Hà Nội kiểm tra, xử lý tiêu cực trong thi tuyển công chức
12/01/2013 10:57
Sau khi có thông tin phản ánh về hiện tượng tiêu cực liên quan đến thi tuyển công chức, ngày 21-12-2012, UBND thành phố Hà Nội giao Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, rà soát việc thi tuyển công chức trong hai năm 2011 và 2012 tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, tổng hợp tình hình báo cáo UBND thành phố. Do đối tượng dự thi công chức, viên chức đông, địa bàn rộng, trong hai năm qua tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, cho nên khối lượng kiểm tra, rà soát rất lớn. Sở Nội vụ đã hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra và báo cáo kết quả về Sở Nội vụ. Đồng thời, Sở thành lập ba đoàn kiểm tra, trước mắt trực tiếp kiểm tra công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2012 của quận Hà Đông, huyện Ứng Hòa và huyện Thanh Trì. Trên cơ sở báo cáo của các quận, huyện, thị xã và kết quả kiểm tra bước đầu tại ba đơn vị của các đoàn kiểm tra, ngày 11-1-2013, UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 14/BC-UBND về kết quả kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức.
Báo cáo khẳng định, công tác tuyển dụng viên chức của ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã trong năm 2012 bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định. Năm 2012, chỉ tiêu tuyển dụng viên chức ngành giáo dục Thủ đô là 6.456 người, trong đó có 3.945 giáo viên mầm non được xét đặc cách, còn lại xét tuyển 2.511 người cho cả ba cấp học gồm THCS, tiểu học và mầm non. Sau khi có chỉ tiêu tuyển dụng, 28 trong số 29 quận, huyện, thị xã của thành phố (trừ quận Tây Hồ không tổ chức tuyển dụng) đều ban hành kế hoạch tuyển dụng đúng quy định và công bố công khai tại các cơ sở giáo dục, trên hệ thống truyền thanh và các phương tiện thông tin khác. UBND các quận, huyện, thị xã đã thành lập hội đồng tuyển dụng, ban giám sát và các ban giúp việc của hội đồng tuyển dụng đúng quy định. Các hội đồng tuyển dụng thực hiện xét tuyển theo hai nội dung là xét bảng điểm kết quả học tập của thí sinh và tổ chức sát hạch thực hành về chuyên môn (gồm phần soạn giáo án và phần giảng bài trên lớp). Nhìn chung, các hội đồng tuyển dụng thực hiện coi thi, chấm thi nghiêm túc. Tại quận Hà Đông, đoàn kiểm tra đã phỏng vấn trực tiếp ba thí sinh tham dự tuyển dụng, gồm một người trúng tuyển và hai người không trúng tuyển. Những người được phỏng vấn đều khẳng định, trong kỳ thi, hội đồng tuyển dụng đã thực hiện nghiêm túc các bước theo quy định của pháp luật. Các thí sinh đều được tạo điều kiện thuận lợi theo quy định và không thấy có hiện tượng tiêu cực. Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, tính đến ngày 4-1-2013 chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và cán bộ nhận tiền để “chạy” vào công chức, viên chức.
Đối với các vụ việc lình xình liên quan đến việc tuyển dụng cán bộ ngành giáo dục trên địa bàn huyện Ứng Hòa, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tháng 9-2012, huyện Ứng Hòa tổ chức kỳ thi tuyển 281 viên chức ngành giáo dục. Vào thời điểm chuẩn bị khai mạc kỳ thi (cuối tháng 8-2012), Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa nhận được thông tin về việc hội đồng tuyển dụng bố trí các cặp chấm thi là người nhà của Trưởng Phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch hội đồng tuyển dụng Nguyễn Đức Bình và Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Phó Chủ tịch hội đồng tuyển dụng Đỗ Ngọc Anh. Để phòng ngừa tiêu cực có thể xảy ra, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và hội đồng tuyển dụng thay thế các cặp chấm thi. Tuy nhiên, khi kỳ thi kết thúc, Huyện ủy vẫn nhận được thông tin phản ánh kỳ thi chưa nghiêm túc, có một số thí sinh được nâng điểm. Đến tháng 10-2012, Huyện ủy được người dân cung cấp một cuốn sổ ghi chép của Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Lỗ (tổ trưởng một cặp chấm thi), trong đó “đánh dấu” họ, tên, số báo danh của 16 thí sinh và ghi rõ danh tính của 12 người “nhờ” giúp đỡ. Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức làm việc với hội đồng tuyển dụng. Một số thành viên của các cặp chấm thi đã thừa nhận, trong quá trình chấm thi đã nâng điểm cho 15 trong số 16 thí sinh, trong số 15 thí sinh được nâng điểm, có bảy trường hợp trúng tuyển. Tuy nhiên, với các trường hợp được nâng điểm, các cặp chấm thi đều khẳng định không thể xác định được điểm thực tế của từng thí sinh, vì vậy, hội đồng tuyển dụng không thể hủy kết quả của các thí sinh đã trúng tuyển.
Mặc dù báo cáo của đoàn kiểm tra cho biết, chưa phát hiện có hành vi nhận tiền và lợi ích vật chất khác từ các thí sinh hoặc người nhà thí sinh trong quá trình thi tuyển, nhưng xét thấy đây là vụ việc phức tạp, có biểu hiện của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy chế tổ chức thi tuyển, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa yêu cầu UBND huyện hoàn chỉnh và ban hành kết luận về các sai phạm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, yêu cầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực hội đồng tuyển dụng nghiêm túc kiểm điểm; giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy xem xét xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm. Sau khi xem xét, UBND huyện đã đề nghị Huyện ủy xem xét kỷ luật 12 cá nhân có sai phạm. Ban Thường vụ Huyện ủy đã kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Đỗ Ngọc Anh, giáng chức và điều chuyển công tác, đề xuất làm thủ tục cho thôi huyện ủy viên; kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình. Các cá nhân khác là chuyên viên các phòng, ban thuộc huyện, là hiệu trưởng, hiệu phó các trường tham gia hội đồng tuyển dụng đều nhận hình thức xử lý kỷ luật nghiêm.
Mặc dù kết quả kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2012 cho thấy công tác tổ chức tuyển dụng bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định, qua kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền, nhận tiền để trúng tuyển, kể cả các trường hợp sai phạm ở huyện Ứng Hòa, nhưng rõ ràng công tác tuyển sinh còn bộc lộ nhiều bất cập cần chấn chỉnh ngay. Qua kiểm tra hồ sơ thi tuyển cho thấy, tình trạng thí sinh sử dụng bằng giả để thi tuyển còn khá nhiều. Các hội đồng đã phát hiện 43 thí sinh của các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Phú Xuyên dùng bằng THPT giả để đi học trung cấp chuyên nghiệp. Ở thị xã Sơn Tây và huyện Hoài Đức, mỗi địa phương phát hiện ba thí sinh sử dụng bằng giả để dự tuyển. Nhiều khâu, nhiều công đoạn như lên điểm, vào điểm, chấm thi thực hành giảng bài còn nhiều kẽ hở, dễ xảy ra tiêu cực. Mặt khác, kết quả đợt kiểm tra này mới chỉ được đoàn công tác của Sở Nội vụ trực tiếp kiểm tra tại ba đơn vị là quận Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, đối với các đơn vị còn lại, kết quả chủ yếu dựa trên báo cáo tự kiểm tra của các quận, huyện, thị xã dưới sự hướng dẫn của Sở Nội vụ, vì vậy cũng chưa thể khẳng định là hoàn toàn không có tiêu cực chung quanh việc tuyển sinh.
Sau đợt kiểm tra này, TP Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ Hà Nội kiểm tra, rà soát kết quả thi tuyển công chức, viên chức của các đơn vị trên địa bàn thành phố, đánh giá, tổng kết, tiếp tục hoàn thiện các quy định tuyển dụng công chức, viên chức để phòng, chống tiêu cực. Tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ cho cán bộ làm công tác tuyển sinh, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, làm sai quy chế tuyển sinh, nhất là các trường hợp có biểu hiện trục lợi.