3 năm – 3 giảm bền vững trong phòng chống HIV/AIDS
09/01/2013 09:10
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để đối phó với đại dịch này, chúng ta phải dùng nhiều biện pháp. Trong khi chưa thể ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêm chích ma túy và tệ nạn mại dâm, thì sự can thiệp để giảm tác hại là vô cùng cần thiết. Thành công của dự án đã được khẳng định bằng các số liệu thống kê, song cái được lớn hơn là sự chuyển đổi rõ nét về thái độ, hành vi của xã hội đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Đến hết tháng 6/2013, dự án sẽ kết thúc. Vấn đề là cần phải có nguồn lực để mua sắm cung cấp dịch vụ, duy trì bộ máy, nhất là các hoạt động của đội ngũ TTV đồng đẳng. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi sự năng động của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và sự quan tâm của các cấp chính quyền.
LSO-Chương trình can thiệp giảm hại trong phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng thế giới (WB) và DFID tài trợ được triển khai từ năm 2010. Sau 3 năm hoạt động đã góp phần quan trọng để công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Lạng Sơn đạt được “3 giảm” một cách bền vững.

ĐVTN ra quân tuyên truyền về phòng chống các tệ nạn xã hội
và ATGT trên địa bàn TP Lạng Sơn – Ảnh: Việt Thịnh
Hoạt động can thiệp giảm tác hại nhằm vào 2 đối tượng “đích” là người nghiện chích ma túy và gái mại dâm tại 19 xã, thị trấn của 10 huyện, thành phố. Với bộ máy hoạt động khá hoàn chỉnh gồm Ban chỉ đạo Dự án cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Y tế là phó ban, lãnh đạo một số sở, ngành trong tỉnh là thành viên; Ban quản lý Dự án cấp tỉnh, 30 cộng tác viên tuyến huyện và 96 tuyên truyền viên đồng đẳng, hoạt động của Dự án đã được chỉ đạo một cách xuyên suốt, có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống HIV/AIDS ở tỉnh ta.
Với mục đích lấy công tác truyền thông để làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi trong nhóm đối tượng “đích”, trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện 582 lần truyền thông qua đài truyền thanh cấp xã, thị trấn, 332 lần phát thanh trên truyền thanh cấp huyện và 9 lần phát thanh trên đài phát thanh truyền hình tỉnh. Truyền thông trong nhóm đồng bào dân tộc được dự án ưu tiên can thiệp, nên đã có 174 buổi với trên 10 ngàn lượt người tham dự. Có thể nói, các tuyên truyền viên (TTV) đồng đẳng là lực lượng xung kích để tuyên truyền trực tiếp và đưa hoạt động can thiệp giảm hại đến tận tay các đối tượng. Với 74 TTV đồng đẳng can thiệp trong những người nghiện chích ma túy, trong 3 năm qua đã tiến hành tuyên truyền trực tiếp cho 4.300 đối tượng, trong đó có 3000 người là dân tộc thiểu số; 24 TTV đồng đẳng nhóm gái mại dâm tuyên truyền trực tiếp cho 1100 lượt gái mại dâm, trong đó có 400 lượt là người dân tộc thiểu số. Phát cho đối tượng 1,9 triệu bơm kim tiêm (BKT) sạch, trên 230 ngàn bao cao su (BCS). Anh Nguyễn Quốc Tuấn, TTV đồng đẳng thị trấn Hữu Lũng nói rằng, gặp gỡ người nghiện đã khó, thuyết phục họ không dùng chung BKT càng khó hơn. Song, với những người cùng hoàn cảnh, sự chân thành và thông cảm sẽ khiến cho công việc ngày càng trôi chảy. Còn chị La Thị Ng. nhóm trưởng TTV đồng đẳng khu vực Tân Thanh thì cho rằng, tiếp cận đối tượng để tuyên truyền và cung cấp BCS cho họ không khó, bởi vì họ đã có ý thức dùng BCS để bảo vệ chính mình. Số lượng BKT và BCS phát cho người nghiện chích ma túy, gái mại dâm còn được thông qua các kênh như qua các nhà thuốc, điểm cố định… Không chỉ can thiệp giảm hại trong nhóm nghiện chích ma túy và gái mại dâm, công tác này còn được tiến hành ở các nhóm khác như vợ, bạn tình của người nghiện chích ma túy, lái xe đường dài, dân di biến động…

Hộp an toàn thu gom BKT bẩn của TTV đồng đẳng Tân Thanh (Văn Lãng)
Không chỉ tiếp cận để tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, chấp nhận các biện pháp giảm hại cho các đối tượng, các TTV đồng đẳng còn tư vấn, giới thiệu các đối tượng trong nhóm có “hành vi nguy cơ cao” đi xét nghiệm phát hiện HIV và khám bệnh lây truyền qua đường tình dục. Từ năm 2010 đến nay, đã có 1.389 người tới cơ sở y tế để khám, phát hiện 1.304 ca mắc và đã được điều trị, trong đó có 206 gái mại dâm. Không chỉ phát BKT cho người nghiện chích, các tuyên truyền viên còn tích cực đến các tụ điểm nghiện chích tuyên truyền cho người nghiện ma túy không vứt BKT đã sử dụng một cách bừa bãi và có hành động tích cực thu gom BKT bẩn cho vào “hộp an toàn” đưa đi tiêu hủy theo quy định. Theo thống kê của dự án, trong 3 năm qua đã có trên 85% BKT bẩn được thu gom so với số BKT sạch đã phát cho các đối tượng qua các kênh. Đây là nỗ lực rất lớn của các TTV và các đội thanh niên xung kích.
Bằng các biện pháp can thiệp giảm hại một cách đồng bộ, trong 3 năm qua, dự án WB và DFID đã góp phần tích cực để công tác phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn giảm đều qua các năm cả 3 tiêu chí: số nhiễm HIV mới, số chuyển sang AIDS và số chết do AIDS và các bệnh có liên quan. Nếu 9 tháng năm 2010 toàn tỉnh phát hiện 99 người nhiễm mới HIV, có 59 người chuyển sang AIDS, 41 trường hợp tử vong và 9 tháng năm 2011 phát hiện 77 trường hợp nhiễm mới, có 50 người chuyển sang AIDS 38 người tử vong, thì 9 tháng của năm 2012 chỉ phát hiện 45 trường hợp nhiễm mới, có 34 người chuyển sang AIDS và 31 người tử vong. Nếu năm 2001, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường máu là trên 42%, thì năm 2012, tỷ lệ này chỉ còn 21,7%.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để đối phó với đại dịch này, chúng ta phải dùng nhiều biện pháp. Trong khi chưa thể ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêm chích ma túy và tệ nạn mại dâm, thì sự can thiệp để giảm tác hại là vô cùng cần thiết. Thành công của dự án đã được khẳng định bằng các số liệu thống kê, song cái được lớn hơn là sự chuyển đổi rõ nét về thái độ, hành vi của xã hội đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Đến hết tháng 6/2013, dự án sẽ kết thúc. Vấn đề là cần phải có nguồn lực để mua sắm cung cấp dịch vụ, duy trì bộ máy, nhất là các hoạt động của đội ngũ TTV đồng đẳng. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi sự năng động của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và sự quan tâm của các cấp chính quyền.
Trần Kim