Thứ tư,  22/03/2023

Kho thóc tình thương ở Tây Giang

Sau 5 năm  triển khai mô hình "Kho thóc tình thương" của bà con dân tộc Cà Tu, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã giúp hàng trăm người dân thoát khỏi cảnh thiếu lương thực vào những mùa mưa lũ, giáp hạt.
Kho thóc tình thương thường xuyên được cán bộ xã kiểm tra.

Sau 5 năm  triển khai mô hình “Kho thóc tình thương” của bà con dân tộc Cà Tu, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã giúp hàng trăm người dân thoát khỏi cảnh thiếu lương thực vào những mùa mưa lũ, giáp hạt.

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về xây dựng “Kho thóc tình thương”, năm 2009, Hội Chữ thập đỏ huyện Tây Giang phối hợp chính quyền địa phương trong huyện triển khai và mở rộng mô hình này. Ðến nay, mô hình “Kho thóc tình thương” luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các gia đình trong huyện, xã, góp phần đem lại niềm vui cho các hộ nghèo cùng đồng bào dân tộc Cà Tu nơi vùng biên.

Dẫn chúng tôi đi thăm một kho thóc nằm trên trục đường chính của xã Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Brui Hùng cho biết: “Xã chúng tôi nằm trong lòng chảo chung quanh là đồi và là một trong những huyện nghèo của tỉnh, ngoài việc trồng cây rừng như cao-su, tre thì chỉ có hai mùa lúa nước và một mùa lúa rẫy. Nhưng mỗi khi mưa, lũ là lại bị ngập, úng nên đời sống rất khó khăn”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để có lương thực dự trữ đề phòng khi bị giặc càn quét, hoặc giúp nhau khi mưa lũ, giúp du kích, bộ đội đóng quân trong thôn, bản, một số hộ dân ở huyện Tây Giang đã có sáng kiến dự trữ lương thực bằng cách bỏ thóc sạch vào lu, hũ và cất ở những nơi kín, khi nào cần là có thóc, gạo cứu đói ngay. Ngày nay, kho thóc tình thương được dựng theo kiểu nhà cộng đồng của người Cà Tu bằng gỗ, diện tích khoảng 25 m2 và thường là nằm sát nhà sinh hoạt cộng đồng. Mái được lợp bằng tôn cách mặt đất khoảng 1,5 m đến 2 m, cửa được khóa cẩn thận và thường xuyên có người trông nom nên thóc không bị ẩm, ướt khi trời mưa, không sợ thú phá… Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để duy trì được lượng thóc trong kho, hằng năm khi mùa vụ kết thúc, thóc được các gia đình đóng góp trên tinh thần tự nguyện từ một, đến hai ang lúa/một mùa (mỗi ang ước tính khoảng 10 kg lúa), tùy điều kiện từng hộ gia đình và được phơi khô chuyển về kho trước mùa mưa lũ. Hộ gia đình nào không muốn đóng thóc, có thể ủng hộ bằng tiền nộp cho cán bộ thôn để cán bộ trực tiếp mua thóc và chuyển vào kho. Hiện nay, ở xã Lăng, do yêu cầu của chính quyền địa phương về dành đất để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nên một số kho thóc nằm sát trục đường của xã đã di chuyển vào sâu bên trong và được xây dựng lại khang trang hơn.

Gia đình chị Brui Thị Trâm, ở thôn Arơh, thuộc diện hộ nghèo trong xã, chị không may bị bệnh nên không thể lao động. Số tiền chồng chị kiếm được từ việc đi làm thuê trồng cây cao-su phần lớn dành để mua thuốc cho chị. Ðể tạo điều kiện giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, ngoài việc các cơ quan, đoàn thể có chính sách hỗ trợ cho hai con chị đến trường, lãnh đạo xã Lăng thường xuyên hỗ trợ gạo khẩn cấp mỗi khi gia đình có yêu cầu, nhất là vào mùa mưa lũ, giáp hạt.

Chồng mất sớm, con còn nhỏ, nên gia đình chị Clâu Thị Chớc thôn Arơh cũng có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy ngoài việc gia đình các chị không phải đóng góp thóc, mà ngược lại cứ hằng tháng, cán bộ thôn cùng các đoàn thể đến thăm, tặng quà, thóc. Chị Chớc nói: Tuy xã còn nghèo, nhưng đã duy trì được mô hình kho thóc giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện này đã tạo điều kiện giúp chúng tôi yên tâm lao động sản xuất, điều trị bệnh và từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tây Giang Ngô Thị Hoa cho biết: Do địa hình của xã nên cứ vào mùa mưa là bị ngập, bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, thiếu thốn lương thực. Thực hiện chỉ đạo của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chúng tôi đã triển khai mô hình “Kho thóc tình thương” tại từng thôn, bản giúp đồng bào có lương thực dự trữ. Kho thóc còn được bà con sử dụng nhằm giúp đỡ cho những gia đình khó khăn trong thôn, bản, cung cấp giống cho bà con gieo trồng hoặc sẽ được bán làm vốn để mua lại thóc giống mới. Ở những khu tái định cư, khi di dời dân qua chỗ ở mới, kho thóc cũng được mang đi cùng. Tuy nhiên, ở nhiều khu tái định cư, người dân chưa thể ổn định cuộc sống và lao động thì không có thóc để góp, huyện sẽ mua lại thóc từ những thôn khác để hỗ trợ.

Từ kết quả triển khai mô hình “Kho thóc tình thương” ở xã Lăng, Hội Chữ thập đỏ huyện Tây Giang đang triển khai một số mô hình có hiệu quả khác như “Bát cháo tình thương”, “Bát cháo tại chỗ” tại bệnh viện huyện giúp hàng trăm người bệnh nghèo yên tâm chữa bệnh. Ðặc biệt, chương trình “Bát cháo tình thương” đã được các đơn vị, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp hơn 20 triệu đồng để tổ chức cấp phát cháo cho người bệnh. Mỗi sáng, các cán bộ cấp dưỡng Trung tâm Y tế huyện Tây Giang tổ chức phát cháo cho người bệnh. Các y sĩ, bác sĩ và cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Tây Giang thường xuyên thăm hỏi tình hình người bệnh và người nhà của họ. Với gia đình người bệnh nghèo đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, chương trình “Bát cháo tình thương” là sự hỗ trợ kịp thời và rất thiết thực giúp họ yên tâm điều trị bệnh, sớm trở lại lao động, sản xuất.

Theo Nhandan.vn