Chuyển biến tích cực trong công tác chứng thực cho người dân
24/01/2013 09:42
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tư pháp đã in sổ chứng thực theo đúng mẫu quy định cấp cho UBND cấp huyện và cấp xã như: sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch, sổ chứng thực chữ ký, sổ cấp bản sao…và biểu mẫu để UBND các cấp sử dụng, lưu trữ và bảo quản theo quy định. Mỗi việc chứng thực đều được ghi vào sổ chứng thực, hồ sơ chứng thực được lưu trữ theo thứ tự từng năm, khóa sổ khi hết năm. Cấp nào thực hiện chứng thực thì lưu sổ và hồ sơ ở UBND cấp đó nên việc tra cứu khi cần thiết rất thuận tiện.
LSO-Xác định chứng thực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực hành chính tư pháp, phục vụ trực tiếp nhu cầu của nhân dân. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Sau 5 năm triển khai thực hiện, công tác chứng thực đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu chứng thực ngày càng cao của người dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng thực, góp phần không nhỏ trong việc làm thông thoáng, văn minh hóa thủ tục hành chính, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Vĩnh Trại
Nhanh chóng, thuận tiện, không phiền hà, tất cả mọi người đều rất hài lòng khi đến bộ phận một cửa của phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn làm thủ tục chứng thực. Đó là những gì chúng tôi được chứng kiến khi có mặt tại UBND phường. Mặc dù đã cuối giờ làm việc buổi sáng, nhưng những cán bộ trực tại bộ phận một cửa phường Hoàng Văn Thụ vẫn miệt mài hoàn tất các thủ tục liên quan đến công tác chứng thực cho nhân dân, tạo mọi điều kiện để người dân được giải quyết xong công việc trong buổi sáng. Từ khi hoạt động chứng thực chuyển về phường, xã, có ngày bộ phận một cửa tiếp nhận đến vài chục hồ sơ yêu cầu chứng thực. Tất cả đều được cán bộ tận tình hướng dẫn, giải quyết kịp thời. Chị Phùng Thị Hoàn, khối 9, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: trước đây muốn chứng thực giấy tờ phải lên Phòng Tư pháp hoặc Sở Tư pháp. Lượng người đến chứng thực rất đông, nhiều hôm phải chờ cả buổi, thậm chí ngày hôm sau mới chứng thực được. Còn hôm nay, chị đến UBND phường Hoàng Văn Thụ chứng thực bản sao hộ khẩu gia đình từ sổ gốc, chưa đầy 5 phút đã được giải quyết xong. Cũng như chị Phùng Thị Hoàn, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, khối 11, phường Hoàng Văn Thụ vừa làm xong thủ tục chứng thực phấn khởi cho biết: chị thường xuyên đến phường làm thủ tục chứng thực và rất hài lòng về tinh thần thái độ phục vụ, hướng dẫn của cán bộ. Công việc được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, không phải chờ đợi lâu. Tâm sự của chị Hoàn, chị Huyền cũng là suy nghĩ của rất nhiều công dân về công tác chứng thực trên địa bàn tỉnh mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trong thời gian qua.
Nghị định 79/NĐ-CP ra đời đã tách hoạt động chứng thực khỏi hoạt động công chứng và phân cấp mạnh mẽ về thẩm quyền chứng thực cho Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và UBND cấp xã. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng thực được quy định đơn giản, thời gian giải quyết được rút ngắn, góp phần tiết kiệm chi phí thủ tục hành chính cho người dân. Kể từ khi có Nghị định 79, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức triển khai kịp thời, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác chứng thực. Cùng với việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh đã củng cố, kiện toàn cơ quan tư pháp và cán bộ làm công tác chứng thực từ huyện đến xã. Chỉ đạo các huyện, thành phố lựa chọn con người, bố trí cơ sở vật chất cho công tác chứng thực và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ thực thi nhiệm vụ. Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh về việc quy định thẩm quyền ban hành quyết định việc thực hiện cơ chế một cửa và trên cơ sở kết quả thẩm định của Sở Nội vụ, Sở Tư pháp đã xây dựng cơ chế một cửa đối với lĩnh vực chứng thực tại cấp huyện và cấp xã theo đúng quy định. Phòng Tư pháp ký chứng thực đối với các việc thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện trình lãnh đạo UBND ký chứng thực. Cấp xã giao cho công chức Tư pháp – Hộ tịch thụ lý trình lãnh đạo UBND xã ký các việc chứng thực thuộc thẩm quyền. Lĩnh vực chứng thực được niêm yết công khai trình tự, thủ tục, thời hạn, lệ phí tại trụ sở UBND cấp xã. Qua đó, đã tạo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu chứng thực. Kết quả, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã cấp tổng số 225.999 bản sao từ sổ gốc. Chứng thực 1.417.393 bản sao từ bản chính. Chứng thực chữ ký được tổng số 10.730 việc. Chứng thực được 29.255 hợp đồng, giao dịch.
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tư pháp đã in sổ chứng thực theo đúng mẫu quy định cấp cho UBND cấp huyện và cấp xã như: sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch, sổ chứng thực chữ ký, sổ cấp bản sao…và biểu mẫu để UBND các cấp sử dụng, lưu trữ và bảo quản theo quy định. Mỗi việc chứng thực đều được ghi vào sổ chứng thực, hồ sơ chứng thực được lưu trữ theo thứ tự từng năm, khóa sổ khi hết năm. Cấp nào thực hiện chứng thực thì lưu sổ và hồ sơ ở UBND cấp đó nên việc tra cứu khi cần thiết rất thuận tiện.
Đức Anh