Ðể Ðà Nẵng vững bước đi lên
12/01/2013 10:47
![]() Phố mới bên sông Hàn.
|
Tự khẳng định trong khó khăn
Năm 2012, mặc dù chịu sự tác động bất lợi của kinh tế thế giới và sự suy giảm kinh tế trong nước, thành phố Đà Nẵng vẫn có mức tăng trưởng khá so năm 2011. Giá cả hàng hóa, dịch vụ ổn định; công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong bộn bề gian khó, người Đà Nẵng vẫn nỗ lực, tạo bước phát triển mới trong những năm tiếp theo…
Tổng sản phẩm xã hội (GDP) của Đà Nẵng tăng 9,1%; So năm 2011 giá trị sản xuất dịch vụ tăng 13,7%; giá trị công nghiệp – xây dựng tăng 17,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 14,8%; giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản vẫn tăng 3,4%. Tổng thu ngân sách đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30 nghìn lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 0,69% (Nghị quyết đề ra là 0,85%). Từ cuối năm 2011, nhận định tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn và suy giảm, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, kiểm soát và ổn định thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ – CP của Chính phủ, Đà Nẵng vẫn tập trung nguồn vốn cho 12 công trình trọng điểm và 92 công trình tái định cư, nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạ tầng đồng bộ để phát triển kinh tế. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, cấp thiết, như cầu Rồng và đường Nguyễn Văn Linh nối dài; cầu mới Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý; cầu và đường Nguyễn Tri Phương nối dài,v.v. Một số công trình khó khăn về vốn như khu công nghệ cao, sân vận động 20.000 chỗ ngồi và hạ tầng kỹ thuật phụ trợ thuộc Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân… cũng được ưu tiên vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Những công trình chưa thật sự cấp thiết đều được tạm dừng, cắt giảm. Trong năm, lãnh đạo thành phố và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tổ chức gặp gỡ, đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và 29 lãnh đạo các ngân hàng thương mại trong cả nước cùng 33 chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn để bàn những biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn vay và lãi suất. Việc đưa hơn 7.700 căn hộ chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp vào sử dụng, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước và bảo đảm thực hiện mục tiêu “có nhà ở” mà HĐND thành phố đã đề ra. Đồng thời, tập trung bố trí đất tái định cư cho các hộ dân ở những khu vực đã đền bù, không để tình trạng người dân phải ở nhà tạm, nhà thuê như các năm trước. Trên lĩnh vực an ninh trật tự, có thể khẳng định Đà Nẵng là thành phố đi đầu cả nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự. Trong năm, đã có 24 băng nhóm xã hội đen bị triệt phá, nạn trộm cướp cũng được hạn chế đến mức thấp nhất, tình trạng ăn xin và lang thang xin ăn trá hình, bán hàng rong trên các tuyến phố chính, chèo kéo, bám khách… cũng từng bước được ngăn chặn, loại bỏ bằng nhiều chính sách đồng bộ, triển khai thường xuyên và hiệu quả. Việc triển khai cấp sổ đỏ, sắp xếp lại tổ dân phố, xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… cũng góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Trên lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, Đà Nẵng cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, có hàng loạt bệnh viện chuyên sâu mới được hoàn thành, đưa vào hoạt động, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thành phố và các tỉnh. Năm 2012, Đà Nẵng còn có bước tiến bộ rõ nét về cải cách thủ tục hành chính. Trên cơ sở tiếp tục triển khai mô hình “một cửa điện tử” từ cấp thành phố đến quận huyện, xã phường; thực hiện thí điểm áp dụng bộ Chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính (PARI Index 2011). Nhờ đó, chất lượng phục vụ công dân, tổ chức, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp tục được cải thiện rõ nét. Thành phố cũng đã bước đầu công khai hóa thủ tục và giải đáp trực tuyến các thủ tục hành chính qua tổng đài điện thoại và mạng in-tơ-nét, đặt nền móng cho việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử trong tương lai. Trong năm 2012, Đà Nẵng thí điểm đánh giá 639 cán bộ thuộc 10 đơn vị (bảy sở, ngành, ba quận) trong thời gian ba tháng theo mô hình mới do thành phố tự xây dựng. Mô hình này đề cao tính công khai, dân chủ, lấy kết quả công việc làm thước đo chính.
Bộc lộ một số hạn chế
Bên cạnh những thành tựu mới, nhiều chỉ tiêu phát triển của năm 2012 mà Đà Nẵng kỳ vọng đã không đạt; thấp hơn chỉ tiêu phấn đấu và kế hoạch đề ra từ 2 – 3%, bao gồm các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm. Lần đầu, sau 15 năm chia tách, nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng chỉ đạt 81,1% dự toán, nhiều lĩnh vực đạt thấp, như với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 82,2%, thuế thu nhập cá nhân 70,1%, thuế ngoài quốc doanh 61,6%, thu từ tiền sử dụng đất chỉ đạt 1.800 tỷ đồng, bằng 37,1% so kế hoạch. Khi thị trường bất động sản đóng băng làm giảm nghiêm trọng nguồn thu chủ yếu của thành phố và cũng bộc lộ rõ tính thiếu cân đối, không bền vững trong việc khai thác các nguồn thu… Đà Nẵng hiện có bảy khu công nghiệp, khu chế xuất (với hơn 65 nghìn công nhân), được lấp đầy 60 – 70%; nhưng hiệu quả sản xuất chưa cao, số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất tăng hơn trước. Trong năm 2012, gần 10 nghìn lao động phải nhận trợ cấp thất nghiệp. Cho đến nay, các doanh nghiệp quốc doanh, của Trung ương và địa phương tại Đà Nẵng vẫn chưa tạo ra được những ngành hàng, mặt hàng, chiếm ưu thế; kể cả với những ngành sản xuất, chế biến vốn được coi là thế mạnh của Đà Nẵng như dệt may, giày da, chế biến hải sản, dăm gỗ, vật liệu xây dựng… Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 15.861 doanh nghiệp, nhưng hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động khó khăn. Khu công nghệ cao được Đà Nẵng kỳ vọng thu hút những doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế, có tiềm lực mạnh vào đầu tư, nhưng do nguồn vốn khó khăn; việc triển khai chậm dần. Ngành dịch vụ – thương mại được xác định là mũi nhọn, làm trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng, được dự báo sẽ là nguồn thu chủ yếu của tương lai. Du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh về cơ sở lưu trú, nhưng còn yếu về các loại dịch vụ kèm theo để giữ chân du khách, nên giảm về sức hút và lợi thế cạnh tranh. Trong vai trò trung chuyển và kết nối cho cả khu vực, ngành thương mại Đà Nẵng còn lúng túng, dù có lợi thế về giao thông đầu mối và các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nguồn nhân lực có chất lượng cũng đang thiếu hụt, trong đó có nhân lực cho ngành du lịch. Đà Nẵng cũng còn có nhiều hạn chế, bất cập trong đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội.
Giải pháp trong năm 2013
Nhìn thẳng vào sự thật, phân tích thật kỹ các hạn chế để tìm các giải pháp khả thi, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, bước vào năm 2013, Đà Nẵng đang kiên quyết ghìm tốc độ đầu tư đô thị hóa, sang đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên giải cứu nguồn vốn đang chôn chặt trong bất động sản bằng việc bố trí đất ở cho tất cả những hộ dân ở các vùng dự án đã quy hoạch, ưu tiên bố trí mặt bằng cho sản xuất thay cho phân lô bán nền như thời gian qua. Chuyển dần nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại. Đà Nẵng cũng đang tìm cách khai thác thêm các nguồn thu khác, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ thương mại trung gian và phát triển một số công nghiệp phụ trợ. Quyết tâm của Đà Nẵng là sẽ làm quyết liệt và đồng bộ, để giải quyết hai vấn đề cơ bản: Vừa bảo đảm tính bền vững của nguồn thu ngân sách, vừa thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, từ năm 2013, Đà Nẵng tập trung hơn vào việc lựa chọn các mặt hàng chủ lực trong sản xuất, chế biến, như dệt may, điện tử, công nghệ thông tin… để xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu, tạo ra lợi thế so sánh trên thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu theo hai hướng: Vừa gom hàng, trung chuyển cho các tỉnh trong khu vực và các nước nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây (mà Đà Nẵng là điểm đầu phía Việt Nam); vừa đầu tư tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng cao. Từng bước đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để nâng cao tay nghề cho hơn 250 nghìn lao động hiện có, tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, những năm gần đây, Đà Nẵng đã cùng các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung ký kết các văn bản hợp tác, liên kết. Với vai trò là thành phố động lực, Đà Nẵng không chỉ tự “tỏa sáng” mà còn từng bước thể hiện vai trò trung tâm, đầu tàu cho khu vực miền trung – Tây Nguyên, phát huy vai trò hạt nhân kết nối, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện có, phát triển mạnh dịch vụ, du lịch và công nghiệp; thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao một cách hiệu quả; tạo sức mạnh chi phối, lan tỏa cho cả khu vực. Nhờ đó, Đà Nẵng đang trở thành trung tâm kinh tế – xã hội, “hạt nhân” phát triển trong quá trình liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền trung, ngày càng thể hiện rõ vai trò đối với khu vực và cả nước. Trong lĩnh vực văn hóa, Đà Nẵng hướng mạnh hơn vào đầu tư cho con người; từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình văn hóa thiết yếu, các trung tâm văn hóa – thể thao – giải trí trong các khu, cụm dân cư; xây dựng và bổ sung các nội dung sinh hoạt phù hợp với người dân. Tiếp tục điều chỉnh công năng, chức năng các công trình lớn, hiện đại tránh lãng phí. Phát huy địa lý, văn hóa Đà Nẵng từng bước xây dựng, nâng cao các thiết chế văn hóa biển, phục vụ đời sống xã hội và phát triển kinh tế thông qua các lễ hội.
Vượt qua năm 2012 với nhiều khó khăn, thách thức, Đà Nẵng đã trụ vững, vượt lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận, năm 2013 bằng nội lực của thành phố có truyền thống anh hùng trong kháng chiến, tự tin bứt phá để vượt lên đạt nhiều thành tựu mới. Đó cũng là quyết tâm chung của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang Đà Nẵng.