Thứ tư,  29/03/2023

Hướng tới ANMA 4 "Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội"

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ tư của Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA) do bảo tàng đăng cai từ ngày 7 đến 9-10 tới tại Hà Nội với thông điệp "Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội".

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ tư của Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA) do bảo tàng đăng cai từ ngày 7 đến 9-10 tới tại Hà Nội với thông điệp “Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội”.

ANMA được thành lập năm 2007 với mục đích thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa các bảo tàng quốc gia ở khu vực châu Á và hiện có 13 bảo tàng quốc gia các nước châu Á làm thành viên. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (trước là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) là một trong những sáng lập viên của ANMA, hiện đang là Chủ tịch luân phiên của ANMA nhiệm kỳ 2012- 2013. Hội nghị ANMA 4 lần này là diễn đàn để các bảo tàng quốc gia thành viên chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cập nhật thông tin, đồng thời mở ra các hướng hợp tác song phương và đa phương mới trong tương lai. Thông điệp của Hội nghị thể hiện ở ba nội dung: Bảo tàng góp phần thay đổi nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản; Bảo tàng với du lịch di sản; Vai trò giáo dục của bảo tàng. ANMA 4 có 150 đại biểu chính thức tham dự, trong đó có 50 đại biểu quốc tế. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) được mời dự Hội nghị với tư cách quan sát viên. Dự kiến tại Hội nghị ANMA 4 sẽ kết nạp thêm hai thành viên mới của ANMA là Bảo tàng quốc gia Phi-li-pin và Bảo tàng Quốc gia Lào.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị ANMA 4 là cơ hội nhưng cũng là thách thức, vừa là trách nhiệm và niềm tự hào, là dịp để các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam học hỏi, nâng cao năng lực và chuẩn bị cho việc tổ chức những sự kiện, hội nghị tầm cỡ lớn hơn sau khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia có trụ sở mới. Ðể chuẩn bị cho sự kiện này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã sớm thành lập Ban Tổ chức gồm nhiều tiểu ban. Các tham luận được dịch song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) để in thành tài liệu chính thức phục vụ Hội nghị và trang web của ANMA (http://www.anma.pro/www.4anma.com). Trang web cũng có hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt sẽ kịp thời tuyên truyền, phản ánh các hoạt động diễn ra tại ANMA 4; giúp cho bạn đọc trong và ngoài nước tìm hiểu chi tiết về tổ chức ANMA, các thành viên ANMA và cả các kỳ Hội nghị ANMA trước.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, TS Nguyễn Văn Cường cho biết, Bảo tàng đang tích cực chuẩn bị để khai trương trưng bày chuyên đề có chủ đề: “Châu Á – những sắc màu văn hóa” giới thiệu một số di sản văn hóa về con người, lịch sử và văn hóa của các quốc gia thành viên ANMA. Hiện vật phục vụ cho trưng bày chuyên đề này chủ yếu được lựa chọn từ các bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có sự hỗ trợ của các bảo tàng khác trong nước. Bên cạnh đó, tư liệu và hình ảnh do các bảo tàng quốc gia các nước thành viên của ANMA cung cấp cũng được giới thiệu trong trưng bày này. Ban tổ chức cũng đã lên phương án tổ chức, hướng dẫn các đại biểu đi tham quan một số bảo tàng và di tích ở Hà Nội nhằm giới thiệu và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.

Theo Nhandan