Thứ tư,  22/03/2023

Xử phạt hành chính thống kê: Khó chồng lên khó

LSO-Thống kê được coi là chìa khoá cung cấp những thông tin, con số về kinh tế- xã hội để hoạch định chính sách phát triển tầm vĩ mô. Những con số thống kê đúng sẽ phản ánh trung thực sự phát triển.

LSO-Thống kê được coi là chìa khoá cung cấp những thông tin, con số về kinh tế- xã hội để hoạch định chính sách phát triển tầm vĩ mô. Những con số thống kê đúng sẽ phản ánh trung thực sự phát triển. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều số liệu thống kê còn sai lệch, việc xử phạt vi phạm thống kê chưa được coi trọng mặc dù đã có Luật Thống kê. Để thực hiện nghiêm Luật, UBND tỉnh đã có công văn tuyên truyền thực hiện luật, nghị định hướng dẫn xử phạt thống kê.

Cán bộ Cục Thống kê phân tích số liệu thống kê về nông nghiệp

Ngay sau khi Luật Thống kê có hiệu lực, ngày 19/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 79/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thông kê, nghị định có hiệu lực từ ngày 5/9/2013. Theo đó, Luật Thống kê quy định, các tổ chức cá nhân phải có trách nhiệm báo những con số khách quan, trung thực đúng yêu cầu trong phạm vi điều chỉnh của luật. Cung cấp thông tin sai sự thật, làm sai lạc con số thống kê sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Thẩm quyền xử phạt của các cấp chính quyền và thanh tra chuyên ngành thống kê. Quy định rõ vậy nhưng thực hiện xử phạt vi phạm hành chính cực kỳ khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Lê Tuân, Cục phó Cục Thống kê Lạng Sơn cho biết: tỉnh Lạng Sơn có hàng chục ngàn điểm thống kê theo mẫu và nhiều điểm thống kê theo các cuộc điều tra. Đối với thống kê theo điều tra, nhiều thông tin nhận được từ các mẫu thiếu trung thực. Như nếu họ kinh doanh, sản xuất hiếm khi họ khai báo đúng thu nhập, doanh số của mình. Vậy nên các điều tra viên phải sử dụng nghiệp vụ tính toán cho ra con số khoa học nhất. Hầu hết khi đưa ra con số có sự chênh lệch với khai báo. Theo Luật chính quyền cơ sở, thanh tra có quyền xử phạt. Thế nhưng việc xử phạt ở đây cực kỳ khó khăn bởi chính các tổ chức cá nhân cũng chưa hiểu luật. Với quan niệm chung của xã hội hầu hết các thông tin cá nhân về kinh tế là bí mật trong kinh doanh. Nhiều tổ chức, cá nhân quan niệm như vậy nên khi khai báo họ sẽ khai báo thiếu trung thực và ngành chức năng biết là họ vi phạm nhưng không biết sẽ phải xử phạt thế nào. Đặc biệt việc xử phạt theo Luật Thống kê là rất lớn, mức phạt đối với các tổ chức, cá nhân có thể lên tới 20 triệu đồng.

Với các hộ cá thể nhỏ lẻ thì dù có phạt họ cũng khó có điều kiện chấp hành. Chưa có thói quen, chưa hiểu luật nên dù cán bộ thống kê có giải thích, tuyên truyền thế nào họ cũng không hiểu. Ông Hoàng Văn Viết, kinh doanh tạp hoá tại Hoàng Đồng tâm sự, là người kinh doanh chúng tôi nộp thuế khoán. Khi khai báo thống kê chúng tôi khai theo thuế, nhưng giữa thuế và thống kê hai con số lệch nhau vậy căn cứ phạt sẽ khó được chấp nhận. Một thực tế hiện nay là mỗi ngành có cách thống kê riêng. Vậy nên rất dễ bị sai lệch số liệu, khi bị xử phạt họ sẽ không chấp hành, thậm chí có biểu hiện chống đối người thi hành công vụ. Trong 5 năm trở lại đây, khi thống kê điều tra, các điều tra viên phải dùng bút chì để ghi, về mới tẩy và ghi chính thức bằng bút mực khi có số liệu tính toán khoa học. Dù đã được quyền xử phạt từ năm 2005 theo Nghị định 14, nhưng toàn ngành thống kê chưa xử phạt được bất kỳ một tổ chức cá nhân nào. Theo ông Trần Lê Tuân, do quan niệm về xử phạt còn nhẹ, chưa có tiền lệ, cán bộ cơ sở thống kê phải kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa sâu sát, chưa tham mưu được cho chính quyền xử phạt. Điều này đặc biệt liên quan đến công tác tuyên truyền, nếu người dân hiểu tự khắc họ sẽ chấp hành, còn việc xử phạt chỉ dành cho những đối tượng cố tình vi phạm mà thôi.

Để đẩy mạnh việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thống kê, UBND tỉnh đã có Công văn 906 về đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện luật. Có thể coi đây là bước “đi tắt đón đầu” của tỉnh khi mà con số thống kê ngày càng trở nên quan trọng để hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội. Như vậy để xử phạt đúng cần đẩy mạnh tuyên truyền, hệ thống chính trị cơ sở cần quan tâm đến công tác thống kê, đẩy mạnh thanh tra trong lĩnh vực thống kê, xử phạt nghiêm vi phạm. Từ hiệu quả của việc thực hiện nghiêm túc quy định xử phạt, tin chắc con số thống kê sẽ ngày càng khách quan, trung thực hơn. Đồng thời việc xử phạt, chấp hành nghiêm luật sẽ đi vào nền nếp hơn góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

NGUYỄN ĐÔNG BẮC