Thứ hai,  20/03/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh đái tháo đường: Bước tiên phong của ngành y tế Hữu Lũng

LSO-Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở Việt Nam tăng trung bình từ 8-20% mỗi năm. Tuy nhiên, sự hiểu biết của người dân và số người được điều trị ĐTĐ tại các cơ sở y tế còn thấp. Thực hiện Quyết định số 172/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phòng chống bệnh ĐTĐ giai đoạn 2006-2010, Trung tâm y tế Hữu Lũng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Bác sĩ Trần Thị Thanh kiểm tra chỉ số đường huyết trong phiếu xét nghiệm của bệnh nhân tiểu đườngHiện nay chưa có số liệu chính thức về số lượng bệnh nhân ĐTĐ và tăng huyết áp trên địa bàn huyện Hữu Lũng, song theo ước tính có khoảng 1000 người- chiếm gần 1% dân số. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết, gia đình anh ở thị trấn, suốt từ năm 2005-2008 hàng tháng, anh từng chứng kiến hàng trăm người hẹn nhau đi điều trị tiểu đường theo định kỳ. Từ các xã...

LSO-Trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở Việt Nam tăng trung bình từ 8-20% mỗi năm. Tuy nhiên, sự hiểu biết của người dân và số người được điều trị ĐTĐ tại các cơ sở y tế còn thấp. Thực hiện Quyết định số 172/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phòng chống bệnh ĐTĐ giai đoạn 2006-2010, Trung tâm y tế Hữu Lũng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.
Bác sĩ Trần Thị Thanh kiểm tra chỉ số đường huyết
trong phiếu xét nghiệm của bệnh nhân tiểu đường
Hiện nay chưa có số liệu chính thức về số lượng bệnh nhân ĐTĐ và tăng huyết áp trên địa bàn huyện Hữu Lũng, song theo ước tính có khoảng 1000 người- chiếm gần 1% dân số. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết, gia đình anh ở thị trấn, suốt từ năm 2005-2008 hàng tháng, anh từng chứng kiến hàng trăm người hẹn nhau đi điều trị tiểu đường theo định kỳ. Từ các xã vùng xa xôi như Yên Bình, Quyết Thắng đến những người ở thị trấn; từ những người lao động nông thôn, công nhân đến công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, người trong lực lượng vũ trang…họ cùng nhau thuê những chuyến xe khách xuống bệnh viện tỉnh Bắc Giang để khám, xét nghiệm và lấy thuốc. Nếu tính trung bình mỗi người phải bỏ ra 500 ngàn đồng tiền thuốc, 100 ngàn đồng tiền ăn, 100 ngàn tiền xe và tiêu vặt, thì mỗi chuyến đi như vậy phải hết 700 ngàn đồng. Làm thế nào để có thể “kéo” đội ngũ bệnh nhân đông đảo này đến bệnh viện Hữu Lũng để họ đỡ một phần chi phí tiền bạc và thời gian? Vấn đề này luôn đau đáu trong đội ngũ cán bộ bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cho Bệnh viện Hữu Lũng tầm nhìn và hướng đi. Bệnh viện đang trong thời gian nâng cấp mở rộng và tăng cường trang thiết bị nên đã giải quyết được “khâu” kỹ thuật; về nhân lực, Bệnh viện quyết định cử 2 bác sĩ đi học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang về phác đồ điều trị. Mặt khác, bệnh viện chỉ đạo đội Y tế dự phòng và các trạm y tế xã tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về cách nhận biết bệnh tăng huyết áp và bệnh ĐTĐ, dành cho họ những lời khuyên cần thiết để giữ gìn sức khỏe, nâng cao chất lượng sống, nếu nghi ngờ có bệnh thì ra Trung tâm Y tế để xét nghiệm và được cấp thuốc điều trị ngoại trú. Từ năm 2009 đã có những bệnh nhân đầu tiên đến Trung tâm, trong quá trình điều trị, huyết áp ổn định và lượng đường trong máu giảm, tin lành đồn xa, trong 3 năm qua, bệnh viện đã có 228 người đến điều trị ngoại trú bệnh ĐTĐ và trên 300 bệnh nhân điều trị tăng huyết áp.
Tâm sự với chúng tôi, ông Lý Văn Trường, xã Sơn Hà cho biết, cuối năm 2011, mới bước qua tuổi 50, ông thấy người mệt mỏi, gầy yếu, sút cân rất nhanh; nghe tuyên truyền về bệnh ĐTĐ, ông ra Trung tâm Y tế huyện làm xét nghiệm, kết quả trả lời lượng đường trong máu lên đến 25mmol/l (gấp 4 lần bình thường). Vào điều trị nội trú một thời gian đã giảm một nửa, ông ra viện điều trị ngoại trú kết hợp với ăn uống theo chế độ kiêng theo lời khuyên của bác sĩ và hôm nay ông lại đến viện để xét nghiệm lại. Ông nói rằng, việc Bệnh viện Hữu Lũng có chương trình điều trị ĐTĐ đã mang lại cho ông niềm vui lớn. Nếu cứ như người khác, mỗi tháng một lần đi Bắc Giang chắc ông cũng không chịu nổi về chi phí. Tranh thủ trao đổi với chúng tôi tại phòng khám huyết áp và tiểu đường, bác sĩ Trần Thị Thanh cho biết, trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp đón khoảng 30 bệnh nhân huyết áp và tiểu đường. Nói là “đón tiếp” vì ngoài xét nghiệm, cấp thuốc, ra phác đồ điều trị… các thầy thuốc còn căn cứ vào thực tế nghề nghiệp, cuộc sống của mỗi người để dành cho họ những lời khuyên thiết thực, huyết áp và ĐTĐ như “một cặp song sinh”, chế độ ăn uống sinh hoạt mang ý nghĩa quyết định đến việc cải thiện chất lượng sống của những bệnh nhân này.
Việc Bệnh viện Hữu Lũng “hút” bệnh nhân ĐTĐ về địa phương không chỉ mang ý nghĩa kinh tế là tiết kiệm mỗi năm gần 1 tỷ đồng chuyển phí bảo hiểm y tế xuống Bắc Giang; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của người dân địa phương mà lớn hơn, nó còn tạo niềm tin cho người bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, qua đó công tác tuyên truyền đến người dân sẽ sâu hơn, thiết thực hơn. Do hiệu quả tích cực trong điều trị và sự vào cuộc mạnh mẽ của y tế dự phòng, y tế xã cùng với các ngành đoàn thể, đến nay đã có trên 50% dân số Hữu Lũng có hiểu biết về bệnh ĐTĐ- vượt chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2006-2010 đề ra.

Tuy vậy, đây là một “cuộc chiến” lâu dài và đầy cam go, vấn đề là công tác tuyên truyền cần tốt hơn, rộng hơn để người dân, nhất là khu vực thành thị, cán bộ trong các cơ quan, đoàn thể có những kiến thức sâu để có thể phòng và tránh được bệnh. Công tác này chỉ một mình ngành y tế sẽ không thể làm xuể.

Minh Hồng