Thứ sáu,  31/03/2023

Độ tuổi lây nhiễm HIV đang bị trẻ hóa

Đó là thông tin do Sở Y tế TP Đà Nẵng đưa ra tại Hội thảo “Đồng thuận triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 17/9.

Đó là thông tin do Sở Y tế TP Đà Nẵng đưa ra tại Hội thảo “Đồng thuận triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 17/9.

Theo đại diện sở Y tế TP, tình trạng lây nhiễm HIV tại địa bàn Đà Năng có xu hướng duy trì tương đối ổn định trong vòng 5 năm gần đây với khoảng 130 ca nhiễm mới mỗi năm, trong đó 70 trường hợp là người Đà Nẵng; độ tuổi lây nhiễm cũng đang trẻ hóa, phát hiện nhiễm khá muộn và có sự chuyển đổi trong mô hình lây nhiễm HIV. Đặc biệt, trường hợp nhiễm HIV do tình dục không an toàn đang diễn biến rất đáng lo ngại. 

 

  Hội nghị diễn ra sáng 17/9

Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng thông tin, tính đến nay toàn TP có 1.641 trường hợp nhiễm HIV; trong đó có 708 bệnh nhân AIDS và 407 ca tử vong do AIDS. Qua phân tích, có 924 trường hợp nhiễm HIV có hộ khẩu TP Đà Nẵng; trong đó có 382 ca tử vong do AIDS và 542 người hiện đang chung sống với HIV.

Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, thời gian qua các cấp, các ngành tại TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV như: Chương trình tiếp cận cộng đồng; chương trình tuyên truyền sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm an toàn; điều trị thay thế nghiện bằng methadone…đã góp phần khống chế tỷ lệ lây nhiễm trên địa bàn TP với tỷ lệ dưới 0,15%.

Ngoài ra, hiện Đà Nẵng cũng đang triển khai thí điểm phân phát bao cao su miễn phí tại các buồng, phòng cho 10% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch trên địa bàn TP.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đại diện Sở Y tế TP Đà Nẵng khẳng định sẽ triển khai kế hoạch can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV cho giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, thành phố đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm có hành vi nguy cơ cao và từ nhóm có hành vi nguy cơ cao ra cộng đồng, góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư xuống dưới 0,15% vào năm 2020, qua đó giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng thời, tăng tỷ lệ sử dụng bơm kim tiêm sạch trong nhóm người sử dụng ma túy và tỷ lệ sử dụng bao cao su thường xuyên của nhóm người hành nghề mại dâm lên 80% vào năm 2015 và 90% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình điều trị bằng methadone với 500 người được tiếp cận vào năm 2015 và bảo đảm đáp ứng nhu cầu điều trị vào năm 2020.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, các cấp, các ngành cần vào cuộc một cách quyết liệt để cùng với thành phố triển khai có hiệu quả chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV giai đoạn 2013-2015. Qua đó, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lây lan đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn. Đây cũng là khẳng định của lãnh đạo thành phố nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của TP, tạo cơ sở nền tảng để xây dựng Đà Nẵng thành “Thành phố đáng sống” trong tương lai gần.

“Thành phố sẽ vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, khách sạn, nhà trọ, cơ sở dịch vụ lưu trú, các điểm vui chơi, giải trí cùng ủng hộ và tham gia chương trình này để thay đổi hành vi và thực hành các hành vi an toàn”- ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Theo Dangcongsan.vn