Liên Sơn: Cần một hướng thoát nghèo
13/07/2013 09:54
LSO – Nói đến xã vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn, thì ai cũng dễ liên tưởng đến cái nghèo. Xưa ta có “giặc đói”, thì nay xóa được đói mà vẫn chưa thể giảm được nghèo cho người dân. Đằng sau câu chuyện tăng hộ nghèo ở xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng vẫn còn nhiều điều phải trăn trở.
Có đường vẫn khổ vì đường
Người dân xã Liên Sơn chỉ có thể sản xuất manh mún theo hướng tự cung tự cấp
Sau cơn mưa đầu tháng 7, con đường hơn 20 km nối từ xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đến xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng trở nên lầy lội như mặt ruộng ngày mùa, bùn đất trơn láng khiến chiếc xe của đoàn công tác Hội Phụ nữ tỉnh luôn phải quay ngang, xoáy vòng tròn đến mấy bận mới đến được trung tâm xã. Buổi tuyên truyền bắt đầu muộn hơn kế hoạch gần 1 tiếng đồng hồ. Thấy các thành viên trong đoàn công tác, người dân xầm xì to nhỏ, chỉ có chị Dương Thị Vang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã xởi lởi hơn một chút “Các anh chị đi đường chắc khó lắm phải không? Bà con tập trung ở đây từ sớm, đợi đến 9h mà chưa thấy đoàn đến nơi, cứ tưởng trời mưa, đường trơn xe không vào được”. Đó cũng là suy nghĩ của các thành viên trong đoàn khi được diện kiến con đường vào xã 135. Người dân cho biết, cứ sau mỗi lần mưa, xã lại rơi vào tình trạng bị cô lập, đi bộ còn khó nói gì đến mấy chiếc xe máy cà tàng của người dân. Nhớ lại thời xưa khi còn sản xuất tự cấp tự túc, có lẽ Liên Sơn ngày nay cũng vẫn như cái thời xưa khi mọi sản phẩm nông, lâm nghiệp sản xuất ra chỉ tiêu thụ được trong nội bộ làng, khá hơn thì đem trao đổi với làng bên. Cứ thế, sản xuất ngày càng manh mún, thậm chí có giai đoạn tụt lùi. Ông Dương Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn giọng trầm buồn khi chúng tôi hỏi đến việc thoát nghèo. Ông Thường cho biết, 100% người dân trong xã làm nông nghiệp nhưng nông sản bán ra thường bị tư thương ép giá, có khi cũng chẳng bán được. Nguyên do cũng là vì đường vào xã còn quá khó khăn, mỗi khi mưa xuống không thể đi lại được. Có rất nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước cho xã đặc biệt khó khăn, nhưng dường như các chính sách đó vẫn chưa phát huy hiệu quả ở xã Liên Sơn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 28%, tăng 4% (4 hộ tái nghèo) so với năm 2012 là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã. Xã cũng mong muốn là các giải pháp để người dân xóa nghèo sẽ được quan tâm như đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông liên xã để thúc đẩy sản xuất hàng hóa; được hỗ trợ giống, vốn để người dân chăn nuôi, trồng trọt các loại cây có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có như vậy người dân mới yên tâm sản xuất, tìm hướng thoát nghèo.
Giấc mơ người nghèo
Gia đình chị Vi Thị Chiên, thôn bản Lăm, xã Liên Sơn là một trong những hộ tái nghèo năm 2013. Căn nhà trình tường thấp tè tè, tối om của gia đình chị Chiên thể hiện cảnh luẩn quẩn trong cái nghèo của gia đình chị. Cả nhà có 8 khẩu mà chỉ có 2 lao động chính. Bố mẹ, chị chồng thì đau ốm luôn, 3 đứa con nhỏ đang độ tuổi ăn học sàn sàn bằng nhau, trong khi vợ chồng chị Chiên chỉ trông chờ vào mấy sào lúa và tận dụng một ít đất rừng ở xa nhà thì cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Quyệt mồ hôi lăn dài trên trán với gương mặt khắc khổ, chị Chiên chia sẻ, thông qua tổ chức hội, gia đình cũng được vay 5 triệu đồng tiền vốn để nuôi 2 con lợn. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, lợn muốn bán cũng rất khó vì trong làng mọi người đều tự cấp tự túc, nhà không chăn nuôi cũng chẳng có tiền mua; số lượng ít nên thương lái cũng không lặn lội đường khó để vào thu mua làm gì. Ở đây mọi người chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt chỉ đủ bữa ăn gia đình. Không biết sau lứa lợn này có thu lại được tiền vốn để trả cho ngân hàng không. Nếu được vay vốn nhiều hơn, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hoặc được là thành viên của dự án Nhà nước thì những gia đình nghèo ở đây mới có cơ hội thoát nghèo.
Giấc mơ giản đơn của chị Chiên cũng như bao người nghèo xã Liên Sơn xem ra còn rất xa vời. Bởi hiện nay xã không có mô hình nào hỗ trợ phát triển kinh tế cho người nghèo như đầu tư vốn, giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra để tận dụng nhân lực nơi đây. Cũng có nghĩa là mục tiêu 1 năm giảm từ 3-5% hộ nghèo toàn xã cũng chỉ là trên giấy. Người dân trong xã vẫn rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trước hết là cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với những ưu đãi khác, để người dân có cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.