Thứ sáu,  31/03/2023

Đi xe đạp cũng cần hiểu luật

LSO - Xe đạp không chỉ là phương tiện đi lại mà còn thay đôi vai gánh vác hàng hóa, nông sản ra chợ. Song điều cần suy nghĩ là hàng ngày người sử dụng loại phương tiện này ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông còn hạn chế, thậm chí có người còn chưa biết luật.

LSO – Xe đạp không chỉ là phương tiện đi lại mà còn thay đôi vai gánh vác hàng hóa, nông sản ra chợ. Song điều cần suy nghĩ là hàng ngày người sử dụng loại phương tiện này ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông còn hạn chế, thậm chí có người còn chưa biết luật.

                 

                            Mua bán hàng trên lòng đường là vi phạm ATGT

Nếu ai đã từng đi qua ngã tư Mỹ Sơn, TP Lạng Sơn vào lúc sáng sớm hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không khó để bắt gặp bà con các xã Tân Liên, Gia Cát, Hợp Thành, huyện Cao Lộc chở rau, củ, quả vào thành phố. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua ngã tư này, hệ thống đèn tín hiệu đã được các cơ quan chức năng đầu tư. Thế nhưng khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ theo quy định, các phương tiện phải dừng lại nhường đường cho hướng ưu tiên thì không ít người vẫn cố gắng đạp xe vượt qua dòng xe tấp nập, bất chấp sự nguy hiểm. Chị Bế Thị Ngọc, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết: thời gian đèn đỏ rất dài (hơn 1 phút), hơn nữa chị lại đạp xe rất chậm có khi còn dắt bộ nên các phương tiện khác rất dễ phát hiện và tránh mình. Vì vậy, khi đèn đỏ chị vẫn có thể từ từ đi qua. Không chỉ những người bán rau, củ, các em học sinh dù đã được nhà trường tuyên truyền, nhắc nhở nhưng vẫn có không ít trường hợp vi phạm. Tại ngã tư Mỹ Sơn  – giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường Ngô Quyền là nút giao thông có rất nhiều xe tải nặng, xe công – ten – nơ lưu thông với tốc độ cao, chỉ cần một chút bất cẩn của người điều khiển phương tiện là tai nạn có thể xảy ra. Tại nhiều ngã ba, ngã tư trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có bố trí đèn tín hiệu giao thông, tình trạng xe đạp vượt đèn đỏ cũng thường xuyên diễn ra. Ngoài lỗi vi phạm không chấp hành đèn tín hiệu, người điều khiển xe đạp còn vi phạm rất nhiều những lỗi khác. Hiện tượng vi phạm không chỉ diễn ra trên địa bàn thành phố, các tuyến quốc lộ mà còn phổ biến ở vùng nông thôn, tuyến tỉnh lộ, đường nội thị… Đại úy Hứa Quang Huy, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: nhiều người còn có suy nghĩ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ chỉ dành cho những phương tiện có tốc độ cao nên chưa chú trọng đến việc tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi lưu thông trên đường. Với bà con các xã, trên xe luôn có thêm 2 sọt để đựng nông sản, hàng hóa,  chiếm một phần lớn diện tích mặt đường nhưng nhiều người chưa có ý thức đi vào phần đường dành cho mình. Cùng với đó, tình trạng học sinh dàn hàng 3, hàng 4, lấn chiếm cả phần đường dành cho các phương tiện khác vẫn thường xuyên xảy ra. Do tính cơ động của phương tiện này nên người điều khiển thường dừng, đỗ bất cứ đâu, thậm chí dưới lòng đường để mua bán, khi chuyển hướng không chú ý quan sát, không xin đường, có thể đây không phải nguyên nhân trực tiếp song cũng gián tiếp gây ra tai nạn hoặc va chạm cho các phương tiện khác. Lái xe Hoàng Văn Phong, xã Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: thời điểm sáng sớm và tan học là lúc có nhiều xe đạp tham gia giao thông nhất. Nhiều khi họ không chú ý quan sát, đang đi thẳng mà đột ngột dừng lại hoặc chuyển hướng khiến lái xe rất khó xử lý. Đã có những vụ tai nạn thương tâm mà người gây ra tai nạn lại chính là nạn nhân. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Kai Kinh, huyện Hữu Lũng trong tháng 3/2013. Chị Chu Thị Nụ, xã Kai Kinh, huyện Hữu Lũng điều khiển xe đạp đi mua thuốc cho con thì bất ngờ chuyển hướng, không chú ý quan sát đã xảy ra tai nạn với xe ô tô biển kiểm soát 98K – 5965 do Thân Văn Đồng, 28 tuổi, trú tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang điều khiển. Hậu quả chị Nụ tử vong.

Cũng theo anh Huy, Luật Giao thông đường bộ có quy định xử phạt đối với người điều khiển xe đạp không chấp hành Luật Giao thông đường bộ nhưng trong quá trình tuần tra, kiểm soát lực lượng chức năng cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền chứ chưa xử phạt. Từ đầu năm đến nay, trên tuyến quốc lộ 1A xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển xe đạp, làm 2 người chết. Để người điều khiển xe đạp nghiêm túc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, các cơ quan, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân.

Bài, ảnh: Hoàng Vương