Thứ sáu,  31/03/2023

"Vua cầu treo" xóa cầu khỉ

Với tư duy dám nghĩ, dám làm, một nông dân trình độ lớp 2 trường làng đã trở thành "kỹ sư cầu đường" thứ thiệt khi chính bằng đôi tay, khối óc của mình  đã xây dựng nên hàng trăm cây cầu treo, giúp những con kênh, rạch nhỏ vùng quê nghèo đất miền Tây sông nước đồng bằng sông Cửu Long mất bóng những cây cầu khỉ.
Anh Sáu Quý bên công trình cầu treo trên tuyến kênh Mướp Văn (Thoại Sơn, An Giang).

Với tư duy dám nghĩ, dám làm, một nông dân trình độ lớp 2 trường làng đã trở thành “kỹ sư cầu đường” thứ thiệt khi chính bằng đôi tay, khối óc của mình  đã xây dựng nên hàng trăm cây cầu treo, giúp những con kênh, rạch nhỏ vùng quê nghèo đất miền Tây sông nước đồng bằng sông Cửu Long mất bóng những cây cầu khỉ.

Cái khó, ló cái khôn

Sáu Quý, cái tên thường gọi của người nông dân đa tài Phạm Ngọc Quý (Sáu Quý, quê xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang) mà khi nhắc đến anh người ta xưng danh “vua cầu treo miền Tây Nam Bộ”. Xuất thân trong một gia đình chín anh em, đất ruộng ít ỏi. Tuổi thơ của Sáu Quý gắn chặt với cái xóm nghèo nằm sâu trong đồng nội đất Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang) hoang vu khỉ ho cò gáy. Không được đến trường nhưng Sáu Quý lại được tạo hóa ban tặng cho cái khéo tay và sáng dạ. Hễ cái gì ai chỉ, ai dạy gì anh học theo là y như rằng chỉ dăm bữa, nửa tháng là làm được ngay. Và, chuyện về những cây cầu treo cũng bắt đầu bằng việc cây cầu ván gỗ đơn sơ trước nhà bị gỡ để nạo vét kênh nội đồng xã Thạnh Mỹ Tây phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 1995. “Ðó là vụ đông xuân 1995, chính quyền địa phương tiến hành tháo dỡ cầu tự phát để xáng cạp vào múc kinh nội đồng, giúp bà con nông dân vùng nội đồng Tứ giác Long Xuyên khai thác đất đai hoang hóa thành lúa hai vụ. Chuyện lớn, vui mừng nên bà con ở đây gật đầu cái rụp, đâu đâu có cầu ván, cầu khỉ tháo dỡ ngay cho xáng cạp làm nhanh để bà con còn được vô đất mới mà cày sới, phát hoang, trồng lúa. Nhưng khi xáng cạp đi qua thì hỡi ôi, cầu cũ đâu còn đủ kích thước mà bắc lại. Thấy vậy, mình đi vận động anh em trong xóm xây thử cây cầu treo vì nghe đâu bên Ðồng Tháp Mười người ta cũng làm thử thành công rồi”, Sáu Quý nhớ lại.

Ði vận động gần tuần, chủ yếu là gia đình cùng vài anh em thân tín và tiền bản thân, Sáu Quý có trong tay được hơn 3,2 triệu đồng. “Có tiền rồi nhưng ngặt nỗi trước giờ có thiết kế cầu kỳ gì đâu, nghĩ lại lúc đó mình cũng gan thiệt. Suy nghĩ mãi, nhớ lại cây cầu chữ S ngoài quốc lộ 91 dẫu là cầu bê-tông nhưng thiết kế hình rẽ quạt giống chiếc võng, tất cả chịu lực lẫn nhau giống cách làm đà kiềng cất nhà hay nang quạt bánh xe cũng chịu lực lẫn nhau”, anh kể. Với suy nghĩ thế, theo hình dạng chiếc võng dù, Sáu Quý bằng những kinh nghiệm của hàn xì sửa chữa máy móc, tỉ mỉ của cắt may, chắc chắn chuyện đà kiềng, cột kèo cất nhà gỗ… anh cùng anh em trong xóm bắt tay vào làm chiếc cầu treo đầu tiên ở  An Giang. Rồi, khi cây cầu treo bằng ván đầu tiên vùng sâu Thạnh Mỹ Tây của Sáu Quý (giờ thuộc xã Ðào Hữu Cảnh) nên hình, nên dáng, chính quyền, nhân dân quanh vùng đến xem rồi nhờ anh bắt giúp để dẹp mấy cây cầu khỉ đi đứng khó khăn, bất tiện. “Nói thiệt, lúc đó mình cũng gan quá, đang hứng chí khi cây cầu đầu bắt được, lại được anh em ủng hộ nên đánh liều nhận luôn. Làm từ từ rút kinh nghiệm từng cây, từng cây một, sau học thêm cách mà các kỹ sư xây cầu Mỹ Thuận từ sách, báo nên từng cây cầu một đều theo kiểu cải tiến dần từng khâu một từ thiết kế cơ bản, cách cân tải trọng, độ tĩnh, thông thuyền… có tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng. Từ miệt Ðào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây, đến Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), về Châu Thành, ra Thoại Sơn… những cây cầu treo lần lượt được anh em trong xóm mình đi xây giúp. Tất cả các cây cầu treo mình đã xây từ đầu tiên đến nay đều là những cây cầu từ nguồn vận động bà con, một ít có hỗ trợ của chính quyền địa phương. Do đó, công cán có lấy gì đâu, chủ yếu làm giúp cho bà con nghèo có cây cầu chắc chắn, đi lại dễ dàng, xóm giềng có điều kiện mần ăn phát triển”.

Mười năm sau khi cây cầu treo đầu tiên vùng nội đồng Thạnh Mỹ Tây được khánh thành, Sáu Quý bắt đầu nhận thầu 10 cây cầu có trả tiền công ở vùng biên giới Tân Châu (An Giang). “Khi đó ở Tân Châu cầu khỉ nhiều lắm, chính quyền địa phương thấy ở Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn có nhiều cầu treo do mình làm đẹp, qua nhiều năm sử dụng cũng rất tốt, giá thành lại rẻ nên đặt hàng luôn 10 cây cầu phân bố khắp huyện” anh nhớ lại. Gần một năm cật lực thi công, 10 cây cầu ở Tân Châu  hoàn thành trong niềm vui khôn siết  và cũng là lúc thương hiệu “cầu treo Sáu Quý” vang danh khỏi đất An Giang. Rồi hàng chục cây cầu đất Kiên Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Ðồng Nai, Bến Tre lần lượt ra đời. Ðội cầu treo Sáu Quý với những nông dân chân đất, thiệt thà vùng quê nghèo Thạnh Mỹ Tây cũng từ đó trở thành đội xây cầu treo lưu động danh tiếng nhất miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Nối nhịp bờ vui

Gần 18 năm xây cầu với khoảng 150 cây cầu treo lớn nhỏ khắp mọi miền quê là những kỷ niệm cũng như niềm hạnh phúc vô bờ của ông “vua cầu treo” hai lúa Sáu Quý. “Mình không có thói quen ghi lại chi tiết từng cây cầu đã cất nhưng nói thực, mỗi cây cầu treo ra đời đều được mình ghi nhớ bằng kỷ niệm của ngày tháo cây cầu cũ và khánh thành cầu mới. Nó lạ lắm, một sự thay da đổi thịt thật sự anh ạ. Niềm hy vọng thể hiện trong từng ánh mắt của các cụ già, em bé, anh nông dân, cô thôn nữ… Và ngày khánh thành, những cái bắt tay cảm ơn của chính quyền địa phương, của các cụ già, nụ cười rạng  rỡ của anh nông dân lấm lem bùn đất, của những học sinh khăn quàng đỏ tung tăng cắp sách đến trường khiến mình lâng lâng, khó tả. Cũng chính nó thôi thúc mình quyết tâm tiếp tục tìm đến những vùng quê nghèo khác để bắt thêm những chiếc cầu mới”, Sáu Quý bỗng chốc trầm ngâm khi những kỷ niệm của 18 năm đi nối những nhịp bờ vui khắp miền quê sông nước Cửu Long. Nơi đâu có đội cầu treo Sáu Quý đến là nơi ấy những cây cầu khỉ được xóa tan bóng dáng, những trẻ em nghèo lại được tung tăng cắp sách đến trường, những bao lúa vàng bội thu đầy ắp qua cầu… Một tương lai tươi sáng của những vùng quê nghèo sẽ được sang trang. Và những cây cầu treo của Sáu Quý càng ý nghĩa hơn khi đều là những cây cầu thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khoan sức dân theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là chính.

Nói về tương lai, Sáu Quý chia sẻ: “Những cây cầu treo của mình ngày trước được cất cũng chỉ là chữa cháy ban đầu, nếu có những cây cầu bê-tông vĩnh cửu thì có gì hơn. Nhưng đất nước còn nghèo, tiền còn dành cho nhiều chuyện khác nữa, mình góp sức nhỏ chung tay xây dựng nông thôn mới bằng những cây cầu treo cũng là bổn phận và trách nhiệm mà. Những cây cầu treo được cải tiến giờ cũng có tuổi thọ hơn 30, 40 năm nhưng giá thành thì rẻ hơn nhiều nên giờ vẫn là lựa chọn tối ưu cho việc phát triển giao thông nội đồng các xã vùng sâu, vùng xa. Còn về chuyện cất cầu, giờ mình cũng đã có thế hệ thứ hai nối nghiệp khi thằng con lớn đã có thể đứng chỉ huy làm cầu rồi, thằng ba là Phạm Thanh Ngà tốt nghiệp kỹ sư cầu đường hẳn hoi, về sau chắc chắn sẽ tiếp quản doanh nghiệp tư nhân Phạm Ngọc Quý của mình để thiết kế những cây cầu hiện đại hơn cha nó nữa chứ”, đôi mắt Sáu Quý sáng hơn khi nói về tương lai của doanh nghiệp tư nhân Phạm Ngọc Quý chuyên thi công cầu treo số một miền tây.

Chia tay Sáu Quý bên công trình cầu dây văng, nền láng nhựa, trụ móng bê-tông vĩnh cửu trên tuyến kênh Mướp Văn, dài khoảng 70 mét, nối liền hai xã An Bình – Tây Phú (huyện Thoại Sơn, An Giang) thi công được non tuần. Lại một cây cầu dây văng nữa ra đời thuộc các xã vùng sâu, vùng xa nghèo khó, tôi chợt nhớ lại hình ảnh hai cây cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ như là niềm tự hào của một Việt Nam đang vươn mình phát triển, thì ở những vùng sâu, vùng xa miệt sông nước Cửu Long giờ đây vẫn có những cây cầu dây văng, tuy không hoành tráng, hiện đại như thế nhưng được chính bàn tay, khối óc của những nông dân chân chất, một nắng, hai sương như Sáu Quý làm ra và cũng là niềm tự hào của những nông dân vùng quê nghèo khó. Ðất nước giờ đây cùng chung tay xây dựng nông thôn mới trong những khó khăn, thách thức đan xen thì đâu đó, những con người như anh nông dân “vua cầu treo”  Sáu Quý, vẫn thầm lặng ngày đêm góp từng viên đá nhỏ.

Theo Nhandan.vn