống không còn ý nghĩa. Họ vẫn sống và lao động bình thường như mọi người, nhưng tâm trạng luôn cảm thấy lo lắng, bất an, thấy mình nhỏ bé, yếu ớt, không có chỗ dựa về tinh thần, chỉ cần một biến cố nhỏ gây bất lợi cho bản thân, họ cũng có thể bị sốc; thậm chí có những diễn viên nổi tiếng thế giới khi rơi vào trạng thái này đã tự mình tìm đến cái chết. Chị bị ngất xỉu không phải chỉ vì làm việc quá sức, mà còn vì suy sụp tinh thần từ hơn một tuần nay sau hôm bị cách chức tổ trưởng; chị không tin lý do sếp đưa ra là chị bị cách chức do quá trì trệ về tư tưởng, mà cho rằng anh em trong cơ quan đang cố tình làm hại chị. Bệnh của chị là tâm bệnh, gốc rễ bắt nguồn từ rất lâu rồi, may là vẫn còn nhẹ, có thể chữa khỏi nếu được người thân và bạn bè quan tâm thường xuyên.
Chuyện chị bị cách chức bây giờ anh mới biết. Nó như mồi lửa thổi bùng những hoang mang, lo lắng bấy lâu trong tâm trí của chị vậy. Về nhà, chị có nói gì đâu. Có lẽ chị cho rằng mình bị oan, vẫn đang ngấm ngầm viết đơn kiện lên cấp trên để đòi phân định rõ trắng đen, tin chắc là mình sẽ được phục chức, nên không kể với chồng? Hay chị sợ nói ra việc mình bị “trẫm xuống ruộng”, chồng con sẽ coi thường? Vì từ xưa tới giờ, hai đứa con của anh chị luôn dùng bố mẹ để làm gương cho chúng!
Bần thần nhìn vợ ngủ im thin thít, mồ hôi trộm rịn đầy trên khuôn mặt xanh xao vì thiếu ngủ mà lòng anh như tơ rối. Anh khẽ chạm vào bàn tay gầy guộc, lạnh ngắt của chị, nhẹ nhàng kéo chiếc chăn mỏng trắng toát đắp ngang ngực vợ, chăm chú nhìn từng giọt dịch truyền đều đều rơi trong ống dây trong suốt, thở dài não nuột.
– Có mệt lắm không anh? Nằm xuống đây cạnh em cho đỡ mệt! Giọng nói nhẹ nhàng, yếu ớt nhưng đầy ân cần của vợ làm anh vô cùng xúc động. Đấy, chị ốm mệt như thế mà vừa tỉnh dậy là nghĩ ngay đến chồng. Quả là một người vợ chu đáo!
– Anh không mệt, chỉ lo cho em thôi! Lỗi của anh! Anh thật vô tâm quá!
– Không! Em mới là người có lỗi! Tại em tham việc quá, trong khi nhà mình chẳng thiếu thốn gì.
– Sao em không tâm sự với anh chuyện bị cách chức? Nói với anh sớm em sẽ được thanh thản hơn! Em suy sụp như này anh lo lắm! – Lời nói chân thành của anh làm chị như muốn khóc.
– Không sao đâu, em nghĩ lại rồi. Vợ chồng mình cứ mải chạy theo công việc, không còn lúc nào để dành riêng cho nhau nữa. Phải thay đổi thôi anh ạ! Đúng lúc ấy các anh em đồng nghiệp trong cơ quan nghe tin chị nằm viện, kéo nhau tới, cả chị trưởng phòng cũng có mặt. Mọi người đều ân cần, tíu tít hỏi thăm, rồi pha trò cười vang khắp phòng. Lần đầu tiên chị nhận thấy, anh chị em trong cơ quan sống rất chan hoà, tình cảm, cởi mở, gần gũi, thân thiết; chứ không phải luôn giương vây giương cánh đề phòng lẫn nhau như chị vẫn tưởng.
Một tuần sau chị ra viện, vui vẻ đi làm trở lại; anh cũng xin chuyển công tác xuống một chi nhánh nhỏ của công ty, tuy lương thấp nhưng công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mỗi ngày thứ bảy, anh chị lại cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cùng vào bếp nấu ăn. Thay vì đi nhậu với bạn, chủ nhật tuần nào anh cũng đưa vợ con dạo chơi trong công viên hoặc dã ngoại vùng ven đô. Cậu lớn vào đại học, cô út lên lớp mười hai, ôn thi bận bịu, lo lắng cho con nhưng anh chị chẳng bao giờ quên rằng ngoài chăm sóc con cái còn phải chăm lo cho nhau nữa…
Lê Thị Thuận