Thứ năm,  30/03/2023

Phòng chống HIV/AIDS – từ nhà trường đến xã hội

LSO-Thời gian qua, việc bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống, trong đó có những kiến thức cơ bản về phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống HIV/AIDS nói riêng là một phần quan trọng của công tác giáo dục toàn diện và được các nhà trường hết sức quan tâm.

LSO-Thời gian qua, việc bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống, trong đó có những kiến thức cơ bản về phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống HIV/AIDS nói riêng là một phần quan trọng của công tác giáo dục toàn diện và được các nhà trường hết sức quan tâm. Tuy nhiên từ kiến thức đến hình thành kỹ năng và hành động vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Y sĩ Bế Thị Giang, Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc tư vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS

Ngay từ năm lớp 10, khi bước sang tuổi dậy thì, nhan sắc của  Hoàng Thị H. đã làm siêu lòng biết bao chàng trai cùng lớp, cùng trường. Mặc dù em đã công khai với lớp, với bạn bè rằng mình đang nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV và đang điều trị ARV tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc, song nhiều bạn cùng lớp nói rằng, không thể tin đó là sự thật và những mối quan hệ yêu đương- bạn bè vẫn cứ diễn ra theo đúng quy luật của nó. Cô của em- một người cũng đang điều trị HIV và bà của em đã nhắc nhở rất nhiều lần rằng phải thật giữ gìn để khỏi lây sang bạn mình. Song, với tình yêu nông nổi của tuổi học trò, những nhắc nhở như vậy hầu như chẳng có ý nghĩa gì. Năm nay em đã bước vào lớp 12, theo nhiều người phản ánh, những cuộc hẹn hò, gặp gỡ với những bạn trai ngày càng thường xuyên hơn như chẳng có gì xảy ra.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, tính đến hết tháng 12/2012, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống và đang được quản lý trên địa bàn toàn tỉnh là 600 người; số bệnh nhân đang điều trị ARV là 503 người, trong đó có 18 trẻ em, hầu hết đều trên địa bàn Thành phố và huyện Cao Lộc. Với những nỗ lực không ngừng của ngành y tế và sự chăm lo của ngành GD&ĐT, trẻ em nhiễm HIV vừa được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, vừa được học tập tại các trường phổ thông. Nếu trước đây, tâm lý phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS còn nặng nề, khiến các em và gia đình rất khổ sở;  thì nay do công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết trong tầng lớp dân cư và nhà trường, tâm lý đó hầu như không còn. Tuy vậy, trong giao tiếp hầu như các em lại thiếu ý thức giữ gìn. Trẻ em vốn vô tư, trong sáng, nhưng lại rất hiếu động, nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm đáng tiếc. Chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với các em học sinh trường THCS Chi Lăng và THPT Việt Bắc, nhìn chung các em đều biết rằng, HIV chỉ lây nhiễm qua 3 con đường: quan hệ tình dục, qua đường máu và từ mẹ sang con. Song khi được hỏi “nếu răng bạn bị sâu, miệng bị xước mà hôn bạn có HIV cũng bị xước miệng liệu có khả năng bị lây nhiễm không? Hoặc khi bạn và bạn bị nhiễm HIV bị ngã xe đạp xây xước chảy máu, mà vết thương của 2 người có tiếp xúc với nhau, liệu có nguy cơ lây nhiễm không”. Khi  ấy, học sinh nhìn nhau, em bảo có, em bảo không. Đã biết yêu đương, song các em vẫn còn thiếu lắm những kiến thức chăm sóc người nhiễm HIV, kỹ năng tự bảo vệ tránh nhiễm HIV. Cũng không thể trách các em, vì chưa được học và tìm hiểu một cách cặn kẽ rằng mục đích điều trị bằng ARV chỉ là ức chế sự nhân lên của virut HIV và kìm hãm lượng virut đó ở trong máu một cách thấp nhất; phục hồi chức năng miễn dịch ở cơ thể để đề phòng các bệnh cơ hội; cải thiện chất lượng sống, tăng cơ hội sống cho người bệnh- chứ tuyệt nhiên không thể khỏi bệnh.  Nghe kể về các mối quan hệ yêu đương của em Hoàng Thị H – Y sĩ Bế Thị Giang, Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế Cao Lộc- người đã gắn bó với  các bệnh nhân điều trị ARV từ hơn 7 năm nay cũng giật mình. Chị nói rằng, tất cả 16 trẻ em đến lĩnh thuốc hằng tháng, chị và đồng nghiệp đều gặp gỡ tư vấn cho các cháu và gia đình; và chị chắc chắn rằng các nhà trường cũng đã nhắc nhở, giáo dục, song các mối quan hệ của các cháu phần lớn diễn ra ngoài nhà trường và gia đình nên không thể kiểm soát nổi.

Nên chăng, song song với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, các nhà trường có học sinh nhiễm HIV học hòa nhập cần phải đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, quan tâm hơn đến những em  nhiễm HIV để các em biết tự giữ mình, giữ cho bạn mình. Đặc biệt không quan hệ tình dục khi còn đang tuổi học trò; tránh những tiếp xúc có thể lây nhiễm trong quan hệ giao tiếp. Nhận thức được vấn đề, các em không những biết tự bảo vệ bản thân và bạn bè, mà còn trở thành những tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS hiệu quả trong nhà trường.

TRẦN KIM