Thứ tư,  29/03/2023

Giúp thanh niên học nghề, tìm việc làm

Ðào tạo nghề cho thanh niên gắn với tạo việc làm thông qua đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp là chủ trương thiết thực và đúng hướng mà Thành đoàn Hải Phòng kiên trì thực hiện nhiều năm qua. Hiệu quả thiết thực đã thu hút ngày càng nhiều lao động trẻ, nhất là thanh niên nông thôn tham gia học nghề và coi đây là con đường lập thân, lập nghiệp phù hợp.

Ðào tạo nghề cho thanh niên gắn với tạo việc làm thông qua đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp là chủ trương thiết thực và đúng hướng mà Thành đoàn Hải Phòng kiên trì thực hiện nhiều năm qua. Hiệu quả thiết thực đã thu hút ngày càng nhiều lao động trẻ, nhất là thanh niên nông thôn tham gia học nghề và coi đây là con đường lập thân, lập nghiệp phù hợp.

Ðổi mới từ công tác vận động, định hướng

Những năm gần đây, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng xác định dạy nghề cần gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và thu nhập, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa bàn khó khăn.

Bí thư Thành đoàn Hải Phòng Trần Quang Tường cho biết, Thành đoàn Hải Phòng chú trọng phối hợp, kết hợp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề, trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề để xây dựng đội ngũ nhân lực kỹ thuật có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Hướng đi này đang đưa lại những hiệu quả bước đầu.

Trên cơ sở triển khai thực hiện Ðề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015”, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng đẩy mạnh thành lập các mô hình dạy nghề phù hợp đối tượng lao động trẻ và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp tại từng địa bàn. Chúng tôi đến UBND xã Dũng Tiến (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), chứng kiến không khí học tập sôi nổi tại lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn. Mặc dù lịch học vào ngày thứ bảy và chủ nhật, vì thời gian trong tuần học sinh thường đi làm, nhưng ngay trong buổi chiều giữa trời mưa nặng hạt, học sinh vẫn có mặt đông đủ. Giờ giảng không nặng về lý thuyết, chủ yếu gợi mở vấn đề, tìm giải pháp, Bí thư Ðoàn xã Vũ Viết Hải cho biết, lớp học do Ðoàn xã phối hợp Trường trung cấp Nghiệp vụ nghề của thành phố tổ chức. Hiện lớp học có 57 học sinh theo học nghề thợ nề được miễn toàn bộ học phí và các khoản chi phí khác. Sau hơn một năm đào tạo, học sinh được cấp chứng chỉ, được Tổng công ty Bạch Ðằng nhận làm việc với mức lương khởi điểm là 4,5 triệu đồng/tháng.

Lãnh đạo xã Dũng Tiến cho biết, Ðoàn xã phải gặp trực tiếp từng người, tuyên truyền, vận động, thuyết phục và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nhập học. Thời gian đầu rất gian nan và vất vả, nhưng khi thấy được những lợi ích thiết thân, nhiều bạn trẻ đã tích cực và tự nguyện đăng ký tham gia. Học viên Phạm Văn Hà, 28 tuổi, ở thôn Ðồng Quan, xã Dũng Tiến cho biết: “Tôi làm thợ xây đã hơn hai năm,  chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thu nhập thấp và bấp bênh. Bây giờ được học nghề và sẽ có việc làm ổn định tại Tổng công ty Bạch Ðằng là niềm mơ ước của tôi và cả gia đình. Rất cảm ơn Thành đoàn!”.

Nói về hiệu quả mà mô hình mang lại, Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến Nguyễn Văn Dĩnh bày tỏ học nghề là nhu cầu thiết thân đối với thanh niên nông thôn. Không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, giải quyết việc làm mà còn thu hút thanh niên vào các hoạt động lành mạnh, giảm tệ nạn xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Tiếp tục hỗ trợ thanh niên

Ở Hải Phòng, sau khi học viên được cấp chứng chỉ đào tạo nghề, đối với những người muốn tự thành lập các mô hình phát triển kinh tế, Thành đoàn Hải Phòng tiếp tục hỗ trợ cụ thể, thiết thực, nhất là hỗ trợ vốn vay. Trên cơ sở khảo sát, tính khả thi của các mô hình, dự án tại từng địa bàn, Thành đoàn Hải Phòng thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn cho thanh niên. Ðến nay, toàn thành phố có 27 dự án vốn giải quyết việc làm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, 153 tổ tiết kiệm và vay vốn do Ðoàn Thanh niên quản lý với sự tham gia của 4.858 hộ thanh niên; tổng dư nợ hơn 58 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho gần 13 nghìn lao động trẻ. Bên cạnh dạy nghề các trình độ cho lao động trẻ, Thành đoàn còn chú trọng tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật đối với thanh niên có nhu cầu học tập nâng cao kiến thức, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại… Hiện Hải Phòng có hơn 5.000 thanh niên tham gia mô hình trang trại trẻ, diện tích hơn 1.700 ha, tạo lợi nhuận hơn 22 tỷ đồng/năm.

Tìm hiểu tại huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo, chúng tôi được biết, các cơ sở Ðoàn đang tích cực vận động đông đảo lao động trẻ học nghề, tổ chức, tư vấn giới thiệu việc làm và vay vốn phát triển kinh tế, khởi sự doanh nghiệp. Nhận thức của các cấp bộ Ðoàn về tăng cường hỗ trợ thanh niên hướng nghiệp, học nghề và giải quyết việc làm được nâng cao. Anh Trần Quang Tường nhấn mạnh: Thành đoàn Hải Phòng đã xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm hỗ trợ thanh niên vượt khó lập nghiệp, đặc biệt chú trọng thanh niên nông thôn. Tiếp cận, giúp đỡ, tập hợp được các bạn trẻ nông thôn sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cơ sở đoàn, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của Ðoàn tại cơ sở.

Thực tế ở Hải Phòng cho thấy, công tác đào tạo nghề của Ðoàn Thanh niên đang rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Tổ chức Ðoàn cần tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp các ngành chức năng theo yêu cầu, nhiệm vụ; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Chính quyền thành phố cùng các cơ quan chức năng cần đầu tư mạnh mẽ nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc dạy và học; nhất là hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay giúp thanh niên phát triển và mở rộng sản xuất…

Theo Nhandan.vn