Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
12/01/2013 11:00
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ không chú trọng vào số lượng mà sẽ siết chặt quản lý về chất lượng; không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học.
![]() |
Dạy nghề cho nông dân: Chất lượng đào tạo cần được ưu tiên hàng đầu (Ảnh: agroviet.gov.vn) |
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một Đề án thiết thực giúp nông dân được tiếp cận với nhiều ngành nghề để trang bị cho mình một nghề thực thụ góp phần xây dựng cuộc sống gia đình, xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Theo báo cáo của Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tính đến tháng 12/2012 cả nước đã và đang tổ chức dạy nghề cho gần 485 nghìn lao động nông thôn. Nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo gắn kết giữa dạy nghề với giải quyết việc làm, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí tại cuộc tọa đàm về thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức sáng 11/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi cũng thẳng thắn thừa nhận: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hàng loạt những tồn tại, yếu kém cần nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục. Đó là tình trạng đào tạo nghề vẫn chưa gắn với nhu cầu xã hội; chưa chú trọng lợi thế về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ngành nghề truyền thống của địa phương…Trong thời gian qua, có địa phương để xảy ra tình trạng “đánh trống ghi tên” tức là người dân đến đăng ký học nhưng hôm nay người này học, mai lại người khác học, ghi điểm ghi danh để lấy tiền ăn trưa. Đối tượng người học có khi là hưu trí chứ không phải người sản xuất.
Đáng lưu ý, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Lâm Đồng thì phát hiện ra mặc dù các lớp dạy nghề như: trồng, chăm sóc cà phê, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm đều có thời gian học là 3 tháng nhưng thực tế theo người lao động và các giáo viên dạy nghề thì chỉ diễn ra 1 tháng.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cũng cho biết, vào tháng 3/2013, Ban chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tiến hành sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án trên toàn quốc. Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương tổ chức sơ kết, họp đánh giá 3 năm thực hiện Đề án, trong đó tập trung đánh giá kết quả thanh tra diện rộng về dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012, những sai phạm và kết quả xử lý.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XHNguyễn Ngọc Phi (Ảnh: KT) |
Về định hướng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cho biết mục tiêu trong năm 2013 là dạy nghề cho 600.000 lao động nông thôn. Song sẽ không chú trọng vào số lượng mà sẽ siết chặt quản lý về chất lượng. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm quy trình sản xuất của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với điều kiện của người học nghề. Đồng thời không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học.
Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cho rằng phải đào tạo theo đơn đặt hàng; đồng thời cơ sở dạy nghề lao động nông thôn phải dự báo được khả năng người học có việc làm sau khi học nghề xong. Ví dụ một xã đào tạo lớp chăn nuôi thì phải xác định chăn nuôi gì, xác định thời gian học bao lâu, học về có làm ở địa phương được không? “Điều quan trọng là chính quyền xã phải vào việc cùng với huyện quy hoạch ngành nghề đào tạo để người dân biết và đăng ký học. “ – Thứ trưởng nhấn mạnh.