Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An gắng gượng sau bão số 10
07/10/2013 14:33
Bão số 10 đã đi qua miền Trung được một tuần nay. Hậu quả đang được khắc phục, cuộc sống của người dân cơ bản đã trở lại nhịp sống bình thường, nhưng nỗi day dứt trong lòng người dân thì dường như vẫn còn âm ỉ.
“Biết trước, nhưng không lường trước”
Đó là câu nói cửa miệng của đa số người dân ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Không chỉ người dân nói mà nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp chính quyền và các ngành chức năng ở đây cũng nói như vậy về cơn bão số 10. Sở dĩ có cùng chung nhận xét như vậy là vì hơn 40 năm nay mới lại có một cơn bão lớn đến như vậy đổ bộ trực tiếp vào miền Trung. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, Nghệ An sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp, nhưng chưa chắc đã phải là tâm bão, dù vậy mọi kế hoạch đối phó với bão đều được triển khai ở mức cao nhất… Vậy mà khi bão vào thực sự, đúng như dự đoán, Nghệ An nằm cách trung tâm bão tới cả trăm cây số, nhưng vẫn không ai lường hết được bão lại mạnh đến như vậy. Người dân ở đây cho biết cùng với gió lớn thì mưa như “đổ nước từ trên trời xuống”. Qua thống kê, lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh Nghệ An khi bão đổ bộ vào khoảng 250mm, nhưng cục bộ có những vùng lượng mưa đo được lên tới hơn 600mm. Oái oăm là theo quy luật, khi gió bão vào sẽ kéo theo triều cường, do vậy thượng nguồn thì mưa lớn, hạ du thì triều cường, nước không tiêu thoát được nên đã làm cho lũ trên các con sông lên rất nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng đối với người dân.
Thị xã Hoàng Mai là địa phương của tỉnh Nghệ An bị thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 10, bởi lẽ trong cơn bão trên địa bàn này có mưa rất lớn, cộng với việc hồ Vực Mấu (nằm cách trung tâm thị xã Hoàng Mai 8km) phải mở tối đa đến 5 cửa xả đã làm cho toàn bộ 10/10 xã, phường của thị xã ngập chìm trong nước lũ, trong đó có 6 phường, xã bị ngập nặng suốt gần bốn ngày mới rút hết.
Gần như đã thành quy luật, bão càng lớn thì càng vào nhanh, rồi cũng qua nhanh, nhưng hậu quả của nó để lại thì rất lâu và nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND thị xã Hoàng Mai: cơn bão số 10 đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, trong đó có đồng chí Phó Giám đốc Sở Công thương của tỉnh thiệt mạng khi đang đi làm nhiệm vụ cứu trợ cho người dân; 15.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 6 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 8.000 ngôi nhà bị ngập sâu và chia cắt trong nhiều ngày; 18 trường học bị ngập, trong đó 20 phòng học bị tốc mái, 1 phòng học bị lũ cuốn trôi; 12 chiếc tàu, thuyền của ngư dân bị chìm; gần 200 xe ô tô và phương tiện thi công cơ giới bị ngập sâu trong nước; hầu hết các công trình giao thông, thuỷ lợi đều bị hư hại nặng. Riêng về nông nghiệp đã bị mất trắng 350 ha lúa mùa chưa kịp gặt, 953 ha rau màu và 370 ha nuôi trồng thuỷ sản; hơn 74 nghìn con gia súc, gia cầm bị trôi, chết; bị cuốn trôi hoặc ngập nước gây hư hỏng 3.450 tấn lúa vừa mới gặt; 195 tấn thức ăn chăn nuôi bị ngập, trôi, hư hỏng; 500 lít nước mắm thương phẩm bị hỏng hoàn toàn; 750 tấn mực, cá đông lạnh cũng bị ngập thối không khắc phục được… Ước tính tổng thiệt hại của thị xã Hoàng Mai từ cơn bão số 10 là hơn 835 tỷ đồng.
Đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra, gia đình anh Phan Văn Sơn, ở xóm 10 xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai là một ví dụ. Gia đình anh Sơn làm nghề thu mua, chế biến và kinh doanh hải sản, trong đó chủ yếu làm Moi khô. Anh Sơn nói nghẹn trong nước mắt: “Mấy chục năm qua, từ đời bố tôi tới giờ năm nào cũng có lũ, nhưng chưa bao giờ bị nước ngập sâu như năm nay. Hậu quả là 2 kho lạnh của gia đình đã bị ngập chìm sâu trong nước, máy móc hỏng hết, nhưng 35 tấn Moi khô đông lạnh đã bị thối rữa, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhưng đau sót và lo lắng hơn cả là phần lớn số Moi khô bị thiệt hại lại được mua bằng tiền vay ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Chỉ 1/4 trong số 35 tấn Moi khô có thể thu hồi được, nhưng chất lượng giảm chỉ còn 10%, 3/4 Moi khô còn lại bị thối rữa bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, hiện phải gửi các bạn hàng, hoặc di chuyển ra xa khu dân cư, rồi ướp muối để đấy mà chưa biết làm gì vì vứt đi thì tiếc của, có chăng may mắn tìm được đầu ra thì chuyển qua làm thức ăn cho gia súc, nhưng cũng chỉ thu hồi được chưa đầy 5% giá trị tiền hàng, như vậy coi như mất trắng, trong khi 15 công nhân đã phải nghỉ việc, tiền vay ngân hàng sắp đến kỳ trả nợ, gia đình không biết xoay sở thế nào để vượt qua khó khăn trước mắt.”
![]() |
Hơn 35 tấn Moi khô của anh Phan Văn Sơn nay đã bị thối rữa, phải ướp muối |
Hay như gia đình chị Phạm Thị Yến ở xóm Phú Lợi 1, xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai. Gia đình chị Yến nuôi hai vuông tôm (khoảng hơn 1ha) ngoài vùng nước lợ sát biển. Bão số 10 vào, rồi nước lũ đến cuốn trôi toàn bộ số tôm nuôi. Chị Yến cũng ngậm ngùi cho biết: “Tiền nuôi tôm chủ yếu vay ngân hàng, mấy tấn thức ăn cho tôm mới nhập cũng bị nước lũ cuốn trôi mất và gần chục bể mắm bị hỏng do ngập nước thì chưa tính được thành tiền”.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Lào ở xóm 19, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai cũng thiệt hại không kém. Gia đình bà Lào làm nghề sản xuất và kinh doanh kẹo gia công. Nước lũ đến không kịp chạy làm tan hết kẹo thương phẩm và đường nguyên liệu, không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn.
Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả cơn lũ trên địa bàn thị xã Hoàng Mai đã cơ bản hoàn tất, cảnh quan môi trường đã và đang được dọn dẹp, tiêu độc, khử trùng. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là rất nhiều hộ dân không có nguồn nước sạch sinh hoạt, vì chủ yếu dùng nước giếng, mà giếng thì đã bị ngập hết còn chưa thau tát được, do vậy phải mua nước sạch với giá khá cao làm cho cuộc sống sau lũ bão đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn…
Gắng gượng sau bão
Ngay sau bão, cả hệ thống chính trị và người dân của thị xã Hoàng Mai nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả cơn bão. Thị xã đã huy động mọi nguồn nhân lực, trong đó chủ yếu là bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên xuống cơ sở giúp nhân dân dựng lại nhà cửa bị sập đổ, sửa chữa những ngôi nhà bị tốc tường, tốc mái; dọn dẹp trường học để học sinh quay trở lại lớp; vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ đường làng, ngõ xóm, nguồn nước, nhất là những nơi bị ngập úng lâu ngày.
![]() |
Các cô giáo và phụ huynh trường Mầm non xóm 19, xã Quỳnh Vinh |
Song song với công tác khắc phục hậu quả cơn bão, các cấp, các ngành của thị xã Hoàng Mai cũng đã làm hết sức mình để cứu trợ cho người dân vùng lũ. Hiện nay, thông qua Mặt trận Tổ quốc; Hội Chữ thập đỏ các cấp và các ngành chức năng, hàng hoá, nhu yếu phẩm đang được chuyển tới tận tay các hộ gia đình vùng lũ với quyết tâm không để hộ nào bị thiếu đói.
Ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: “Hiện nay, thị xã đã thành lập Ban tiếp nhận hàng cứu trợ do UBMTTQ thị xã chủ trì có sự tham gia phối hợp của các ban, ngành ở địa phương. Tính đến 15 giờ ngày 5/10/2013, đã có 104 đơn vị và cá nhân đến ủng hộ, trao tiền và hàng hoá cứu trợ cho đồng bào vùng lũ, trị giá 4 tỷ 600 triệu đồng”.
Ngoài ủng hộ bằng tiền và hàng qua Ban tiếp nhận, nhiều đơn vị và cá nhân đã xuống các phường, xã tới từng hộ dân gặp khó khăn để trực tiếp trao hàng cứu trợ. Cùng với đó, các đơn vị chuyên ngành, như bệnh viện, sở Khoa học công nghệ, đơn vị quân đội đã cử cán bộ trực tiếp mang thuốc men và thiết bị y tế đến tiêu độc, khử trùng, dọn dẹp môi trường sau bão.
Đại tá, bác sỹ Hoàng Hữu Nam – Giám đốc Bệnh viện 4, Quân khu IV cho biết: “Ngay từ trước khi bão vào, Bệnh viện đã cử cán bộ xuống phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương túc trực tại những điểm xung yếu sẵn sàng ứng phó với bão. Sau khi bão tan, cùng với ủng hộ thuốc men, tiền mặt trị giá 35 triệu đồng qua Ban tiếp nhận. Bệnh viện cũng đã tiếp tục cử 4 đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn mang theo đầy đủ cơ số thuốc và thiết bị chuyên dùng để tham gia khám chữa bệnh, tiêu độc, khử trùng, dọn dẹp môi trường”.
Bão số 10 đã qua được một tuần, những ngày này, cuộc sống của người dân thị xã Hoàng Mai nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đều đã gượng dậy, tiếp tục ổn định cuộc sống, học tập và lao động sản xuất. Trước mắt cố gắng thu hoạch nốt số lúa vụ mùa ở những nơi còn đang úng nước, không để lúa bị mọc mầm do ngâm nước lâu ngày. Đồng thời tranh thủ thời tiết có nắng cuối thu để phơi số thóc đã bị ngập ướt; tập trung chăm sóc tốt cây vụ Đông và điều chỉnh lịch thời vụ, gieo trồng một số cây nông nghiệp ngắn ngày nhằm gỡ lại thiệt hại do cơn bão vừa qua. Khẩn trương sửa chữa hệ thống đê kè, kênh mương nội đồng, hồ đập để kịp tích nước chuẩn bị tưới tiêu cho vụ Đông Xuân sắp tới.
Ai chịu trách nhiệm khi hồ Vực Mấu xả lũ?
“Cơn bão là lịch sử, nhưng cơn lũ cũng là lịch sử hơn 40 năm nay mới có” đấy là nhận xét chung của nhiều người dân thị xã Hoàng Mai. Thiệt hại do thiên tai thì gắng chịu và vượt qua, “nhưng thiệt hại do nhân tai, mà cụ thể là do trách nhiệm chưa cao, sự phối hợp còn chưa nhịp nhàng của một số cấp, ngành làmcho hậu quả của cơn bão có phần lớn hơn thì là điều thật đáng trách” – đó cũng là nỗi niềm bức xúc của đa số người dân nơi đây.
![]() |
5 cửa xả của hồ Vực Mấu, thuộc Xí nghiệp Thuỷ lợi Quỳnh Lưu Ảnh: Trần Quỳnh |
Hồ Vực Mấu là công trình thuỷ lợi trọng điểm của Xí nghiệp Thuỷ lợi Quỳnh Lưu, thuộc Công ty Thuỷ lợi Bắc tỉnh Nghệ An. Hồ này có nhiệm vụ tích nước và điều hoà tưới tiêu cho 5 xã và thị trấn của thị xã Hoàng Mai hiện nay và nhiều địa phương khác của huyện Quỳnh Lưu. Trong cơn bão số 10 vừa qua, do mưa lớn trên thượng nguồn lòng hồ (lượng nước đo được vào thời điểm có bão là 550mm) làm cho nước trong hồ dâng lên trên mức báo động cao nhất, buộc Đơn vị quản lý hồ phải xả hết cả 5 cửa xả với lưu lượng 1.080m3/giây, kết hợp với nước triều cường từ biển vào nên đã gây lũ lụt và thiệt hại rất lớn cho thị xã Hoàng Mai.
Điều rất đáng bàn đó là người dân nhận được thông báo xả lũ quá muộn, trong khi bão đã đến rất gần làm cho người dân không kịp sơ tán, đành chịu trận trong ngập úng và mất mát tài sản, thậm chí là nguyên nhân gián tiếp gây đến chết người.
Ông Nguyễn Cảnh Hy – Phó Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi Quỳnh lưu khẳng định: “Lúc 10 giờ sáng ngày 30/9/2013, nhận thấy mưa quá lớn, nước trong lòng hồ Vực Mấu đã dâng cao vượt qua mốc báo động cuối cùng là 22 mét nên đã thông báo cho chính quyền thị xã Hoàng Mai và các xã, phường vùng hạ lưu. Sau đó cho xả lũ lần lượt cả 5 cửa xả theo quy trình”.
Về phần mình, ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai thì cho biết: “Vào lúc 15 giờ, ngày 30/9/ 2013, UBND thị xã Hoàng Mai mới nhận được thông báo của Xí nghiệp Thuỷ lợi Quỳnh lưu về việc xả lũ hồ Vực Mấu. Sau đó UBND thị xã chỉ đạo ngay các xã, phường thông báo cho người dân về việc xả lũ”.
Tuy nhiên, theo rất nhiều người dân ở thị xã Hoàng Mai cho biết, đến 16 giờ 30 phút ngày 30/9/2013 mới thấy hệ thống loa truyền thanh địa phương thông báo về việc xả lũ, trong khi 17 giờ bão đã vào đất liền. Như vậy, từ khi thông báo đến được với người dân cho đến khi bão vào và lũ đến chỉ cách nhau 30 phút thì làm sao dân có thời gian để sơ tán người, đồ đạc, máy móc, phương tiện… Câu hỏi đặt ra là, cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng hơn từ việc xả lũ hồ Vực Mấu trong những ngày qua? Bài học kinh nghiệm nào cần rút ra từ vấn đề này?
Câu hỏi này xin dành cho Xí nghiệp Thuỷ lợi Quỳnh Lưu và UBND thị xã Hoàng Mai.