Thứ sáu,  24/03/2023

Lốc xoáy gây thiệt hại nặng tại đồng bằng sông Cửu Long

Không khí lạnh gây mưa ở Bắc Bộ và Trung Bộ * Quảng Ngãi, Sóc Trăng hỗ trợ ngư dân bám biển * Cho phép năm tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất * Khánh thành và đưa vào hoạt động Trạm tìm kiếm cứu nạn trên biển

Không khí lạnh gây mưa ở Bắc Bộ và Trung Bộ * Quảng Ngãi, Sóc Trăng hỗ trợ ngư dân bám biển * Cho phép năm tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất * Khánh thành và đưa vào hoạt động Trạm tìm kiếm cứu nạn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Sáng nay (25-9), bộ phận không khí lạnh này  ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía bắc, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Gió chuyển hướng Ðông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4; ở vịnh Bắc Bộ và khu vực phía bắc Biển Ðông từ chiều tối nay có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ nên từ đêm nay có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng có tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Các tỉnh miền bắc trời mát, đêm trời trở lạnh.

Thống kê của các ngành, địa phương trong tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 8, mưa lũ đã làm thiệt hại hơn 392 tỷ đồng. Từ 19 đến 23-9, mưa lũ đã làm chết 13 người ở các huyện Thanh Chương, Nghĩa Ðàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên. Tỉnh đang tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện để giúp đỡ, hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết, bị thương, gia đình bị thiệt hại nặng trong đợt mưa, lũ; sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Sau cơn bão, nhiều đoạn bờ biển của Ðà Nẵng đã trở thành bãi rác do rác từ các nơi theo lũ dồn về. Các bãi biển Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình… rác dồn đống tại nhiều khu vực. Còn tại Quảng Nam, nghiêm trọng nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước khi đa số người dân tại đây dùng nước giếng đóng, khi nước lũ tràn ngập, bùn non đặc quánh làm cho nước đục ngầu, không sử dụng được. Nhiều xã trên địa bàn hai huyện Ea Súp và Ea H’Leo, tỉnh Ðác Lắc cũng phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số sống rải rác ở khu vực rừng núi thậm chí còn không xử lý nước mà để vậy sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Tỉnh Quảng Bình cũng có 809 giếng nước của người dân bị ngập sâu trong nước lũ khiến hàng nghìn người dân thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, các địa phương nói trên đang tích cực phối hợp cùng nhân dân khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do điều kiện thiếu thốn nên rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành hữu quan và Nhà nước để góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Hiện đã xác định được danh tính của nạn nhân bị lũ cuốn trôi được tìm thấy vào chiều 23-9 ở hạ nguồn hồ thủy lợi Ea Súp Thượng (Ðác Lắc) là anh Vũ Trọng Bách (32 tuổi, trú tại xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar). Ðây là nạn nhân thứ bảy bị thiệt mạng do trận lũ quét vừa xảy ra tại tỉnh này. Trước thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, tỉnh Ðác Lắc đã triển khai khẩn trương các biện pháp khắc phục hậu quả, bước đầu hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình có người chết và 3 triệu đồng cho người bị thương; các đơn vị quân đội hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình có người chết. UBND huyện Ea H’leo đã hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi hộ có nhà bị sập, bị trôi 2 triệu đồng. UBND huyện Ea Súp hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi gia đình có người chết 4,5 triệu đồng và mỗi người bị thương 2,5 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ các gia đình bị nạn với tổng số tiền 42,5 triệu đồng và một số lương thực, nước uống trị giá 10 triệu đồng.

Liên tiếp mấy ngày qua trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Ðồng Tháp có mưa lớn kèm theo dông, lốc làm sập và tốc mái hàng trăm nhà của người dân. Tại Cà Mau, theo thống kê chưa đầy đủ, tại các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh… có 17 căn nhà bị sập hoàn toàn, 70 căn khác bị tốc mái. Chia sẻ khó khăn với người dân, chính quyền địa phương vận động hỗ trợ mỗi gia đình từ 2 đến 4 triệu đồng. Tại tỉnh Bạc Liêu, tính đến trưa 24-9, lốc xoáy đã làm tám người bị thương nặng, hơn 200 căn nhà dân bị sập và tốc mái; hàng chục ki-ốt tại một số chợ, nhiều phòng học bị tốc mái, nhiều tuyến đường bị ngập nước. Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả do lốc xoáy mưa lớn kéo dài gây ra, Ban Chỉ huy tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành. Ðồng thời, khẩn trương huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai ổn định cuộc sống. Còn tại Sóc Trăng, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có 20 căn nhà bị sập, hai chợ tạm ở hai xã bị tốc mái, hư hại. Do ảnh hưởng của mưa bão, mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp liên tục xảy ra mưa lớn kèm theo dông lốc, làm 31 căn nhà bị sập hoàn toàn, hơn 100 căn tốc mái, xiêu vẹo thiệt hại hàng tỷ đồng. Mưa bão, dông lốc cũng gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa thu đông đang trong giai đoạn trổ chín bị ngã đổ, ngập úng làm giảm năng suất, gây khó khăn cho khâu thu hoạch, phơi sấy. Tỉnh chỉ đạo các địa phương phát huy hết công suất các trạm bơm, huy động máy bơm trong dân để bơm tháo nước cứu lúa và hoa màu trong các khu đê bao chống lũ.

Ngày 24-9, tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Trạm Tìm kiếm cứu nạn Lý Sơn với tổng mức đầu tư 83 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ thông qua Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Ðây là trạm cứu hộ đầu tiên của Quảng Ngãi và khu vực miền trung, nhằm tăng cường khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và nhất là thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn cho nhân dân. Ðể hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức gặp gỡ hơn 100 ngư dân của tỉnh tại ngư cảng Trần Ðề (thuộc huyện Trần Ðề) để nghe bà con phản ánh về tình hình đánh bắt, nuôi trồng trên biển, tiếp thu kiến nghị và giải thích cho bà con về chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước trong lĩnh vực này. Các ngư dân mong Nhà nước hỗ trợ vốn để nâng cấp, sửa chữa, đóng mới tàu; những hỗ trợ cần thiết về an ninh và đầu tư xây dựng cầu cảng để neo đậu tàu thuyền, dễ dàng cho việc vận chuyển sản phẩm vào bờ.

PV và CTV

Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép năm tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Nam Ðịnh, Tuyên Quang và Hưng Yên chuyển đổi mục đích sử dụng 1.500 ha đất. Theo đó, cho phép tỉnh Nam Ðịnh chuyển mục đích sử dụng hơn 500 ha đất trồng lúa để thực hiện 227 dự án, công trình; tỉnh Hưng Yên chuyển mục đích sử dụng 417,15 ha đất trồng lúa để thực hiện 115 dự án, công trình; tỉnh Hải Dương chuyển mục đích sử dụng 1.934.795 m2 đất trồng lúa để thực hiện 84 dự án, công trình; tỉnh Tuyên Quang được phép chuyển mục đích sử dụng 16,01 ha đất trồng lúa, 2,03 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 10 dự án, công trình và tỉnh Nghệ An chuyển mục đích sử dụng 96,33 ha đất trồng lúa để thực hiện 26 dự án, công trình. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh nêu trên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Theo Nhandan.vn